Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có buổi làm việc với lãnh đạo 6 tỉnh miền núi Tây Bắc gồm: Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Điện Điên, Lai Châu, Sơn La về Dự án Phát triển nông thôn thích ứng với thiên tai.
Thủ tướng nhấn mạnh đến đặc thù của 6 tỉnh Tây Bắc thuộc vùng Dự án, đều là những địa phương còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; thường xuyên chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai. Do đó, theo Thủ tướng cần thiết phải đẩy mạnh triển khai Dự án phát triển nông thôn thích ứng với thiên tai nhằm đem lại những kết quả thiết thực trong xây dựng và phát triển nông thôn các tỉnh miền núi Tây Bắc.
Thủ tướng đặt ra yêu cầu đảm bảo hiệu quả của Dự án với sự phân công trách nhiệm thực hiện cụ thể từng bộ, ngành liên quan và các địa phương ứng với từng công việc cụ thể. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục đàm phán với các đối tác để có lãi suất tốt nhất trong thu hút nguồn vốn của dự án; xây dựng các hình thức vay vốn theo cơ chế hỗn hợp, cấp phát một phần và cho vay…để thực hiện.
Với tổng vốn đầu tư 2.903 tỷ đồng (tương đương 129,4 triệu USD), Dự án Phát triển nông thôn thích ứng với thiên tai tại 6 tỉnh vùng núi phía Tây Bắc có mục tiêu chung là phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn qui mô nhỏ nhằm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và tăng giá trị nông nghiệp theo cách bền vững góp phần phát triển nông thôn toàn diện trong khu vực.
Dự án hướng tới việc đầu tư các cơ sở hạ tầng nông thôn bằng các biện pháp thích ứng cải thiện vận hành, duy tu theo hướng bền vững chống chịu với thời tiết, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần giảm nhẹ các tác động tiêu cực có thể xảy ra do thiên tai tại vùng nông thôn 6 tỉnh miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Dự án được thiết kế với 78 tiểu dự án thuộc các lĩnh vực: Thủy lợi, chỉnh trị sông ngòi, kè chống sạt lở, đường giao thông. Khi hoàn thành, dự án sẽ giúp cho khoảng 420.000 hộ dân hưởng lợi trực tiếp, có điều kiện tiếp cận dễ dàng với nơi cung cấp đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và tiếp cận với thị trường, tăng năng suất các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị cao phù hợp với khu vực miền núi; đặc biệt là tăng khả năng chống chịu và thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng và ảnh hưởng trực tiếp với các tỉnh vùng dự án.
Dự án được chuẩn bị trong một thời gian dài từ năm 2016, được thiết kế dựa trên kết quả thành công của Dự án Hợp tác kỹ thuật của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica) tại một số tỉnh ở Việt Nam, được Jica đề xuất mở rộng kết quả ra 06 tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên và Sơn La. Đến thời điểm này, về công tác chuẩn bị dự án đã thực hiện xong, Lào Cai được các tỉnh thống nhất giao làm đầu mối triển khai dự án.