Để được công nhận là Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu của UNESCO, một khu vực không chỉ cần một giá trị quan trọng nào đó, mà phải là một tập hợp rất phong phú, đa dạng các giá trị địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học, văn hóa, xã hội, lịch sử, khảo cổ học... Non Nước Cao Bằng đã may mắn hội tụ được nhiều giá trị như thế.
Giá trị khác biệt
Ông Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, ngoài những giá trị nêu trên, Non Nước Cao Bằng còn có 3 khu vực khá khác biệt: khu vực đá vôi ở phía đông, khu vực núi đất ở phía tây và ở giữa là đồng bằng. Chính cái đồng bằng rộng lớn, thẳng cánh cò bay được bao quanh bởi những núi là núi đó đã là cơ sở để người xưa đặt tên Cao Bằng cho vùng đất này.
Khu vực đá vôi ở phía đông chiếm tới hơn 60% diện tích CVĐC Non Nước Cao Bằng và ở đây đã tập hợp một cách đặc sắc nhất, điển hình nhất, đầy đủ nhất những đặc điểm của một chu trình tiến hóa karst nhiệt đới nóng ẩm hoàn chỉnh, từ địa hình đá vôi dạng dãy của giai đoạn sơ khai, địa hình đá vôi dạng chóp nón bao quanh các lũng tròn, sâu, kín của giai đoạn trẻ, đến địa hình đá vôi dạng tháp rải rác trên những thung lũng mở, dài rộng, bằng phẳng, phong phú cả đất lẫn nước của giai đoạn trưởng thành, và cuối cùng là địa hình dạng tàn dư với các tháp đá vôi kể trên đang dần dần tiêu biến thành những chỏm sót nhỏ trên cánh đồng karst với nhiều sông, suối, hồ nước...
Ông Trần Tân Văn so sánh, CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn nổi tiếng với địa hình karst chủ yếu ở giai đoạn sơ khai và non trẻ thì ngược lại Non Nước Cao Bằng lại nổi tiếng chủ yếu với địa hình karst ở giai đoạn trưởng thành và tàn dư. Chính vì vậy mà Non Nước Cao Bằng đã nổi tiếng từ lâu với thác Bản Giốc - thác đẹp và lớn thứ tư trên thế giới ở biên giới giữa hai quốc gia, quần thể hồ-sông-hang ngầm Thang Hen khi đầy khi vơi. Cũng chính vì vậy mà Non Nước Cao Bằng còn được mệnh danh là “xứ xở của các hang động”, cả hang khô lẫn hang ướt, trong đó có rất nhiều hang động đẹp, kỳ vỹ, như Ngườm Ngao, hang Dơi, Ngườm Pục…
Khu vực phía tây với chủ yếu là địa hình núi đất sẽ khiến người ta cảm thấy khác biệt nếu đã hơi quá quen với địa hình đá vôi. Gọi là địa hình núi đất cho đơn giản nhưng thực tế khu vực này có cả các loại đá trầm tích cát kết, bột kết, sét kết lẫn ít đá vôi và đặc biệt có khá nhiều đá mác-ma. Chính đỉnh Phia Oắc cao gần 2.000m, cao nhất CVĐC Non Nước Cao Bằng, được cấu tạo từ loại đá này. Các loại đá kể trên, dưới tác động của các quá trình rửa trôi, xói mòn, đã tạo nên ở khu vực phía tây những địa hình núi đất mềm mại, khá thoải, khác hẳn với địa hình đá vôi gồ ghề, hiểm trở ở khu vực phía đông. Và chính tương tác giữa các loại đá này đã sản sinh ra ở khu vực Phia Oắc-Phia Đén rất nhiều loại hình khoáng sản, như vàng, thiếc, vonfram, fluorit, uranium... Chính là từ quặng uranium khai thác được ở đây mà năm 1898 nữ bác học Marie Curie đã phát hiện ra hai nguyên tố phóng xa mới là Polonium và Radium.
Cần bảo vệ danh hiệu
Hiện nay, chúng ta đang tập trung vào giải quyết những khó khăn trước mắt và lâu dài. Đạt được danh hiệu đã khó, giữ và phát huy được còn khó hơn. Ông Văn cho biết, theo quy trình, sau bốn năm kể từ lúc nhận danh hiệu sẽ lại diễn ra tái thẩm định và một loạt kiến nghị, khuyến cáo của UNESCO đối với Non Nước Cao Bằng sẽ phải được lưu ý giải quyết, chẳng hạn như vấn đề lập và triển khai kế hoạch quản lý, khoanh vùng bảo vệ di sản, phát huy giá trị di sản, tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng... Công việc rất bề bộn và Cao Bằng có thể nói là sẽ không được phép ngủ quên. Danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO là thế, nó buộc người ta phải liên tục vận động, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đóng góp ngày càng đáng kể hơn vào công cuộc phát triển bền vững của tỉnh cũng như của cả nước.