Bà Ngụy Thị Khanh đã trở thành người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng Anh hùng môi trường năm 2018 của Quỹ môi trường Goldman (Mỹ) nhờ những hoạt động không biết mệt mỏi trong việc thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững.
Vừa qua, bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID - một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Hà Nội) đã được Quỹ Môi trường Goldman (Mỹ) trao giải Anh hùng môi trường năm 2018, cùng 6 nhà hoạt động từ Colombia, Pháp, Philippines, Nam Phi (2 người) và Hoa Kỳ nhờ những hoạt động thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững, giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than, bảo vệ môi trường không khí ở Việt Nam.
Giải Anh hùng môi trường của Quỹ Môi trường Goldman được coi là giải thưởng lớn nhất thế giới dành cho các nhà hoạt động môi trường cơ sở, vì những thành tựu quan trọng trong việc bảo vệ môi trường. Những người đoạt giải được lựa chọn bởi ban giám khảo quốc tế từ những đề cử bí mật do một mạng lưới các tổ chức và cá nhân môi trường trên toàn thế giới đệ trình. Bà Ngụy Thị Khanh cũng trở thành người Việt Nam đầu tiên được Quỹ này vinh danh.
Trước sự ghi nhận to lớn của thế giới đối với một nhà hoạt động môi trường Việt Nam, PV báo TN&MT đã có cuộc trò chuyện với bà Ngụy Thị Khanh để tìm hiểu thêm về những nỗ lực và cố gắng của bà trong việc thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững.
Bà Ngụy Thị Khanh (ngoài cùng bên trái hàng đầu) bên 6 đồng nghiệp quốc tế được Quỹ môi trường Goldman vinh danh năm 2018
Xin chúc mừng bà đã trở thành người Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng Anh hùng môi trường Goldman danh giá. Cảm xúc của bà thế nào khi biết thông tin này?
Tôi vô cùng vinh dự và cũng bất ngờ khi được nhận giải thưởng danh giá này. Quỹ trao giải lựa chọn tôi vì những nỗ lực của tôi và GreenID trong việc hợp tác với các cơ quan nhà nước và các bên liên quan khác ở Việt Nam để thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững, giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than, bảo vệ môi trường không khí ở Việt Nam trong thời gian qua.
Được biết trong những năm qua, bà và các cộng sự đã hoạt động không biết mệt mỏi nhằm giúp giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực từ nhiệt điện than. Bà có thể chia sẻ về điều này?
Từ năm 2013 cho tới năm 2015, tôi đã cùng nhiều chuyên gia và đồng nghiệp tiến hành một loạt nghiên cứu và tổ chức nhiều tọa đạm về những bất cập của quy hoạch phát triển điện lực số 7; những tác động tiêu cực của nhiệt điện than đối với môi trường, an ninh năng lượng quốc gia, sinh kế và phát triển bền vững của địa phương; tiềm năng của sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quảvà đánh giá nhu cầu sử dụng điện theo kịch bản phát triển kinh tế tăng trưởng hàng năm ở mức 7%.
Tổng hợp các kết quả nghiên cứu trên, năm 2015 chúng tôi đưa ra kiến nghị quy hoạch điện 7 điều chỉnh nên giảm 33% nhu cầu điện vào năm 2030 so với quy hoạch điện 7, trong đó giảm nhiệt điện than và không cần thiết phải phát triển điện hạt nhân mà vẫn đảm bảo an ninh năng lượng. Tháng 3/2016, Chính phủ ban hành quy hoạch điện 7 điều chỉnh, cắt khoảng 20.000 MW nhiệt điện than ra khỏi quy hoạch điện quốc gia.
Được biết, các hoạt động của bà đã giúp cho Việt Nam loại bỏ được 115 triệu tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm?
Con số 115 triệu tấn khí thải Carbon Dioxide giảm mỗi năm mà Ban chấm giải ước tính là lượng phát thải tránh được khi Chính phủ cắt bỏ 20.000 MW nhiệt điện ra khỏi quy hoạch điện 7 điều chỉnh. Tôi cho rằng những nỗ lực của chúng tôi đã được Chính phủ ghi nhận và qua đó, góp phần chung vào công tác bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng không khí ở Việt Nam.
Bà Ngụy Thị Khanh được vinh danh nhờ những nỗ lực thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững
Hiện nay, bên cạnh việc tập trung thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững, bà và các cộng sự đang thực hiện những dự án nào khác để bảo vệ môi trường?
Hiện tôi và GreenID đang triển khai 3 chương trình khác nhau. Ngoài hoạt động thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững, chúng tôi còn tập trung vào hai chường trình là Nước và Không khí sạch. Đây là chương trình nghiên cứu, giám sát và truyền thông để thúc đẩy các sáng kiến, hành động bảo vệ nguồn tài nguyên nước và không khí trong lành.
Song song với đó, chúng tôi còn phát triển dự án Tăng trưởng xanh. Chương trình sẽ triển khai các dự án về lập kế hoạch năng lượng địa phương và thúc đẩy sử dụng các giải pháp năng lượng xanh và nước sạch, quản lý rác thải ở các cộng đồng tại An Giang, Cà Mau, Bắc Giang, Đắk Lắk nhằm giúp các cộng đồng tích cực tham gia vào thực hiện các chủ trương chính sách về phát triển xanh, bền vững của Nhà nước. Năm 2017, GreenID đã thành công với mô hình cấp điện bằng hệ thống điện lưới mini dùng năng lượng mặt trời cho bà con người H’Mông ở huyện Krongbong tỉnh Đắk Lắk.
Với những kế hoạch đầy tham vọng như vậy, bà và các cộng sự sẽ làm gì để các dự án có thể đạt được hiệu quả cao nhất?
Mục đích quan trọng nhất mà các hoạt động của tôi và GreenID hướng tới chính là sự phát triển bền vững cho người dân ở Việt Nam và vùng Mê Kông. Chính vì thế, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức mình, cùng chung sức với chính quyền, các cộng đồng địa phương và các bên liên quan để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà không làm kiệt quệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và không gây thêm những tác động trầm trọng đối với khí hậu và môi trường sống của chúng ta. Muốn được như vậy, trước hết chúng ta phải thay đổi cơ bản trong việc xây dựng hệ thống năng lượng bền vững, quản trị hiệu quả môi trường và tăng cường sự tham gia tích cực của người dân vào quá trình xây dựng và thực thi các chính sách liên quan.
Vậy kế hoạch trước mắt của bà là gì để cụ thể hóa những tham vọng nêu trên?
Thông qua các chương trình, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị không xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2020 mà ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. Chúng tôi cũng sẽ tích cực tham gia thúc đẩy phong trào một triệu mái nhà xanh ở Việt Nam để huy động nguồn vốn xã hội hóa nhằm tạo cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam và người dân đi tiên phong trong nỗ lực vì Việt Nam xanh thịnh vượng.
Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện
Phương Nam