Quảng Ninh có bề dày lịch sử, đa dạng về văn hóa cũng như nhiều thắng cảnh thiên nhiên nổi trội, là điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Hiện có một số hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đang áp dụng loại hình này mang lại hiệu quả tích cực, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa bản địa, bảo vệ tài nguyên môi trường, nâng cao thu nhập người dân, đưa du lịch Quảng Ninh phát triển bền vững.
Những “đốm lửa” đầu tiên
HTX Vạn chài Hạ Long (TP. Hạ Long) tiên phong trong mô hình du lịch trải nghiệm chèo thuyền nan đưa du khách ngắm cảnh trên Vịnh Hạ Long bắt nguồn từ ý tưởng của nhóm sáng lập viên gồm 5 người muốn mở một mô hình dịch vụ đưa du khách tham quan bằng thuyền nan tại làng chài Vung Viêng. Mới đầu 5 người này bỏ kinh phí mua sắm thuyền nan, thuê ngư dân làng chài Vung Viêng chèo thuyền xung quanh làng chài, liên kết với một số doanh nghiệp giới thiệu khách tham quan Vịnh Hạ Long tham gia mô hình trải nghiệm. Sự thích thú, đam mê, mong muốn được trải nghiệm nhiều lần của du khách là lý do để nhóm thành viên này vận động kêu gọi 20 thành viên thành lập HTX vào năm 2008.
Bà Đinh Thị Minh Hằng, Phó Giám đốc HTX cho biết: Chúng tôi chọn những chiếc thuyền nan nhỏ mà thời xưa ngư dân sinh sống trên Vịnh Hạ Long làm phương tiện di chuyển. Thuyền được thiết kế nhỏ gọn, có 3 thang ở lòng thuyền đảm bảo chở được 6 khách, có thể luồn lách những khu vực nhỏ hẹp, đi vào trong tùng áng mà tàu du lịch không đến được. HTX sử dụng người chèo thuyền là những ngư dân, chủ nhân sinh sống nhiều đời trên Vịnh. Trước khi tham gia, HTX phải đào tạo, hướng dẫn cách chèo nhẹ nhàng, tốc độ hợp lý cùng kỹ năng ứng xử với du khách nước ngoài để đảm bảo đội ngũ chèo thuyền thật chuyên nghiệp.
Quãng đường chèo thuyền trong thời gian 1 giờ đồng hồ, du khách được ngắm những làng chài, khu nuôi trồng thủy sản của ngư dân trên Vịnh, đi vào các tùng áng, ngắm núi đá từ mặt nước… trong 2 năm đầu (từ 2008 đến 2010), trung bình mỗi tháng HTX đón khoảng 2.000 khách với kinh phí 50.000đồng/giờ trải nghiệm (tương đương 2 USD).
Năm 2010, mô hình thu hút rất đông du khách nên có thêm 2 đơn vị tham gia mô hình chèo thuyền trải nghiệm này. Sau 10 năm hoạt động, đến nay HTX Vạn chài Hạ Long có tổng số 60 thuyền nan hoạt động ở khu làng chài Vung Viêng và khu vực Cửa Vạn, tạo việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động chủ yếu ngư dân từng sống trên Vịnh Hạ Long, thu nhập trung bình đạt 5 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu hàng năm của HTX đạt 1,5 tỷ đồng.
Tương tự là HTX Nông dược xanh Tinh Hoa (xã Quảng La, huyện Hoành Bồ), ra đời từ năm 2015, lúc đầu HTX chỉ hoạt động trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp. Sau khi có chủ trương của huyện Hoành Bồ định hướng phát triển du lịch, ý tưởng đó được HTX bắt nhịp và đầu tư quy hoạch phát triển giá trị nông nghiệp kết hợp mô hình du lịch sinh thái.
Ông Phạm Thanh Phong, Giám đốc HTX cho biết: Với lợi thế gần quốc lộ, cách TP. Hạ Long khoảng 1 giờ đi ôtô, từ diện tích hơn 10ha, chúng tôi quy hoạch từng khu khác nhau để trồng hoa phục vụ du khách đến trải nghiệm chụp ảnh. Đồng thời, HTX hình thành trang trại giáo dục, giúp học sinh trên địa bàn hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm làm nông dân, tiều phu có thời gian trải nghiệm bổ ích. Tiếp đó HTX tìm hiểu, nghiên cứu những cây dược liệu truyền thống làm ra sản phẩm bột nghệ, kim ngân, trà… để quảng bá, bán cho du khách. Sau 3 năm đi vào hoạt động, đến nay trung bình mỗi năm HTX đã thu hút hơn 2 vạn du khách và tiêu thụ 5 tạ bột nghệ, 5 tạ dược liệu, mang lại doanh thu 1,5 tỷ đồng, tạo ra việc làm cho 50 lao động địa phương.
Bên cạnh đó còn có HTX Du lịch làng quê Yên Tử (xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí) cũng đang triển khai mô hình này bằng việc kết hợp phát triển nông nghiệp với du lịch sinh thái, văn hóa...
Hướng đến phát triển chuyên nghiệp, bền vững
Hiện nay loại hình du lịch sinh thái trải nghiệm của các HTX chỉ tập trung làm các dịch vụ khai thác những điểm đến là những thắng cảnh, di tích chứ chưa đi vào chiều sâu. Theo chia sẻ của bà Đinh Thị Minh Hằng, Phó Giám đốc HTX Vạn chài Hạ Long, du khách rất thích chèo thuyền rồng để đánh bắt cá, hay trải nghiệm một ngày làm ngư dân bằng việc đi thuyền dùng lưới bắt cá, tự tay nấu nướng thưởng ngoạn bữa ăn… nhưng do chưa được cấp phép nên HTX chưa mở được mô hình này.
Hay như du lịch làng quê, du khách được trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt của người dân trước đây từ cách trồng lúa, trồng rau, bắt cá bằng các nông cụ truyền thống và tự chế biến thành các món ăn đặc trưng của vùng. Để làm được điều này, phải có cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông thuận lợi, đầu tư phục dựng lại nguyên bản cuộc sống người dân trước đây. Hoặc du khách được ở chính tại nhà nông dân để trực tiếp trải nghiệm, hòa mình vào cuộc sống đó. Tuy nhiên, người dân phải có kỹ năng, kiến thức ứng xử giao tiếp cùng du khách, giới thiệu những đặc trưng cuộc sống, không gian sinh hoạt hàng ngày...
Để phát triển loại hình du lịch này theo hướng chuyên nghiệp bền vững, hiện nay HTX Nông dược xanh Tinh Hoa cũng đang tập trung đào tạo ngoại ngữ, truyền đạt về văn hóa của đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn Hoành Bồ. Đồng thời xây dựng nhà sàn phục vụ ăn, nghỉ cho du khách cũng như đầu tư trang thiết bị công nghệ sơ chế các sản từ cây dược liệu... Đầu tư hệ thống sân khấu để phối hợp với địa phương giao lưu văn hóa, các trò chơi truyền thống của nhiều dân tộc trên địa bàn…
Du lịch cộng đồng, trải nghiệm đang là một xu thế mới hiện nay, việc các HTX tham gia vào làm du lịch trên cơ sở đặc thù, thế mạnh của mình sẽ là một hướng đi mới, giúp các HTX có nhiều sản phẩm, xã viên có thêm thu nhập, đồng thời làm môi trường du lịch của tỉnh phong phú, hấp dẫn hơn.