Vịnh Hạ Long là một trong những điểm du lịch thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Mỗi năm di sản này đón trên 3 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Xác định được tầm quan trọng của danh thắng này đối với sự phát triển của ngành Du lịch nói riêng và kinh tế nói chung, những năm qua, Quảng Ninh luôn quan tâm thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo vệ môi trường, góp phần quan trọng gìn giữ hình ảnh Vịnh Hạ Long xanh, sạch, đẹp.
Điều đó được thể hiện rõ nhất qua hàng loạt các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ để giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường Vịnh Hạ Long. Thời gian qua, bên cạnh việc di chuyển các hoạt động khai thác, sàng tuyển, bốc rót than trên Vịnh, cấm các hoạt động chuyển tải clinker, xi măng và các loại hàng hóa rời (dăm gỗ, đá các loại…) trên Vịnh Hạ Long..., Quảng Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, trong đó vấn đề bảo vệ môi trường luôn được quan tâm hàng đầu. Theo đó, phải kể đến quyết định di dời toàn bộ cư dân làng chài trên Vịnh Hạ Long lên bờ sinh sống; quy hoạch địa điểm nuôi hải sản bằng lồng bè; kế hoạch quản lý hoạt động vận chuyển khách tham quan du lịch và tàu lưu trú du lịch; tổ chức thu gom rác thải bảo vệ môi trường sinh thái trên Vịnh Hạ Long...
Ban Quản lý Vịnh Hạ Long vận chuyển rác thải thu gom trên Vịnh đưa về điểm tập kết để xử lý.
Cùng với đó, để giữ gìn môi trường Vịnh Hạ Long xanh, sạch, đẹp, hằng năm, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đều tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường hoặc các hoạt động tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường Vịnh Hạ Long. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương, ngành trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long, kiểm soát nguy cơ gây ô nhiễm môi trường Vịnh từ nguồn thải ven bờ, khu vực giáp ranh. Thực hiện tốt công tác thẩm định hồ sơ, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư, xây dựng trên và ven bờ Vịnh Hạ Long; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, giáo dục bảo vệ môi trường.
Trong chương trình công tác hằng năm, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cũng đã bám sát và cụ thể hóa Quy hoạch bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Ban đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng phương án đảm bảo vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan, nhất là các khu vực tập trung đông khách, như: Thiên Cung, Đầu Gỗ, Sửng Sốt, TiTốp, Cửa Vạn… Phân công, bố trí lực lượng đảm bảo tốt cảnh quan môi trường tại các điểm neo đậu lưu trú nghỉ đêm; tổ chức diễn tập hằng năm và sẵn sàng triển khai ứng phó sự cố tràn dầu trên Vịnh khi có sự cố xảy ra; thực hiện quan trắc hiện trạng môi trường nước hằng quý; thi công, lắp đặt các thùng rác nổi cỡ lớn trên Vịnh Hạ Long; sửa chữa, cải tạo các tấm biển, bảng tuyên truyền bảo vệ môi trường ven bờ Vịnh; tăng cường giám sát, đôn đốc nhà thầu thực hiện thu gom rác trôi nổi trên và ven bờ đảm bảo hiệu quả.
Việc nâng cao các hoạt động bảo vệ môi trường di sản là vô cùng quan trọng để bảo tồn,
giữ gìn và phát huy những giá trị của Vịnh Hạ Long.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tập trung nghiên cứu, ứng dụng các đề tài cấp cơ sở trong công tác quản lý môi trường; khôi phục trồng rừng ngập mặn trên Vịnh Hạ Long; từng bước nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng công nghệ trong xử lý, bảo vệ môi trường như thử nghiệm thiết bị hút rác tự động nhằm thu gom rác và xử lý một phần nước lẫn dầu tự động trên Vịnh Hạ Long. Từ năm 2017 đến nay đã thu gom hơn 2.200 tấn rác thải trôi nổi ven bờ và trên Vịnh Hạ Long; kịp thời phát hiện, ứng phó, xử lý 5 sự cố tràn dầu, đổ dầu thải xảy ra trên và ven bờ Vịnh.
Năm 2018, thực hiện chủ đề công tác năm của tỉnh là “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên”, ngay từ đầu năm, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền, quảng bá Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Trong đó, tập trung vào các nội dung về quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Vịnh Hạ Long, giữ gìn cảnh quan môi trường, bảo vệ các giá trị tự nhiên, tuyên truyền cho các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, khách du lịch bảo vệ môi trường. Kết hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức du khách về bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản trong hoạt động hướng dẫn, tham quan Vịnh Hạ Long. Ngoài ra, Ban còn thực hiện tuyên truyền, vận động người dân tự động tháo dỡ, di chuyển đối với hàng chục trường hợp vi phạm về khai thác thủy sản bằng vó, bè, các trường hợp bè nuôi trồng thủy sản không đúng quy định trên Vịnh Hạ Long...
Di sản Vịnh Hạ Long là nơi chứa đựng nhiều giá trị khoa học, văn hóa, lịch sử... Bên cạnh đó, Vịnh Hạ Long lại là nơi diễn ra các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội sôi động như: Du lịch, giao thông, cảng biển, sản xuất nguyên vật liệu xây dựng, đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản... Trong bối cảnh phát triển đô thị và công nghiệp gia tăng như hiện nay, Vịnh Hạ Long đang chịu nhiều sức ép về môi trường sinh thái bởi nhiều tác nhân biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường... đã và đang có những ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long. Chính vì vậy, việc nâng cao các hoạt động bảo vệ môi trường di sản là vô cùng quan trọng để bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị của Vịnh Hạ Long.
Thu Hương