Ngày 27/4, tại Cần Thơ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo tham vấn đối với dự thảo Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ vi phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành và ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, thành viên Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đồng chủ trì hội thảo.
Tham gia Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo UBND các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là thành viên Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, các thành viên Tổ soạn thảo là đại diện Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ĐBSCL và thành phố Hồ Chí Minh, các đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố ĐBSCL.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh: Đồng bằng sông Cửu Long là địa bàn quan trọng của đất nước, với mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo. Nơi đây là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam: đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu; có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Công. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, ĐBSCL mặc dù có nhiều cơ hội song cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên.
Trước những thách thức từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang diễn ra nhanh hơn dự báo; việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ; tác động từ các mặt trái của hoạt động phát triển kinh tế với cường độ cao ở nội vùng. Để giải quyết căn cơ những vấn đề này, đồng thời nhằm huy động các tư tưởng, sáng kiến lớn giúp Chính phủ và các địa phương trong vùng nhận diện đầy đủ, toàn diện các thách thức, cơ hội, đề ra các định hướng chiến lược, nhiệm vụ và giải pháp về chuyển đổi quy mô lớn phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với một số Bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH trong tháng 9 năm 2017 tại thành phố Cần Thơ.
“Trên cơ sở ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị nêu trên, ngày 17 tháng 11 năm 2017 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 120/NQ-CP, đồng thời gắn với phân công trách nhiệm của từng Bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng dự thảo Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết, trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 6 năm 2018” - Thứ trưởng Lê Công Thành nói.
Trên cơ sở nội dung dự thảo Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung trọng tâm về: Cho ý kiến tổng thể về nội dung dự thảo Chương trình hành động tổng thể; cho ý kiến về việc phân kỳ các nhiệm vụ, dự án (đặc biệt đối với các nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế) theo 02 giai đoạn 2018-2020 và 2021-2030; cho ý kiến về những nhiệm vụ ưu tiên chưa được thể hiện rõ trong dự thảo Chương trình hành động tổng thể.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ soạn thảo Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP; các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh đã cử cán bộ đầu mối tham gia xây dựng Chương trình hành động tổng thể. Đồng thời, trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành và địa phương ĐBSCL đã gửi đề xuất các nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp đưa vào dự thảo Chương trình hành động tổng thể.
Trong thời gian qua Nhóm thường trực Tổ soạn thảo đã tổng hợp những đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh để xây dựng dự thảo Chương trình hành động tổng thể. Dự thảo Chương trình hành động tổng thể được xây dựng căn cứ theo các nhiệm vụ ưu tiên đặt ra theo Nghị quyết số 120/NQ-CP, các nhiệm vụ ưu tiên do các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh đề xuất. Ngày 17/4/2018 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các thành viên Tổ soạn thảo là đại diện cho các Bộ, ngành liên quan tại Hà Nội đối với dự thảo Chương trình hành động tổng thể.
Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: “Mục đích của Chương trình hành động tổng thể nhằm xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần thực hiện trong từng giai đoạn kế hoạch để các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng ĐBSCL và thành phố Hồ Chí Minh tập trung chỉ đạo, xây dựng, triển khai các chương trình, đề án, dự án, giải pháp cụ thể nhằm thực hiện đầy đủ, toàn diện và hiệu quả các nhiệm vụ và mục tiêu đã được Nghị quyết số 120/NQ-CP đề ra. Các nhiệm vụ và giải pháp trong Chương trình hành động tổng thể phải có trọng tâm, trọng điểm, thời hạn hoàn thành; đảm bảo tính khả thi, hiệu quả; bám sát các nội dung của NQ số 120/NQ-CP; tạo cơ sở để các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng ĐBSCL và thành phố Hồ Chí Minh xây dựng, triển khai nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, chi tiết nhằm góp phần phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.”
Theo ông Tăng Thế Cường, Chương trình hành động được chia thành 02 giai đoạn, trong đó giai đoạn 2018-2020 tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách; điều tra cơ bản và cập nhật cơ sở dữ liệu liên ngành; rà soát các quy hoạch; thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, khả thi đã nêu trong Nghị quyết 120/NQ-CP và chuẩn bị cho những nhiệm vụ, dự án đầu tư lớn ở giai đoạn tiếp theo. Giai đoạn 2021-2030 sẽ dựa trên kết quả thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp của giai đoạn đầu, trọng tâm của giai đoạn này tập trung vào hoạt động triển khai các dự án đầu tư và các nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi quy mô lớn.
Tại hội thảo, các đại biểu đại diện Ủy ban nhân dân các tỉnh ĐBSCL đều cơ bản thống nhất với dự thảo chương trình và đánh giá đây là chương trình lớn của ĐBSCL. Các đại biểu cũng đánh giá nội dung chương trình chi tiết, đầy đủ nhằm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP trên cơ sở đảm bảo phát triển sự hài hoà phù hợp với hệ thống sinh thái của ĐBSCL và tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; tận dụng được hầu hết các nguồn lực từ trung ương đến địa phương, huy động được nguồn lực của các cơ quan trong nước và quốc tế; hình thành được hệ thống cơ chế chính sách phát triển ĐBSCL...
Bên cạnh đó, ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cũng đề xuất các ý kiến với việc: Rà soát lại các quy hoạch của trung ương và địa phương để tránh triển khai trùng lặp, chồng chéo và gây lãng phí; tăng cường sự liên kết của các địa phương thông qua hoạt động của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam; thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL, thành lập Quỹ phát triển bền vững ĐBSCL; cần sớm xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu tổng hợp để khu vực có thể tích hợp, chia sẻ các nguồn thông tin tin cậy. Đối với lĩnh vực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, ông Đào Anh Dũng cũng đề xuất đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp, biến đổi khí hậu, tài nguyên nước và được thông qua đào tạo tại các trường đại học trong khu vực.
Cũng trong buổi thảo luận, ông Lâm Quang Thi, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang nhấn mạnh sự cần thiết thành lập, tổ chức bộ máy theo hình thức Ban chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ phủ hoặc Phó Thủ tướng làm Trưởng ban để chủ trì triển khai thực hiện Nghị quyết; phải chỉ ra được trách nhiệm của các Bộ ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh kèm theo quy chế quản lý để gắn trách nhiệm mỗi cơ quan, địa phương trong triển khai thực hiện; cần tuyên truyền và nhân rộng những mô hình thực hiện tốt trong sản xuất nông nghiệp như sản xuất tôm ở Cà Mau, Bạc Liêu; sản xuất cá Tra ở Đồng Tháp... để các địa phương có thể nghiên cứu và áp dụng tại địa bàn tỉnh...
Phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận, Giáo sư Trần Thục cho rằng cần phải có những chiến lược quy mô, dài hạn để đối phó với những khó khăn hiện nay mà Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt. Giáo sư Trần Thục cũng đề nghị cần giao quyền nhiều hơn nữa cho địa phương trong việc chuyển đổi các mô hình phát triển kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu; cần có ý kiến chuyên sâu của các địa phương, tham vấn cụ thể hơn nữa người dân - những người thực hiện chuyển đổi và bị tác động trực tiếp cả thời điểm hiện tại lẫn trong tương lai...
Kết luận tại hội thảo, Thứ trưởng Lê Công Thành ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự trong đó có nhiều ý kiến sâu sắc từ những thực tiễn tại các địa phương. Đối với những ý kiến quan trọng, cấp bách, cần tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện sớm đi vào thực tiễn.
Thứ trưởng đề nghị sau cuộc hội thảo, các địa phương sẽ tiếp tục nghiên cứu, góp ý và gửi các kiến nghị bằng văn bản về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp và báo cáo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đồng thời tiếp tục hoàn thiện để có thể trình Chính phủ sớm ban hành Chương trình hành động tổng thể. Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định, những ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo hôm nay rất quan trọng trong việc xây dựng, triển khai hiệu quả Chương trình hành động tổng thể của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP trong thực tiễn thời gian tới.
Khương Trung