Dự án “Lập kế hoạch tổng thể cho xe đạp và chương trình chia sẻ xe đạp miễn phí/chi phí thấp tại TP.Hội An” vừa được Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Cộng hòa Liên bang Đức (BMZ) bình chọn trao giải thưởng “Giao thông đô thị toàn cầu”. Sự kiện diễn ra tại TP.Leipzig (Đức) từ ngày 22 – 25/5.
Chia sẻ xe đạp miễn phí
Nội dung của dự án nhằm giải quyết hai vấn đề chính: an toàn đường bộ và y tế công cộng (sức khỏe cộng đồng) bằng cách phát triển một kế hoạch tổng thể cho giao thông xanh, bền vững, tập trung quan tâm vào người đi xe đạp.
Hướng đến mục tiêu này, dự án sẽ phát triển một chương trình xe đạp chia sẻ miễn phí hoặc chi phí thấp, bằng cách kết nối các chương trình xe đạp hiện có của các khách sạn trên địa bàn Hội An. Từ đó, tạo ra một hệ thống hợp tác công - tư đầu tiên tại Hội An; đồng thời tạo ra những lợi ích lớn hơn từ cơ sở hạ tầng hiện có, và chuyển đổi phương thức đi lại trong thành phố.
Hơn một thập niên qua, Hội An đã có những cam kết mạnh mẽ để xây dựng một thành phố sinh thái nhằm bảo tồn các giá trị lịch sử của Hội An, cũng như nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Từ năm 2009, UBND TP.Hội An đã phê duyệt chương trình Thành phố sinh thái, hướng đến mục đích phát triển Hội An thành một thành phố sinh thái, thân thiện với môi trường, bảo tồn các giá trị lịch sử văn hóa, phát triển du lịch sinh thái cũng như nâng cao chất lượng sống cho người dân. Trong đó, đặt mục tiêu “phần lớn dân số sẽ sống, làm việc trong khoảng cách đi bộ và đạp xe nhằm giảm nhu cầu đi lại bằng các phương tiện giao thông cơ giới”.
Hiện thực hóa mục tiêu này, thời gian qua nhiều hoạt động cũng đã được triển khai nhằm nỗ lực xây dựng Hội An thành thành phố sinh thái như khuyến khích mọi người đi bộ, đi xe đạp; sử dụng phương tiện giao thông công cộng, phát triển giao thông phi cơ giới, kể cả xây dựng một chương trình du lịch “Về Hội An đi xe đạp” (2016) với lộ trình xuất phát từ làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà) qua các di tích, cảnh đẹp địa phương như mộ của thương gia Tani Yajirobei (Nhật Bản); làng du lịch cộng đồng An Mỹ, ngắm sông Đế Võng (phường Cẩm Châu)… và kết thúc tại rừng dừa Cẩm Thanh.
Thực tế, dù có hàng nghìn xe đạp đang hoạt động nhưng số lượng xe máy vẫn được sử dụng khá nhiều, chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số phương tiện giao thông đang hoạt động tại Hội An.
Dự án chỉ ra rằng, yếu tố khiến việc sử dụng xe đạp chưa nhiều là do thành phố chưa có một chiến lược cụ thể cho phát triển xe đạp và quan tâm tới vấn đề an toàn, nhất là hạ tầng hỗ trợ cho xe đạp như các làn đường dành riêng cho xe đạp hay các nút giao cắt an toàn cho xe đạp. Việc thiếu những chính sách và hạ tầng cho xe đạp đã khiến người Hội An đang theo xu hướng sử dụng xe máy cho các chuyến đi hàng ngày, kể cả các chuyến đi có khoảng cách ngắn.
“Hiện tại, du khách đến Hội An thường đi bộ hoặc mượn miễn phí/thuê xe đạp của các khách sạn. Tuy nhiên, với môi trường chưa hỗ trợ xe đạp, việc đạp xe trong thành phố vẫn chưa an toàn và do đó số người sử dụng xe đạp vẫn rất hạn chế” - dự án dẫn chứng.
Tạo lập thói quen đi xe đạp
Theo ông Nguyễn Văn Lanh - Trưởng phòng VH-TT TP.Hội An (đơn vị nghiên cứu và đề xuất dự án), dự án muốn giới thiệu, thiết lập một kế hoạch tổng thể phát triển xe đạp, bao gồm một mạng lưới hạ tầng an toàn cho xe đạp, một hệ thống chia sẻ xe đạp, kết nối các xe đạp miễn phí/chi phí thấp của các khách sạn đang hoạt động và mở rộng thêm ra các khu vực mới.
Cụ thể, dự án sẽ xây dựng môi trường hỗ trợ xe đạp, từ đó giúp chuyển đổi phương thức đi lại trong thành phố từ phương tiện cơ giới sang phương tiện phi cơ giới. Đồng thời, cung cấp một môi trường hỗ trợ và an toàn hơn cho xe đạp cũng như hệ thống chia sẻ xe đạp; giúp người sử dụng tiếp cận với giá cả phải chăng và có sẵn hơn là các phương tiện giao thông tốn kém, khó tiếp cận hơn như xe máy và ô tô.
“Việc tham gia giải thưởng mới chỉ là trình bày ở dạng ý tưởng kế hoạch, mục đích kêu gọi các nguồn tài trợ và sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế. Sau đó sẽ làm riêng một dự án quy hoạch chi tiết cụ thể. Hiện thành phố cũng đã thành lập tổ thu thập tài liệu, bản đồ quy hoạch… để tiếp tục triển khai dự án ra thực tế thời gian tới” - ông Lanh cho biết.
Cũng theo ông Lanh, kế hoạch tổng thể phát triển xe đạp sẽ cung cấp một hành lang pháp lý và định hướng chính sách, nhằm giúp thành phố tập trung nguồn lực để xây dựng một môi trường vật lý an toàn khuyến khích đạp xe. Kế hoạch cũng sẽ là một cơ chế để khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân đầu tư vào giao thông bền vững, nhất là các khách sạn, đơn vị du lịch, cửa hàng bán lẻ tại địa phương.
Hiện tại, một tổ công tác đa ngành của thành phố đã được thành lập, gồm các phòng: Quản lý đô thị, Thương mại và du lịch, VH-TT, Tài chính kế hoạch hay Công an thành phố... Trong thời gian đến, tổ công tác này sẽ lập một kế hoạch tổng thể cho phát triển giao thông phi cơ giới và một kế hoạch phát triển mạng lưới xe đạp trong 5 năm. Ngoài ra, Ban dự án cũng sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho tổ công tác để phát triển kế hoạch tổng thể cho xe đạp nêu trên.
“Kế hoạch này sẽ là một chương trình trung hạn, tập trung vào việc phát triển mạng lưới làn đường cho xe đạp và các nút giao an toàn, cũng như huy động các nguồn lực cho việc thực hiện. Ban dự án và thành phố sẽ thực hiện các khảo sát hiện trạng bao gồm khảo sát kiểm kê, đánh giá an toàn đường bộ, khảo sát người tham gia giao thông để cung cấp các số liệu đầu vào cho việc lập kế hoạch. Kế hoạch sẽ tập trung vào các vấn đề như tính liên kết, thiết kế, nguồn vốn và duy trì, được lập dưới sự xem xét các thông tin đã thu thập và sẵn có. Kế hoạch sẽ được UBND TP.Hội An phê duyệt và thực hiện trong 5 năm” - ông Lanh cho biết thêm.