Với thế mạnh về cảnh đẹp, khí hậu và nền văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số, Sa Pa luôn được khách du lịch lựa chọn như điểm du lịch không thể bỏ qua trong hành trình của họ.
Ngoài sự ưu đãi của thiên nhiên, Sa Pa có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn rất độc đáo. Với 8 dân tộc anh em sống dọc theo sườn núi dãy Hoàng Liên Sơn (Kinh, Mông, Dao, Tày, Thái, Dáy, Hoa, Xá Phó), sự đa dạng văn hóa và sự giao lưu kết hợp giữa các dân tộc với nhau đã hình thành nên bản sắc văn hóa đặc trưng riêng của Sa Pa.
Hoạt động du lịch tác động tới văn hóa truyền thống
Có thể khẳng định, trong những năm gần đây, hoạt động du lịch ở Sa Pa đã và đang phát triển mạnh, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Song hoạt động du lịch cũng đã làm thay đổi những sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân nơi đây. Các chàng trai, cô gái địa phương thổi khèn, nhảy múa theo yêu cầu trong các phiên chợ cuối tuần và nhận những đồng tiền thù lao từ du khách.
Hiện tượng người dân địa phương chèo kéo, nài ép khách mua hàng, trẻ em bỏ học đi bán hàng theo yêu cầu của cha mẹ đang dần trở thành một vấn nạn trong bức tranh về du lịch Sa Pa. Em Lý Lẩu Mẩy ở đội 4 bản Tả Phìn cho biết: Em đã nghỉ học từ lớp 5 để đi bán hàng tại thị trấn. Công việc này đem lại cho gia đình em một khoản thu nhập đáng kể cho cuộc sống của gia đình. Nhiều trẻ em người dân tộc cũng nghỉ học đi bán hàng theo yêu cầu của cha mẹ.
Sự thay đổi về nếp sống của một bộ phận các chàng trai, cô gái là người dân tộc sớm tiếp xúc với lối sống của du khách nước ngoài cũng là vấn đề đáng lo ngại và đang tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường du lịch.
Về mặt kiến trúc, một số công trình được xây dựng không phù hợp với cảnh quan, làm xấu đi vẻ đẹp của một Sa Pa cổ kính đã có lịch sử hàng trăm năm. Việc xây nhà hình ống, cao tầng mái bằng, đặt những bể nước inox trên nóc các tòa nhà làm mất đi nét độc đáo của phố núi thơ mộng…
Hệ thống xử lý rác thải, nước thải của toàn thị trấn cũng chưa được đầu tư xây dựng. Rác thải được đổ về bãi rác Khả Tây, cách thị trấn 4km theo hướng tây bắc, làm ô nhiễm môi trường và mạch nước ngầm ở những vùng lân cận. Hệ thống nước thải sinh hoạt không được xử lý mà phân tán tự nhiên theo hướng dốc của địa hình có nguy cơ làm ô nhiễm một số dòng suối và nguồn nước trong khu vực.
Ngoại trừ một số thùng rác được đặt trong khu du lịch Hàm Rồng, những nơi công cộng khác trong thị trấn Sa Pa cũng như tại những tuyến điểm du lịch quan trọng hầu như không có. Điều này cũng tạo nên lý do để những người khách du lịch kém ý thức bảo vệ môi trường đã xả rác bừa bãi và cũng là khó khăn đối với ngay cả những người khách du lịch có ý thức.
Việc buôn bán động vật quý, khai thác phong lan, cây thuốc, cây gỗ quý vẫn còn diễn ra ngoài tầm kiểm soát của các nhà chức trách và rất nhanh chóng khiến cho tài nguyên rừng đứng trước nguy cơ bị suy thoái, cạn kiệt. Người dân địa phương vẫn thường xuyên khai thác trộm những sản vật của rừng. Họ không hề có ý thức về sự suy thoái, cạn kiệt của tài nguyên mà chỉ biết rằng việc làm đó đem lại cho họ cuộc sống khấm khá, giàu có hơn.
Các doanh nghiệp du lịch phần lớn chỉ quan tâm đến hiệu quả kinh doanh mà chưa có nhiều hành động thiết thực để chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm với cộng đồng địa phương. Phần lớn, trẻ em địa phương dẫn đường cho du khách đều không làm ổn định trong một công ty du lịch mà chỉ nhận tiền công cho từng chuyến đi. Các hướng dẫn viên (HDV) nghiệp dư này đều không được đào tạo bài bản và cũng không được hưởng bất cứ chế độ bảo hiểm nào.
Một số giải pháp tăng cường quản lý môi trường du lịch
Bên cạnh những cố gắng đáng kể của chính quyền các cấp trong việc quy hoạch phát triển du lịch và bảo vệ các giá trị văn hóa, cảnh quan môi trường, hỗ trợ người dân trong việc sản xuất các sản phẩm của địa phương, tăng cường sự tham gia trực tiếp của họ vào các dịch vụ du lịch cần có một hệ thống giải pháp phù hợp để giảm thiểu các tác động không đáng có, tăng cường quản lý môi trường du lịch.
Việc quản lý văn hóa môi trường trong các hoạt động du lịch ở Sa Pa đã được thể hiện trong các văn bản như: Luật du lịch, Luật di sản văn hóa, Quy chế bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch cần thiết phải được nhanh chóng triển khai trong thực tế mà trọng điểm là: Nâng cao nhận thức của người dân và du khách về ý thức bảo vệ môi trường (cả tự nhiên và xã hội) khi tham gia các hoạt động du lịch. Phát động phong trào “Du khách nói không với các sản phẩm làm từ động thực vật quý hiếm. Biết chia sẻ, thông cảm với người dân địa phương trong việc sử dụng chung không gian và cơ sở hạ tầng du lịch là một trong những tiêu chí quan trọng về văn hóa môi trường của du khách.
Thành lập nhiều hơn nữa các Trung tâm giáo dục và diễn giải môi trường tại những nơi tập trung đông khách du lịch.
Xây dựng hệ thống biện pháp cứng rắn để xử lý hành vi vi phạm những quy định về bảo vệ văn hóa môi trường trong du lịch đối với tất cả các thành phần tham gia hoạt động du lịch. Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục thì việc xử phạt cũng là một biện pháp vô cùng cần thiết.
Lựa chọn các phương tiện, giao thông gây tác động tối thiểu với môi trường, kiềm chế không mua hay sử dụng những sản phẩm, dịch vụ gây nguy hại tới sinh thái và văn hóa địa phương.
Có biện pháp kiểm tra và xử phạt việc bán những hàng hóa có nguồn gốc từ động vật quý hiếm, kiểm tra hệ thống khách sạn, nhà hàng để không diễn ra hoạt động mại dâm, ma tuý… giữ môi trường, xã hội trong sạch. Tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường ở điểm du lịch, trên các phương tiện vận chuyển, tại các cơ sở lưu trú như: sử dụng tiết kiệm năng lượng, hạn chế đốt lửa trại, bỏ rác đúng nơi quy định, không sử dụng xà phòng, dầu gội đầu ở các dòng sông, suối, giếng nước nóng…
Khuyến khích người dân địa phương tự hào về nền văn hóa của họ. Xây dựng những dự án đầu tư cho việc bảo vệ, lưu giữ và phát triển truyền thống văn hóa đặc sắc đa dạng của cộng đồng dân tộc thiểu số, bởi đó là thế mạnh của Sa Pa.
Tuyên truyền cho người dân địa phương biết cách làm du lịch. Khuyến khích đa dạng kinh tế - xã hội bằng việc lồng ghép du lịch vào các hoạt động của cộng đồng địa phương.
Chính quyền và cơ quan quản lý môi trường ở Sa Pa cần thực hiện ngay các dự án về bảo vệ môi trường như: đặt hệ thống các thùng rác ở nơi công cộng, dọc theo các tuyến điểm du lịch, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý rác thải, nước thải chung cho toàn huyện, thị trấn.
Các cơ quan quản lý về hoạt động của các doanh nghiệp du lịch cũng cần thường xuyên nhắc nhở các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, khách sạn, nhà hàng về nghĩa vụ và trách nhiệm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Kết hợp với các cơ quan quản lý về môi trường và chính quyền địa phương đưa nội dung giáo dục và đào tạo về văn hóa môi trường vào chương trình phát triển du lịch và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cần có những dự án khôi phục, bảo tồn, lưu giữ và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương, góp phần làm gia tăng độ hấp dẫn của điểm du lịch.
Cần kết hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý về xây dựng để kiểm soát chặt chẽ các công trình xây dựng mới, đảm bảo chúng không phá vỡ cảnh quan môi trường và có đầy đủ các phương án xử lý nước và rác thải theo đúng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Khuyến khích xây dựng các nhà mái ngói, không xây dựng các nhà mái bằng và đặt các bể nước inox trên nóc các tòa nhà làm xấu đi một thị trấn Sa Pa vốn rất xinh đẹp và hài hòa với thiên nhiên. Chấm dứt việc xây mới những ngôi nhà hình ống nhiều tầng không phù hợp với địa hình dốc núi và nét độc đáo của một thị trấn đẹp nổi tiếng.
Các cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch (nhà hàng, khách sạn, khu du lịch…) cần có cán bộ chịu trách nhiệm về môi trường, báo cáo định kỳ với cơ quan quản lý về môi trường, về tình trạng môi trường của doanh nghiệp mình.
Các doanh nghiệp lữ hành cần hiểu rõ và nhận trách nhiệm huấn luyện đội ngũ HDV như những người tiên phong về bảo vệ văn hóa môi trường.
Có kế hoạch tuyển dụng, đào tạo đội ngũ HDV và cộng tác viên là con em người địa phương nhằm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho họ. Đào tạo các HDV du lịch có hiểu biết sâu, rộng về các đặc điểm xã hội văn hóa môi trường và lịch sử của những địa phương du khách sẽ tới thăm.
Có biện pháp điều tiết du khách, tránh quá tải, đồng thời tổ chức thu gom chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường các khu vực công cộng.
Đối với cộng đồng dân cư địa phương: tổ chức tuyên truyền rộng rãi thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi nói chuyện, các panô, áp phích, tranh cổ động để người dân hiểu rằng việc khai thác bừa bãi sẽ dẫn đến cạn kiệt tài nguyên, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ và con cháu, làm tổn hại đến môi trường sinh thái lâu dài tại điểm du lịch, dẫn đến sự suy thoái thậm chí là mất khả năng khai thác của điểm du lịch.
Có những biện pháp kiểm tra chặt chẽ và xử phạt nghiêm khắc với những người dân cố tình vi phạm những quy định về bảo vệ rừng.
Hỗ trợ người dân địa phương phát triển nghề thủ công truyền thống và tổ chức cho họ tham gia trực tiếp vào các dịch vụ du lịch để tăng thu nhập.
Việc thương mại hóa các giá trị văn hóa truyền thống, làm biến dạng các giá trị văn hóa phi vật thể, bán hàng lưu niệm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, việc chạy theo lối sống của du khách sẽ làm cho môi trường văn hóa tại điểm du lịch trở nên xấu đi, kém hấp dẫn hơn.
Để giữ gìn được những nét hấp dẫn vốn có của Sa Pa đối với khách du lịch - những người đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây thì vấn đề quản lý văn hóa, môi trường trong hoạt động du lịch cần phải được nghiêm túc nhìn nhận và có những thay đổi phù hợp. Thực hiện tốt nhóm giải pháp trên đây, hy vọng Sa Pa sẽ có một môi trường du lịch lành mạnh và phát triển du lịch bền vững.