Việt Nam tham gia thảo luận các cuộc họp trong khuôn khổ Công ước khí hậu

Cập nhật: 07/05/2018
Tin từ Cục Biến đổi khí hậu cho biết, đoàn Việt Nam đang tham dự các cuộc họp trong khuôn khổ Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu gồm: Hội nghị Ban bổ trợ Khoa học Công nghệ lần thứ 48 (SBSTA48), Ban Bổ trợ Thực hiện lần thứ 48 (SBI48), Cuộc họp Nhóm Công tác đặc biệt về Thỏa thuận Paris lần thứ năm (APA1-5). Đoàn Việt Nam gồm các đại diện đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư tham dự các sự kiện này từ 30/4 đến 10/5 tại TP. Bonn (Đức).

Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị (ảnh: DMHCC)

Các cuộc họp lần này tập trung vào thảo luận nội dung chi tiết Chương trình thực hiện Thoả thuận Paris nhằm đưa ra các quy định cụ thể để trình lên COP24 cuối năm để quyết định. Theo thống nhất tại COP21 tổ chức tại Paris năm 2015, từ 2016 đến 2018, các Bên cần thảo luận để đưa ra các quy định chi tiết nhằm triển khai đầy đủ các nội dung của Thoả thuận Paris. Tuy nhiên, các quy định này hiện còn rất phức tạp do quan điểm các Bên còn nhiều vấn đề khác nhau, trong đó quan trọng nhất là có hay không có sự phân biệt về trách nhiệm thực hiện giữa các nước giàu và nước nghèo đối với từng nội dung thực hiện Thoả thuận Paris; nếu có thì ai được áp dụng, áp dụng vào vấn đề gì và áp dụng đến khi nào. Hiện quan điểm của các bên đưa ra đến thời điểm kết thúc COP23 đã được tập hợp trong 266 trang tài liệu.

Cuộc họp lần này sẽ tiếp tục xem xét, thảo luận để xây dựng một quyết định duy nhất cho tất cả các nội dung hoặc nhiều quyết định cho các nội dung khác nhau của Thoả thuận Paris để đệ trình lên phiên họp cấp cao tại COP24 được tổ chức tại Ba Lan cuối năm nay. Nội dung trọng tâm tiếp theo là các Bên tiếp tục thảo luận, làm rõ các vấn đề liên quan đến Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Tuy NDC đã và đang được triển khai, nhưng các vấn đề như đặc điểm, nội dung, trách nhiệm thực hiện, minh bạch trong thực hiện, quy trình đăng ký... vẫ tiếp tục cần được làm rõ.

Đối thoại Talanoa, một phương thức do Fiji là nước Chủ tịch COP23 đề xuất, cũng sẽ được tiến hành song song với các phiên họp về biến đổi khí hậu lần này. Các quốc gia sẽ tập trung thảo luận 3 câu hỏi: Chúng ta đang ở đâu? Chúng ta muốn đi đâu? Làm thế nào đến được đó?

Các phiên đối thoại theo phương thức Talanoa là để các Bên chia sẻ về những gì mình đã, đang và sẽ làm để ứng phó với BĐKH. Tuy chưa bắt đầu, nhưng nhiều đại biểu thể hiện hoài nghi về hình thức này, vì chưa rõ kết quả của Đối thoại Talanoa sẽ là gì và đóng góp được gì cho tiến trình đàm phán về biến đổi khí hậu.

Ngoài ra các vấn đề về nông nghiệp, thông báo thích ứng, khung thời gian chung, minh bạch trong hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực, cơ chế thị trường, tổn thất và thiệt hại ... là những vẫn đề đã và đang được thảo luận nhiều năm nay vẫn tiếp tục được thảo luận tại các phiên họp lần này.

Nguồn: www.monre.gov.vn