Hiện nay, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (KBTB CLC), Hội An không có đánh giá rủi ro về sinh thái, nên mức độ của những hoạt động đánh bắt trong KBT CLC là không bền vững và vượt qua mức độ được xem là hợp lý đối với công tác bảo tồn biển.
Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm chưa có đánh giá rủi ro về sinh thái
Bất cập trong quản lý hoạt động đánh bắt
Mối lo ngại căn bản hiện nay chính là mức độ của những hoạt động đánh bắt không được quản lý chặt chẽ và những vi phạm về khai thác đánh bắt đang diễn ra hàng ngày trong KBTB CLC của những ngư dân tới từ địa phương khác. Mối lo ngại tiếp theo không kém phần nghiêm trọng là mức độ của những hoạt động đánh bắt cho phép lẫn trái phép và phương thức cũng như các thiết bị ngư cụ mà ngư dân trên đảo Cù Lao Chàm sử dụng đánh bắt trong phạm vi của KBTB đã khiến rủi ro tác động tiêu cực tới hệ sinh thái tại KBTB CLC đang hiện hữu.
Hiện nay, mặc dù được sự hỗ trợ của Tổ chức Bảo tồn biển thế giới, cán bộ quản lý việc thực thi và tuân thủ quy định về bảo tồn biển CLC có nhiều kinh nghiệm và nỗ lực làm việc, tuy nhiên KBTB lại không có quyền thực thi pháp luật. Hơn nữa, việc mở rộng vùng cấm đánh bắt trong kế hoạch sửa đổi phân vùng cụ thể vẫn chưa được thực hiện để tối ưu hóa khả năng tuân thủ và thực thi pháp luật và han chế từ xa việc xâm hại KBTB. Điều này cũng đặc biệt đúng trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp như hiện nay.
Việc không kiểm soát được các phương tiện khai thác thủy sản trong KBTB CLC có nguy cơ tác động xấu tới hệ sinh thái biển
Việc thường xuyên tổ chức kiểm tra các phương tiện đánh bắt một cách ngẫu nhiên và việc ngư dân tự nguyện cung cấp thông tin về hoạt động đánh bắt như: lượng thủy sản đánh bắt hàng ngày, cách thức đánh bắt, chủng loại, vị trí, phương tiện đánh bắt của ngư dân để bảo đảm cho chính quyền và cơ quan quản lý KBTB quản lý được chất lượng của các nguồn tài nguyên biển ở từng phân khu, sự ảnh hưởng tới tính bền vững của hệ sinh thái để kịp thời đưa ra những cảnh báo rủi ro. Tuy nhiên việc này vẫn chưa được thực hiện.
Các chuyên gia bảo tồn cho rằng: Cần phải tiến hành xem xét tuyên bố quốc gia mạnh mẽ, cho phép hạn chế và quản lý quyền khai thác phù hợp trong toàn bộ khu vực bảo tồn, khuyến khích mở rộng vùng cấm đánh bắt nhưng cần có hoạt động thay thế một cách có trách nhiệm. Việc cần làm ngay hiện nay chính là phải tái phân vùng KBTB CLC. Chỉ có cách tiếp cận này thì công tác quản lý KBTB CLC mới được đánh giá một cách rõ ràng, cụ thể về thực tế hiện trạng để đưa ra phương án giới hạn các hoạt động khai thác ở từng phân khu.
Phục hồi rạn san hô tại KBTB CLC
Hiện nay, khu vực quy định cấm đánh bắt trong KBTB CLC là chưa rõ ràng, các khu vực cấm khai thác có diện tích nhỏ nên rất khó kiểm soát hoạt động khai thác vào ban đêm. Chính vì vậy, việc mở rộng những khu vực cấm khai thác rộng lớn hơn sẽ tạo ảnh hưởng tích cực đến các lợi ích từ bảo tồn, đồng thời hỗ trợ việc thực thi và tuân thủ các quy định hiệu quả hơn và có khả năng ngăn chặn từ xa các hành vi đánh bắt trái phép vào ban đêm từ các tàu thuyền neo đậu bên ngoài các vùng cấm.
Ngoài ra, việc thành lập và duy trì mạng lưới trao đổi thông tin, tham vấn cộng đồng và những đối tượng khai thác, sử dụng có ảnh hưởng lớn tới KBTB là điểm mấu chốt trong việc hoạt động hiệu quả và tuân thủ cơ chế về lập kế hoạch bảo tồn của KBTB CLC.
Nguy cơ tác động tiêu cực tới hệ sinh thái
Trong cuộc Hội thảo đánh giá công tác bảo tồn biển Cù Lao Chàm do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức tại TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) mới đây với sự tham gia của các chuyên gia bảo tồn trong nước và quốc tế, các chuyên gia đều thống nhất cho rằng: Vì Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm không có đánh giá rủi ro về sinh thái nên chưa thể khẳng định được chắc chắn tính bền vững của hệ sinh thái ở đây. Việc đánh giá rủi ro của KBTB CLC là điều vô cùng cần thiết, chính quyền địa phương, Ban quản lý KBTB CLC cần thực hiện càng sớm càng tốt để có đánh giá một cách chi tiết về tất cả các nguy cơ có thể đe dọa tới tính bền vững của hệ sinh thái KBTB CLC. Khi làm đề án đánh giá rủi ro, có thể áp dụng mức điểm đánh giá kết quả ở các mức độ: rủi ro ở mức rất cao, cao, trung bình và thấp. Qua việc đánh giá như vậy sẽ giúp Ban quản lý KBTB CLC kịp thời điều chỉnh kế hoạch cũng như tăng cường nguồn nhân lực làm công tác bảo tồn, để giảm thiểu những rủi ro cao và rất cao đối với tính bền vững của hệ sinh thái. Ngoài ra, nếu nắm được thông tin về số lượng đánh bắt thủy sản tươi sống trong khu vực bảo tồn đáp ứng nhu cầu của khách du lịch hàng ngày trên đảo, sẽ giúp ích lớn trong việc đánh giá rủi ro hệ sinh thái biển.
Hoạt động du lịch lặn ngắm san hô bùng phát là tác nhân đe dọa phá hủy hệ sinh thái trong KBTB CLC
Đại diện Tổ chức Bảo tồn biển quốc tế, bà Bùi Thị Thu Hiền cho rằng: Cần phải xem xét tất cả những mối đe dọa đối với các loài đặc trưng ở từng phân khu trong KBTB CLC. Cùng với đó, khuyến khích mở rộng các vùng cấm đánh bắt. Việc mở rộng phạm vi khu vực cấm đánh bắt xung quanh khu vực bảo tồn biển CLC (xác định phạm vi vùng quản lý nghiêm ngặt), đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sẽ giúp hỗ trợ việc thực thi và tuân thủ các quy định về khai tác đánh bắt thủy sản được ngăn chặn từ xa một cách hiệu quả. Điển hình như việc bảo tồn rùa biển tại đây, không chỉ bảo vệ khu vực bãi rùa đẻ trứng mà phải có kế hoạch bảo vệ nghiêm ngặt ở những khu vực liền kề, khu vực tiếp giáp với các bãi rùa đẻ. Vì đây, chính là nơi tiềm ẩn các mối đe dọa đáng kể đối với sự tồn tại của loài này từ các phương tiện hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân.
Ông Lê Xuân Ái - Cố vấn khoa học Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết: Hoạt động du lịch đã bùng phát tại Cù Lao Chàm trong thời gian gần đây với lượng khách ra đảo không ngừng gia tăng. Trong đó, hoạt động lặn ngắm san hô của du khách chính là tác nhân đe dọa hủy hoại các rạn san hô tự nhiên là môi trường sinh sống của nhiều loài động, thực vật dưới nước. Trong khi công tác quản lý của chính quyền địa phương vẫn còn nhiều bất cập, các hoạt động về giáo dục bảo vệ môi trường biển đối với khách du lịch còn hạn chế, du khách lặn biển chưa có kinh nghiệm, cùng với lượng du khách lặn tham quan quá đông trong cùng một thời điểm không tuân thủ theo đúng quy định của KBTB nên đã tác động tiêu cực đến các rạn san hô. Thực tế cho thấy, nhiều rạn san hô tự nhiên tại KBTB CLC đã bị hư hỏng nặng, khả năng phục hồi mất rất nhiều thời gian đã làm giảm đi lượng lớn các loài động vật, sinh vật quý hiếm khiến nguy cơ hệ sinh thái trong KBTB CLC bị phá vỡ.
Ngọc Khánh