Phát triển du lịch biển chưa tương xứng với tiềm năng

Cập nhật: 17/09/2008
Tài nguyên du lịch biển Việt Nam rất phong phú và đa dạng, bao gồm cả tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn đặc sắc, có giá trị cao đối với hoạt động du lịch. Song, phát triển du lịch biển Việt Nam hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng.

Là một quốc gia ven biển nằm ở phía đông bán đảo Đông Dương, Việt Nam có diện tích rừng biển đặc quyền kinh tế khoảng 1.000.000km² với trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, phân bố tập trung ở ven bờ tây bắc Vịnh Bắc bộ (Quảng Ninh - Hải Phòng) và hai quần đảo ngoài khơi là Trường Sa và Hoàng Sa.

 

Biển Việt Nam chan chứa ánh mặt trời, dồi dào cát trắng lại có sự kết tụ các yếu tố cảnh quan của núi rừng, đồng bằng, bờ biển, biển - đảo, cùng với các yếu tố văn hóa - xã hội biển đặc sắc đã tạo cho nước ta tiềm năng du lịch biển đảo rất to lớn.

 

Tuy nhiên, TS. Lê Trọng Bình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch cho rằng: Sự phát triển du lịch biển chưa tương xứng với hệ thống tài nguyên mà thiên nhiên ban tặng cũng như di sản văn hóa khu vực biển đảo mà dân tộc tạo nên, còn nhiều bất cập trong đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật khu du lịch cũng như phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch.

 

Còn PGS.TS. Nguyễn Chu HồI - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, nhận xét: Tài nguyên biển là dạng tài nguyên chia sẻ nên thường bị khai thác tự do. Mâu thuẫn lợi ích giữa phát triển du lịch biển và các ngành khác ở vùng ven bờ và các đảo có chiều hướng gia tăng; còn thiếu sự phối hợp liên ngành trong sử dụng và quản lý tài nguyên ven biển, biển và hải đảo, không ít nơi có tiềm năng du lịch biển lại nằm cạnh các cảng/ bến, khu nuôi trồng và khu khai thác thủy sản… gây tác động tiêu cực lẫn nhau. Sự tham gia của cộng đồng địa phương vào phát triển và quản lý du lịch biển còn hạn chế và thụ động. Tình hình thực thi pháp luật trên biển và vùng ven bờ nước ta còn yếu, chính sách quản lý môi trường biển còn chưa đồng bộ. Trình độ dân trí sống ven biển và hải đảo thấp, ý thức của du khách còn kém. Tất cả những điều này nếu chưa giải quyết tốt thì việc phát triển du lịch biển và hải đảo bền vững theo hướng công nghiệp hóa và hội nhập còn gặp khó khăn.

 

TS. Lê Trọng Bình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch: Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng

 

Thưa ông, trong quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020, ngành du lịch ưu tiên đầu tư lĩnh vực gì?

 

TS. Lê Trọng Bình: Trong giai đoạn trước mắt, ưu tiên đầu tư phát triển tại vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng - khu vực Bắc Trung bộ - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Bình Định - Khánh Hòa - Bình Thuận - Bà Rịa-Vũng Tàu - Kiên Giang. Những vùng này được ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng để có đủ năng lực đón khách nước ngoài. Bên cạnh đó, chú ý đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mới, sản phẩm du lịch đặc sắc theo vùng, miền và địa phương, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

 

Công tác tuyên truyền và quảng bá về du lịch biển lâu nay chưa được quan tâm đúng mức, thời gian tới hoạt động này được đổi mới như thế nào, thưa ông?

 

TS. Lê Trọng Bình: Tổng cục Du lịch sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và nước ngoài. Tổng cục đã làm việc với Hãng Truyền hình CNN (Hoa Kỳ) để quảng bá cho du lịch biển Việt Nam, trong đó Vịnh Hạ Long là chủ đề chính, sắp tới còn ký hợp đồng quảng bá cho du lịch Việt Nam với nhiều hãng truyền thông nước ngoài khác; xây dựng các sản phẩm tuyên truyền, quảng bá du lịch; tổ chức thực hiện các chương trình, sự kiện, hội chợ, hội thảo, triển lãm, hoạt động thông tin du lịch ở trong và ngoài nước; tăng cường hợp tác quốc tế trong xúc tiến, quảng bá, đầu tư, phát triển du lịch…

Theo ông, giải pháp nào để phát triển du lịch biển một cách bền vững?

 

TS. Lê Trọng Bình: Thứ nhất, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vai trò quan trọng của tài nguyên biển, đảo; Thứ hai, rà soát, kiểm tra, đánh giá thực trạng quỹ tài nguyên biển, đảo để phân loại giá trị, khả năng từng khu vực tài nguyên biển để thống nhất cơ chế vừa bảo tồn, vừa khai thác quỹ tài nguyên một cách phù hợp; Thứ ba, có cơ chế, thể chế quản lý đầu tư phát triển và bảo tồn đồng bộ, thống nhất, một đầu mối, hạn chế tình trạng chồng chéo trong hệ thống văn bản pháp luật liên quan, trong thực hiện hoạt động đầu tư, phát triển khu vực biển đảo, đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững.

 

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Thiếu những sản phẩm du lịch và dịch vụ cao cấp

 

Do chưa chú trọng đúng mức đến tính đa dạng về loại hình du lịch nên đến nay, du lịch biển ở nước ta vẫn thiếu những sản phẩm du lịch và dịch vụ cao cấp, độc đáo, có chất lượng và uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Việt Nam chưa có khu du lịch biển tổng hợp đạt trình độ quốc tế. Hải đảo là một yếu tố phát triển du lịch biển, thu hút du khách nhưng đến nay, chưa có mô hình đầu tư khai thác hiệu quả và bền vững. Không gian trên đảo hoàn toàn khác với đất liền nhưng nhiều khi các địa phương lại bê nguyên mô hình quản lý và phát triển kinh tế - xã hội trên đất liền ra áp dụng cho các hải đảo. Các giá trị văn hóa biển truyền thống như: lễ hội nghề cá, chọi trâu; các di tích văn hóa - lịch sử nổi tiếng ven biển như: đền thờ, miếu mạo mang sắc thái biển (đền thờ Ông cá Voi, Ngư nữ), các kiểu văn hóa làng chài, các thành tựu kinh tế qua các hội chợ triển lãm ở các thành phố ven biển… rất hấp dẫn du khách nhưng chưa được chú ý khai thác đúng mức.   

 

Ông Lưu Nhân Vinh, Giám đốc Công ty Du lịch Việt Nam tại Hà Nội: Sự tham gia của người dân bản địa rất quan trọng

 

Hiện nay, sản phẩm du lịch biển của chúng ta chưa đặc sắc, chưa có nhiều sản phẩm mang tính đặc trưng của các địa phương, đất nước.

 

Do công tác tuyên truyền, giáo dục chưa tốt nên ở khu du lịch nào cũng bắt gặp hình ảnh những người bán hàng rong đeo bám, chèo kéo khách mua hàng, rác thải thì bữa bãi khắp nơi. Nhiều địa phương phát triển du lịch biển thiếu quy hoạch chi tiết và quá “nóng” nên nhiều khi xảy ra tình trạng: cảng cá nằm trong bãi biển, tàu thuyền qua lại và neo đậu ngay tại khu vực bãi tắm gây ô nhiễm bãi biển, đường ống dẫn nước thải của các khu dân cư, lưu trú du lịch đổ thẳng ra bãi biển không qua xử lý…

 

Để có thể phát triển du lịch bền vững thì việc tham gia của người dân bản địa hết sức quan trọng. Có sự tham gia của người dân bản địa sẽ tạo nên nét đặc trưng, sự khác biệt và sống động cho những sản phẩm, chương trình du lịch. Để làm được điều này, cần sự phối hợp các ban, ngành trong công tác tuyên truyền tại địa phương làm du lịch, tăng cường gặp gỡ và trao đổi giữa các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành với người dân tại khu vực để người dân thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình, để việc kinh doanh du lịch nhận được sự giúp đỡ và hợp tác của người dân bản địa.

 

Từ nay đến năm 2010, ngành du lịch phấn đấu mỗi năm tăng 10 - 20% lượng khách quốc tế, đạt 5,5 - 6 triệu lượt người vào năm 2010; khách nội địa tăng trung bình 15 - 20%/năm, vào năm 2010 đạt 25 triệu lượt người, trong đó, du lịch biển thu hút khoảng 80% lượng khách đến Việt Nam và chiếm 70% doanh thu. Vào năm 2010, thu nhập du lịch đạt 4 - 5 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với năm 2005.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường