Triển vọng phát triển du lịch nông nghiệp ở Quảng Nam

Cập nhật: 24/05/2018
(TITC) – Đón tiếp hàng trăm nghìn lượt khách du lịch mỗi năm, góp phần đưa tổng thu từ du lịch toàn tỉnh năm 2017 đạt 9.200 tỷ đồng là những kết quả mà du lịch nông nghiệp, sinh thái và nông thôn đem lại cho tỉnh Quảng Nam. Sản phẩm du lịch này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng du khách mà còn đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân.

Du khách nước ngoài thích thú trải nghiệm tại Vườn rau Trà Quế ( Nguồn ảnh: Báo Ảnh Việt Nam)

Cách thành phố Hội An không xa, Trà Quế vốn là làng trồng rau nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam, cũng là một sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc sắc của tỉnh. Trong không khí thanh bình yên ả của vùng làng quê miền Trung, làng rau Trà Quế nổi bật với màu xanh ngút mắt của những luống rau gia vị, thứ rau làm nên nhiều món ẩm thực độc đáo như cao lầu, mì Quảng, bánh mì, bánh xèo… Với nhiều hoạt động thú vị như trồng, chăm sóc và thu hoạch rau, đạp xe đạp, nấu và thưởng thức các món đặc sản dân dã… mỗi năm Làng rau Trà Quế thu hút hàng chục nghìn lượt du khách tham quan, trải nghiệm. 

Cùng với làng rau Trà Quế, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với hoạt động tham quan, trải nghiệm như Làng gốm Thanh Hà (Hội An), Làng rau An Mỹ (Hội An), Làng chài (Cù Lao Chàm – Hội An), Làng bắp Cẩm Nam (Hội An), Làng trái cây Đại Bình (Nông Sơn)… Hay sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái như Rừng dừa 7 mẫu Cẩm Thanh (Hội An), Làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu, Triêm Tây (Điện Bàn).

Đặc biệt, những năm gần đây, Quảng Nam còn kết nối với các huyện miền núi xây dựng các chương trình tham quan, tìm hiểu văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều điểm đến như Làng Du lịch Pơning (Tây Giang), làng du lịch Bho Hoong (Đông Giang), Nông trường chè Quyết Thắng (Đông Giang)… Tại đây, du khách sẽ được trải nghiệm và khám phá những nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, xem trình diễn âm nhạc truyền thống, thưởng thức ẩm thực hay tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Rời xa chốn phố thị ồn ào và đông đúc để hòa mình thư giãn trong không khí trong lành, thanh bình của những rặng dừa, vườn rau, những đồi chè xanh ngát hay tự tay hái trái cây chín mọng là những trải nghiệm thú vị mà du lịch nông nghiệp đang mang lại cho du khách.

Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam nhận định, các sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo đã phát huy hiệu quả cũng như tạo thiện cảm lớn cho du khách, nhất là thị trường khách châu Âu và Đông Bắc Á. Ước tính mỗi năm, du lịch nông nghiệp đón khoảng 300 nghìn lượt khách, chiếm gần 5% tổng lượng khách tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh.

Việc nhân rộng các mô hình du lịch nông nghiệp, sinh thái và nông thôn đã góp phần mở rộng không gian du lịch của di sản văn hóa thế giới Hội An, giảm tải lượng khách đổ dồn về điểm đến này, đồng thời làm phong phú lựa chọn cho du khách khi đến tỉnh Quảng Nam.

Ở một khía cạnh khác, du lịch nông nghiệp cũng được coi là sinh kế thoát nghèo hiệu quả, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tại Hội thảo “Phát triển du lịch sinh thái bền vững gắn với nông nghiệp, nông thôn” được tổ chức vào ngày 18/5 vừa qua tại thành phố Hội An, ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) nhận định: “Sự tham gia trực tiếp của người nông dân trong các hoạt động du lịch nông nghiệp đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, đồng thời đem lại thu nhập cao hơn cho người dân bên cạnh hoạt động nông nghiệp thuần túy”.

Với nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, du lịch nông nghiệp, sinh thái và nông thôn đang có những bước phát triển và ngày một đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách khi đến với xứ Quảng.

Khánh Trang