(TITC) – Ngày 15/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia (DLQG) Tam Chúc, tỉnh Hà Nam đến năm 2030.
Khu du lịch quốc gia Tam Chúc
Khu DLQG Tam Chúc thuộc địa phận thị trấn Ba Sao và 3 thôn: Vồng, Khuyến Công và Khả Phong thuộc xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Diện tích vùng lõi ưu tiên tập trung phát triển Khu DLQG Tam Chúc là 4.000 ha.
Mục tiêu đến năm 2025, Khu du lịch Tam Chúc cơ bản đáp ứng các tiêu chí của Khu DLQG; đón khoảng 3,7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 470 nghìn lượt; tạo việc làm cho khoảng 2.400 lao động, trong đó có khoảng 900 lao động trực tiếp; Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 1.100 tỷ đồng.
Phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch Tam Chúc trở thành Khu DLQG với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng cao, hình thành thương hiệu khu du lịch, có đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cùng với các cụm du lịch phụ cận trở thành trung tâm du lịch hấp dẫn của vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc và cả nước. Khu DLQG Tam Chúc đón khoảng 6 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt trên 750 nghìn lượt; tạo việc làm cho khoảng 4.500 lao động, trong đó có khoảng 1.800 lao động trực tiếp; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 1.700 tỷ đồng.
Thị trường khách tập trung vào thị trường nội địa từ Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận phía Bắc, từng bước mở rộng khai thác thị trường khách du lịch từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam.
Với thị trường khách quốc tế, chú trọng thị trường Đông Bắc Á, các nước trong khu vực ASEAN, Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc và Ấn Độ.
Về sản phẩm du lịch, tập trung phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, lễ hội; du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, sinh thái; du lịch cộng đồng và du lịch golf. Sản phẩm du lịch bổ trợ có du lịch ẩm thực, mua sắm, MICE, thể thao…
Về tổ chức không gian phát triển du lịch trên nguyên tắc khai thác hợp lý giá trị và sự phân bố của hệ thống di tích, các điểm cảnh quan; hình thành các mối liên hệ giữa các phân khu chức năng, giữa các điểm du lịch trong không gian quy hoạch nhằm hình thành không gian kiến trúc, cảnh quan hài hòa, bảo đảm mối liên kết với các điểm du lịch lân cận; hạn chế tối đa việc chuyển đổi đất nông nghiệp và di chuyển dân cư trong khu vực; giảm thiểu tác động đến cảnh quan môi trường và đời sống của người dân trong khu vực quy hoạch.
Đồng thời, Khu DLQG sẽ tập trung phát triển 6 khu chức năng, gồm: Khu trung tâm đón tiếp (tiếp giáp bờ Bắc hồ Tam Chúc); Khu văn hóa tâm linh Tam Chúc (chân núi Thất Tinh và Thung Vạc); Khu bảo tồn tự nhiên Quền Vồng và hồ Tam Chúc (Phía Tây giáp Hà Nội, phía Bắc giáp tỉnh lộ 74 đi chùa Hương và phía Nam là dãy núi Thất Tinh; Khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và du lịch cộng đồng Tam Chúc (phía Tây Nam của hồ Tam Chúc); Khu sân golf Kim Bảng và hồ Ba Hang; Trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khu du lịch (tại Thị trấn Ba Sao).
Quy hoạch cũng đề ra các giải pháp quy hoạch và quản lý quy hoạch; cơ chế chính sách; đầu tư và thu hút vốn đầu tư; phát triển thị trường và sản phẩm du lịch; bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Xem chi tiết
Thu Thủy