Túi nilon rất tiện dụng song gây ra những tác động tiêu cực lên sức khỏe con người và môi trường. Bằng quyết tâm của chính quyền và nổ lực của cộng đồng - ngày 23/5/2009 người dân Cù Lao Chàm đã bắt đầu nói không với bao nilon. Qua 9 năm đưa vào thực hiện, Nói không với túi nilon tại Cù Lao Chàm đã được Nhà nước ghi nhận, và là một sản phẩm du lịch độc đáo thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan, học tập đến với quần đảo xinh đẹp này.
Nổ lực của cộng đồng Cù Lao Chàm đã được Bộ TNMT ghi nhận năm 2010
Người dân Cù Lao Chàm sử dụng các chất liệu thân thiện để bao gói thực phẩm
Người dân Cù Lao Chằm nhắc nhở du khách không mang túi nilon đến đảo
Nhằm hỗ trợ cộng đồng giữ vững hơn sản phẩm du lịch độc đáo – Nói không với túi nilon khi đến Cù Lao Chàm, ngày 22/3/2018, BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm phối hợp với Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tại Việt Nam triển khai chương trình truyền thông về tác hại của túi nilon. Buổi truyền thông diễn ra sôi nổi với sự tham gia của đại diện UBND xã Tân Hiệp và khoảng 50 người dân, trong đó phụ nữ chiếm 30%. Buổi truyền thông cung cấp thêm cho cộng đồng nhiều thông tin về tác hại của túi nilon, ảnh hưởng của túi nilon đến môi trường, trong đó có tác động đến Rùa biển - động vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu.
Thể hiện quyết tâm bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học trong đó có rùa biển, đại diện chính quyền và người dân Cù Lao Chàm đã cùng nhau ký tên nói không với túi nilon.
Cộng đồng ký tên nói không với túi nilon, chung tay bảo tồn rùa biển
Tại buổi truyền thông, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã trao tặng 50 cặp lồng nhằm tăng cường các vật dụng thân thiện thay thế túi nilon trong sinh hoạt hằng ngày.
Môi trường trong lành, sạch sẽ tại Cù Lao Chàm là điều mà bất kỳ du khách nào khi đến với Cù Lao Chàm đều cảm nhận. Việc nói không với túi nilon tại Cù Lao Chàm không chỉ đã và đang tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo mà qua đó còn góp phần vào bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn biển.
Túi nilon xuất hiện cách đây khoảng 150 năm – do nhà hóa học Anh Alexander Parkes phát minh. Sự ra đời của túi nilon đã mang lại nhiều tiện lợi, nhất là trong việc bao gói hàng hóa, song đến thời điểm này túi nilon đang là một vấn nạn môi trường và nhiều quốc gia Người ta tính rằng, vứt bỏ một túi nilon chỉ tốn 1 giây, nhưng nếu không có sự tác động bởi nhiệt độ cao của ánh sáng mặt trời thì phải mất từ 500 – 1.000 năm mới có thể phân hủy được. Vì thế túi nilon đang bị coi là một trong những “thủ phạm” nguy hiểm gây ô nhiễm môi trường – sự “ô nhiễm trắng”.
Quá trình sản xuất bao nilon rất độc hại. Ô nhiễm từ việc sản xuất bao nilon có nguy hại đến môi trường. Bao nilon thường có chứa nhiều hợp chất độc và các hoá chất dùng trong quá trình sản xuất có thể là chất độc. Các hoá chất này có thể còn tồn trọng trong sản phẩm bao nilon và có thể bám dính vào thực thẩm khi được đựng trong các bao nilon này. Túi nilon gây tác hại ngay từ khâu sản xuất đến tiêu dung bởi vì việc sản xuất túi nilon phải sử dụng nguyên liệu đầu vào là dầu mỏ và khí đốt, và các chất phụ gia chủ yếu được sử dụng là chất hoá dẻo, kim loại nặng, phẩm màu…
Đốt rác có lẫn túi nilon sẽ sinh ra những khí độc
Khi đốt túi nilon sẽ sinh ra những khí cực độc gây nhiều bệnh nghiêm trọng cho con người. Dioxin được hình thành khi đốt PVC trong điều kiện thường. Dioxin là chất rất độc đối với cơ thể con người và động vật. Đốt rác có bao nilon thường khói mang nhiều hoá chất có thể gây dị ứng hoặc ung thư.
Rùa biển có thể chết nếu ăn phải túi nilon vì tưởng túi nilon là sứa
Rác thải bao nilon là mối nguy hại đến nhiều loài động vật hoang dã và hệ sinh thái biển. Có ít nhất 267 loài động vật hoang dã được thống kế là đã từng bị tổn thương vì rác thải bao nilon ngoài biển.. Hàng năm có khoảng hàng 100.000 thú và rùa biển bị giết chết vì rác thải bao nilon thải xuống biển.
ThS. Kim Phương - BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm