Mù Cang Chải đẹp như tranh vẽ vào mùa những con nước đổ ải

Cập nhật: 10/05/2018
Cách Hà Nội hơn 300km, Mù Cang Chải giờ đây không còn xa lạ với dân du lịch. Quốc lộ 32 nối liền một dải lên tận miền Lai Châu, cung đường cheo leo nằm uốn mình theo từng sườn núi đưa bạn đi qua nhiều cảnh đẹp của vùng núi Tây Bắc.

Hầu hết mọi người đều đến xứ Mù vào mùa lúa chín (tháng 10), từng thửa ruộng bậc thang vàng rộm làm cho cả vùng núi bừng lên màu của no ấm. Kiệt tác của bà con dân tộc ở đây cứ đến dịp ấy là lại phơi bày hết khiến những người lữ khách đi qua phải giật mình thảng thốt. Nhưng ít ai biết rằng còn một khoảng thời gian khác nữa - tháng Tư và tháng Năm, mùa của những con nước đổ ải…

Chúng tôi lặng lẽ rời Hà Nội vào một buổi sớm khi trời còn chưa sáng hẳn, thẳng theo hướng lên Sơn Tây rồi qua cầu Trung Hà, khi vừa chạm đất Thanh Sơn đã nghe trong gió thoảng thơm mùi hương chè. Đất Thanh Sơn (Phú Thọ) có rất nhiều đồi chè xanh mượt, con đường 32 chạy xuyên qua cả nương chè đang vào vụ thu hoạch làm cho ai trong đoàn cũng chộn rộn hẳn lên. Cả không gian là một màu xanh ngút ngàn của núi rừng, chỉ có một màu xám nhỏ của đường đi mà thôi. Không quá vội vàng, chúng tôi thả mình thật chậm vào khung cảnh nơi đây và giật mình khi nhìn thấy Đèo Khế trước mặt. Con đèo trước là nơi hiểm trở bậc nhất trên con đường qua vùng đất này, nhưng nay đã được rải nhựa phẳng lỳ, từng khúc cua rộng rãi ôm mình theo vách núi. Có lẽ, với dân du lịch bụi bằng xe máy thì ôm cua đổ đèo là một trong những chất kích thích mạnh mẽ nhất cho từng chuyến đi.

Vượt đèo Khế, rồi dốc Bồ Hòn, chúng tôi vào Tú Lệ. Tú Lệ thường là điểm dừng chân của hầu hết các đoàn đi qua đây, bởi có nhiều món ăn ngon, nhiều chỗ để đi và chụp ảnh. Xôi nếp Tú Lệ là một ví dụ điển hình, cái thứ gạo chỉ có trồng được tại đây, mà cũng chỉ trồng trên những thửa ruộng bậc thang mỗi năm một vụ mà thôi. Khi đồ hay nấu lên, dẻo và thơm vô cùng, thơm ngào ngạt mùi nếp, lại ngọt như lúa mới trổ đòng, ai ăn một lần cũng muốn ăn thêm lần nữa. Tú Lệ còn có suối nước nóng, từng chàng trai cô gái cùng ra suối tắm, bỏ qua những gì thuộc về trần tục, chỉ còn lại là tiếng róc rách rất nhỏ và tiếng trò chuyện tâm tình. Từ dòng suối này, bao cô gái đã tìm được chàng trai của cuộc đời mình. 


 

Những kẻ miền xuôi chúng tôi cũng thử bỏ hết mọi ý nghĩ bụi trần mà trầm mình xuống suối. Tiếc thay chẳng tìm được cô gái của mình nhưng tắm xong ai cũng khoan khoái lạ thường, dường như mọi mệt nhọc của chuyến đi đã tan biến hết thảy.

Tú Lệ cũng là nơi bắt đầu của ngọn đèo Khau Phạ hùng vĩ. Cung đèo được mệnh danh là một trong tứ đại đỉnh đèo của đất nước, Khau Phạ có nghĩa là “sừng trời." Người Mông đã dùng từ đó để miêu tả Khau Phạ như chiếc sừng chọc lên trời xanh, cũng nhằm chỉ mức độ hiểm trở. Cả cung đèo dài chừng hơn 20km, thường quanh năm mây mù che phủ, chỉ những ngày nắng đẹp thì đứng trên đèo mới nhìn rõ được hết thung lũng phía dưới. May mắn cho chúng tôi khi trời hôm nay nắng rất xanh, từng cuộn mây trắng lững thững trôi trên đỉnh đèo mà không tạo ra mù. Chính vì thế, cả đoàn có thể ngắm trọn thung lũng Cao Phạ phía dưới.

Thung lũng Cao Phạ mùa nước đổ trông như bức họa ai đó đang vẽ dở, từng chấm xanh chấm vàng trông rất lộn xộn. Chấm xanh là nương mạ ai đó đang cấy dở, chấm vàng là thửa ruộng đất khô đang chờ đổ nước. Vẫn còn thiếu, chắc hẳn bức họa vẫn còn thiếu rất nhiều, những gam màu mà chàng họa sĩ không thể nào pha nổi thì thiên nhiên và con người ở đây đang pha, đang vẽ để làm nên bức tranh mùa cấy vùng cao tuyệt sắc nhất. Lúa vùng này mỗi năm chỉ có một vụ, thường thu hoạch vào tháng 10, thu hoạch xong thì để mặc ruộng với trời đất. 

Đến chừng tháng Hai, khi có những cơn mưa xuân trút xuống cũng là lúc bắt đầu có nước. Hình thái ruộng bậc thang giúp cho việc hứng và giữ nước được tối đa nhất. Từng nguồn nước ít ỏi được chảy từ ruộng cao nhất, tràn qua bờ xuống vùng trũng hơn, cứ thế cho đến thửa ruộng thấp nhất giáp với lòng suối.

Cả 3 tháng ròng từ tầm tháng Hai đến tháng Năm là lúc ruộng chờ nước, nước vào thì bắt đầu cày bừa rồi gieo mạ và cấy. Chính vì thế, tháng 4-5 cũng là khoảng thời gian cấy chính cho vụ lúa chín tháng 10. Chúng tôi, ai cũng đã đi qua những mùa lúa chín rồi, giờ được ngắm mùa lúa cấy càng thêm ngẩn ngơ hơn nữa. Rất khó để miêu tả cảm giác cũng như cảnh sắc mà chúng tôi đã nhìn thấy. 

Chỉ biết rằng, có lúc cả mặt ruộng như mặt gương soi bóng bầu trời xanh ngắt, cũng có lúc cả đám mạ non xanh mơn mởn giữa vùng đất vàng nâu, dăm ba cô gái Mông váy áo sặc sỡ đang khom người xuống cấy, những chàng trai Mông đang cày, đang bừa. Lũ trẻ con cũng tung tăng theo bố mẹ, đứa ngồi trên bờ trông em, đứa lớn thì vận chuyển mạ, đứa lại đang vắt vẻo trên cây gạo giữa thung lũng hái những bông hoa rực đỏ cuối mùa báo hiệu thời tiết dần hết lạnh.

Màu vàng của đất chưa cấy, màu trắng loang loáng của nước đã đổ, màu xanh của nương mạ, màu đỏ của hoa gạo, màu bàng bạc của dòng suối chảy vắt qua giữa thung lũng cùng vô số màu sắc từ những chiếc váy áo, từ cuộc sống lao động hăng say đã làm nên những mùa xuân miền núi. Mùa Xuân khiến những kẻ đi lại như chúng tôi phải giật mình thảng thốt, ngồi ngẩn người bên vệ đường chỉ biết ngắm nhìn mà thôi.

Dù chẳng muốn rời mắt khỏi bức trang muôn màu đó, nhưng chúng tôi vẫn phải cất bước lên đường. Cung đèo Khau Phạ dần bị chinh phục, dọc hai bên đường lên thị trấn Mù Cang Chải đều là ruộng, ruộng bậc thang trải dài từ đỉnh núi xuống tận khe suối. Khéo khen và thật khâm phục cho đôi bàn tay bé nhỏ của bà con nơi đây, từ bao đời, đời cha làm một ít, đời con thêm ít nữa cho đến khi hình thành được cả núi ruộng bậc thang như ngày hôm nay. 

Chúng tôi không quá vội lên thị trấn ngay mà rẽ vào La Pán Tẩn, con đường nay đã được bê tông hóa kiên cố nhưng vẫn còn những con dốc dường như lên đến 20%, còn nhiều khúc cua tay áo rất gắt. Trả số xe về số 1, ì ạch mãi chúng tôi cũng lên được đến La Pán Tẩn, ai cũng mệt nhưng khi ngẩng lên nhìn cảnh sắc xung quanh thì dường như chúng tôi quên sạch mọi thứ. Từng lớp, từng lớp ruộng nối nhau chạy quanh khe núi, chấm phá thêm là những căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa đám mạ xanh non đang cấy dở. Con đường nhỏ vắt mình như sợi ruybăng ai khéo thả xuống giữa trời.

La Pán Tẩn như một điểm cao giữa bốn bề là ruộng, vì thế đứng từ đấy dõi mắt ra bốn phía đều thấy ruộng, xa hơn nữa là những cánh rừng nguyên sinh còn sót lại. Chúng tôi cứ theo con đường nhỏ xuyên qua trung tâm xã lên tận Tả Chí Lừ rồi lại xuôi xuống một ngã ba gần thị trấn. Con đường quả thực cực kỳ nguy hiểm, mặt đường trơn trượt, có nhiều đoàn phải 4-5 người giữ chặt một chiếc xe máy để từ từ dắt xuống dốc; con đường bà con hàng ngày vẫn đi bộ để làm nương thì nay cả đoàn chúng tôi đi xe máy vào, khá nhiều cú ngã, nhiều lần trượt chân, cả người lấm lem nhưng hình như ai cũng vui. Vui vì có thể vượt qua khó khăn để tiến lên phía trước, hết mệt thì lại đi tiếp, qua từng khúc cua, cảnh sắc lại thay đổi. Cứ như vậy, khi ra tới thị trấn thì cũng là lúc trời đã nhá nhem tối.

Râm ran kể lại chuyện đã qua, ai cũng cố dùng lời lẽ hoa mỹ nhất để miêu tả về những cảnh sắc mà mình đã thấy nhưng dường như mọi từ hoa mỹ nhất đều không lột tả hết vẻ đẹp của mảnh đất nơi ruộng bậc thang đã trở thành “đặc sản”, ai cũng chỉ có thể nói rằng: chỉ đi mới cảm nhận được hết mà thôi, mọi lời kể được nghe về xứ Mù đều “vô nghĩa” cả. Đêm xứ Mù tinh khiết đưa chúng tôi vào giấc ngủ không mộng mị để chuẩn bị cho ngày mai với những khám phá mới.

Nguồn: TTXVN