Lễ khởi động dự án: “Bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh trên cơ sở giao quyền cho cộng đồng tại xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam”

Cập nhật: 23/05/2018
Ngày 16 tháng 4 năm 2018, dự án “Bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh trên cơ sở giao quyền cho cộng đồng tại xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam” đã chính thức được khởi động.

Dự án được triển khai thực hiện tại xã Cẩm Thanh - thuộc vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm-Hội An do Chương trình tài trợ dự án nhỏ/Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF/SGP) thuộc Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) và Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ. Dự án được Hội Liên Hiệp phụ nữ xã Cẩm Thanh chủ trì xây dựng và thực hiện, dự án được phê duyệt triển khai trong thời gian 24 tháng.

Làng quê xã Cẩm Thanh thuộc vùng hạ lưu của sông Thu Bồn, là vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, được thừa hưởng sự đa dạng các hệ sinh thái vùng cửa sông và ven bờ. Cẩm Thanh có hệ sinh thái rừng dừa ngập mặn với diện tích khoảng 120 hecta, đây là nơi cư trú, kiếm ăn, sinh sản của nhiều loài thủy hải sản và là nơi sinh sống của các loài chim. Cảnh quan, hệ sinh thái nơi đây đã và đang mang lại sự trù phú cho người dân.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của việc khai thác không lợp lý, các nguồn lợi đang có xu hướng suy giảm. Phát triển du lịch ồ ạt, thiếu định hướng , gây nhiều tác động đến rừng dừa. Nhiều người dân vẫn còn chặt bẻ lá dừa làm quà lưu niệm cho du khách . Hoạt động bơi thúng số lượng lớn trong rừng dừa làm ô nhiễm nguồn nước, mất bãi đẻ của các loài cá tôm; gây ồn ào xua đuổi các đàn chim, làm thay đổi môi trường sống của động vật. Hiện tượng chèo kéo du khách diễn ra thường xuyên. Tình trạng xây dựng ồ ạt gây mất cảnh quan đi kèm với rác thải làm suy giảm chất lượng môi trường. Đánh bắt thủy hải sản bằng phương pháp hủy diệt làm suy giảm nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học.

Có thể nói, hiện trạng sử dụng tài nguyên môi trường tại Cẩm Thanh đã và đang để lại nhiều mâu thuẫn lớn giữa bảo tồn và phát triển du lịch thiếu trách nhiệm; trong khi cộng đồng muốn giữ gìn, bảo vệ tài nguyên môi trường để hưởng dụng lợi ích cao hơn nhưng sự cạnh tranh và năng lực quản lý của cộng đồng chưa được tương xứng.

A-khởi động DA GEF Cẩm Thanh 15052018-01

Hình 1: Bà Nguyễn Thị thu Huyền - Điều phối viên quốc gia phát biểu tại biểu lễ khởi động dự án

Với vai trò là cơ quan trực của Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ xã Cẩm Thanh, UBND xã Cẩm Thanh kêu gọi, thúc đẩy và tham vấn cộng đồng để xây dựng văn kiện dự án trình Chương trình tài trợ các dự nhỏ thuộc quỹ Môi trường toàn cầu (GEF SGP) phê duyệt.

Mục tiêu lâu dài của dự án là bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, cộng đồng tại xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Mục tiêu cụ thể của dự án:

Mục tiêu 1: Năng lực cộng đồng quản lý sử dụng tài nguyên, môi trường bền vững tại làng quê Cẩm Thanh được nâng cao.

Mục tiêu 2: Hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh được tăng cường bảo vệ, phục hồi và phát triển bền vững thông qua giao rừng cho cộng đồng.

Mục tiêu 3: Phát triển sinh kế bền vững trong rừng dừa nước cộng đồng thông qua mô hình du lịch trách nhiệm Sông Đình.

A-khởi động DA GEF Cẩm Thanh 15052018-02

Hình 2: Khu vực trình diễn mô hình dự án

Dự án định hướng các kết quả cần đạt được bao gồm: KQ1: Năng lực, nhận thức và hiểu biết về quản lý tài nguyên, môi trường của cộng đồng và các bên có liên quan (BQL du lịch Cẩm Thanh, doanh nghiệp, người dân khu vực Sông Đình và rừng dừa) được nâng cao; KQ2: Khoảng 50 ha rừng dừa nước tại thôn Thanh Tam Đông được giao cho cộng đồng quản lý, bảo vệ và phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng và khai thác nguồn lợi thuỷ hải sản; KQ3: Cộng đồng đồng thuận với tiêu chí du lịch sinh thái trách nhiệm cao, cải thiện sinh kế thông qua mô hình du lịch trách nhiệm Sông Đình trong hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thành được hình thành và thực thi kế hoạch hiệu quả.

Trong lễ khởi động dự án, Ban điều hành dự án đã được UBND thành phố Hội An quyết định thành lập và giới thiệu Nhóm chuyên gia tư vấn địa phương để thực hiện dự án.

A-khởi động DA GEF Cẩm Thanh 15052018-03

Hình 3: Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó chủ tịch UBND TP Hội An tặng hoa chúc mừng Ban điều hành dự án. Nguồn ảnh: TS. Chu Mạnh Trinh

Với tổng kinh phí dự án hơn 2 tỷ đồng, trong đó được hỗ trợ từ nguồn của GEF SGP là 1 tỷ và còn lại là nguồn đối ứng của địa phương; các nguồn, dự án, đề tài của BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, dự án là cơ hội để cộng đồng địa phương mà trực tiếp là người ngư dân, nông dân, hoạt động du lịch và các bên liên quan khác được tham gia và là người hưởng lợi trực tiếp từ các hoạt động của dự án. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các bên (mô hình 4 bên: cộng đồng, nhà nước, doanh nghiệp, các nhà khoa học) cùng đối thoại, trao đổi, phối hợp với nhau để giải quyết các vấn đề đang diễn ra.

A-khởi động DA GEF Cẩm Thanh 15052018-04

Hình 4: Ảnh lưu niệm các bên tham gia đến dự án

Dự án được hi vọng sẽ huy động được các nguồn lực từ cộng đồng địa phương đến chính quyền của TP. Hội An, các sở, ban ngành từ TP Hội An đến UBND tỉnh Quảng Nam.

A-khởi động DA GEF Cẩm Thanh 15052018-05

A-khởi động DA GEF Cẩm Thanh 15052018-06

 A-khởi động DA GEF Cẩm Thanh 15052018-07

Hình 5, 6, 7: Quang cảnh buổi lễ tại Nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh

Phan Công Sanh - KBTB Cù Lao Chàm

Nguồn: culaochammpa.com.vn