Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2018, với chủ đề “Kỷ niệm 25 năm hành động vì đa dạng sinh học” - “Celebrating 25 Years of Action for Biodiversity", nhằm đánh dấu 25 năm công ước đa dạng sinh học ra đời và có hiệu lực.
Công ước Đa dạng sinh học được thông qua tại Hội Nghị thượng đỉnh về Môi trường và Phát triển bền vững năm 1992 tại Rio de Janero (Brazin) và chính thức có hiệu lực từ ngày 29 tháng 12 năm 1993. Đến nay trên phạm vi toàn cầu có 196 quốc gia là thành viên của Công ước. Ngày 22 tháng 5 hàng năm được lựa chọn là Ngày quốc tế về Đa dạng sinh học, để cả thế giới cùng hướng tới đa dạng sinh học với 03 mục tiêu chính của Công ước: i) bảo tồn đa dạng sinh học; ii) sử dụng bền vững các thành phần của đa dạng sinh học; iii) chia sẻ công bằng và hợp lý những lợi ích thu được từ việc sử dụng tài nguyên sinh học. Năm 2018 là năm đặc biệt, đánh dấu cột mốc ¼ thế kỷ thế giới đồng hành cùng Công ước đa dạng sinh học.
Việt Nam chính thức phê chuẩn Công ước Đa dạng sinh học ngày 17 tháng 10 năm 1994. Từ đó đến nay, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong công cuộc bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học: xây dựng được hệ thống các cơ quan quản lý, khung chính sách và pháp luật về đa dạng sinh học; hệ thống các khu bảo tồn đã được thành lập; các loài động thực vật nguy cấp quý hiếm được bảo vệ bằng pháp luật và thông qua các chương trình hành động; tiếp thu và đẩy mạnh thực hiện các vấn đề mới của bảo tồn đa dạng sinh học như an toàn sinh học, tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích có được từ việc sử dụng nguồn gen….; nhận thức về tầm quan trọng và vai trò của đa dạng sinh học đối với cuộc sống và phát triển bền vững đất nước ngày càng được nâng cao.
Với sự phong phú và đa dạng về địa hình, kiểu đất, cảnh quan và khí hậu, Việt Nam là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao nhưng cũng đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái đa dạng sinh học và sự mất cân bằng sinh thái diễn ra mạnh mẽ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người, đe dọa sự phát triển bền vững của trái đất. Công tác bảo tồn đa dạng sinh học cần một sự hợp tác đa bên, sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội mới có thể thực hiện được mục tiêu đề ra của Công ước đa dạng sinh học cũng như mục tiêu của Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học.
Để hưởng ứng các hoạt động Ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức một số hoạt động chính:
Cuộc thi tranh biện với chủ đề: “Sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học” diễn ra vào 13h30 chiều ngày 22 tháng 05 năm 2018 tại Nhà văn hóa Học sinh, sinh viên, số 37 Trần Bình Trọng, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng TP.Hà Nội. Dự kiến có khoảng hơn 300 khách mời, từ các cơ quan, tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, các bạn sinh viên đến từ các trường Đại học. Hội đồng giám khảo là những chuyên gia trong lĩnh vực đa dạng sinh học: Anh hùng đa dạng sinh học Đặng Huy Huỳnh, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng; ông Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cùng với đại diện lãnh đạo Tổng cục môi trường, Trưởng đại diện của UNDP. Cuộc thi cũng là cơ hội để khích lệ các sinh viên của các trường Đại học có thêm động lực học tập, nghiên cứu, sáng tạo, phát triển các ý tưởng, mô hình mới về đa dạng sinh học phục vụ cho phát triển bền vững.
Chương trình nghệ thuật Kỷ niệm 25 năm hành động vì đa dạng sinh học sẽ diễn ra vào lúc 19h30 ngày 22 tháng 05 năm 2018 tại Nhà văn hóa học sinh, sinh viên, 37 Trần Bình Trọng, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà trưng, TP.Hà Nội. Đến dự buổi lễ có đại diện Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường; Anh hùng đa dạng sinh học Đặng Huy Huỳnh; Giáo sư Nguyễn Lân Dũng; ông Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cùng với đại diện lãnh đạo Tổng cục môi trường, Trưởng đại diện của UNDP tại Việt Nam cùng hơn 300 khách mời. Chương trình là tổng hợp các tiết mục nghệ thuật, phóng sự, tọa đàm giúp khán giá có cái nhìn tổng quan về 25 năm bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam. Tham gia tọa đàm chúng ta được giao lưu, trao đổi với các vị khách mới đến từ Tổng cục Môi trường, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Trưởng đại diện UNDP, Anh hùng đa dạng sinh học Đặng Huy Huỳnh. Tọa đàm là dịp để nhà quản lý, nhà khoa học cùng thảo luận, phân tích, tìm ra cách thức bảo tồn, hướng tới phát triển bền vững đa dạng sinh học quốc gia.