Thay đổi thói quen dùng túi ni lông và đồ nhựa

Cập nhật: 05/06/2018
“Giải quyết chất thải nhựa và ni lông” được chọn là chủ đề Ngày Môi trường Thế giới năm nay. Chất thải nhựa và ni lông đang trở thành vấn nạn đối với môi trường cả vùng đô thị và nông thôn. Nước ta đang đứng trước nhiều thách thức cần giải quyết để giảm thiểu ô nhiễm từ rác thải nhựa và ni lông.

Các đại biểu dự lễ phát động “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 5.6

Nhiều thách thức từ chất thải nhựa

Theo công bố của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), mỗi năm con người thải ra môi trường một khối lượng nhựa đủ để trải quanh Trái đất 4 lần. Số liệu thống kê cho biết, có khoảng 500 tỉ túi nhựa được tiêu thụ trên thế giới, song phần lớn lượng rác thải nhựa không được chôn trong các bãi chôn lấp.

Ước tính, với nhịp độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỉ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và một phần lớn trong số đó sẽ nằm trong các đại dương, nơi mà nó sẽ tồn tại trong nhiều thế kỷ. Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa (chai nhựa, túi ni lông, hộp đựng đồ ăn, cốc nước...) cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, KT-XH và sức khỏe con người. Chất thải nhựa trở thành một thách thức lớn đối với cộng đồng và xã hội.

Ở nước ta, việc sử dụng tràn lan các loại túi ni lông cho thấy sự dễ dãi của cả người cung cấp cũng như người sử dụng. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5 - 7 túi ni lông/ngày; như vậy mỗi ngày hàng chục triệu túi ni lông được sử dụng và thải ra môi trường. Chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh, trung bình thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông/ngày.

Riêng tại Bình Định, tỉnh đã có nhiều quan tâm trong quản lý chất thải rắn; lượng rác thải được thu gom, xử lý ngày càng tăng. Toàn tỉnh đã xây dựng 5 bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong việc xử lý chất thải nhựa trong sinh hoạt hàng ngày.

Ông Đặng Trung Thành, Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: Để đầu tư cho công tác thu gom, xử lý rác đúng quy định, cần một nguồn lực lớn, trong khi khả năng ngân sách của địa phương còn hạn chế (4/5 bãi chôn lấp rác đã xây dựng trên địa bàn tỉnh từ vốn vay ODA). Do đó còn nhiều địa phương chưa có bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh. Tỉ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đạt thấp, chỉ 54%. Đáng nói là lượng chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực nông thôn hiện mới chỉ thu gom, xử lý được hơn 20%; vấn nạn ô nhiễm môi trường nông thôn còn xảy ra khá phổ biến, ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân.

Hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới năm nay, Bộ TN&MT kêu gọi mọi người thay đổi thói quen hàng ngày, giảm sử dụng túi ni lông, nhựa để giảm gánh nặng ô nhiễm cho môi trường tự nhiên và đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe của chính chúng ta.

Một hoạt cảnh về sự nguy hại của chất thải nhựa đối với đại dương, trình diễn tại lễ phát động “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 5.6.

Chung tay bảo vệ môi trường

Để có những hành động thiết thực và hiệu quả, Bộ TN&MT đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố, các đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội, các ngành chức năng tổ chức chuỗi hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động vì môi trường” trên phạm vi cả nước. Tăng cường triển khai các giải pháp quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa. Áp dụng các biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân, DN vi phạm các quy định về quản lý chất thải nguy hại. Tổ chức các hoạt động có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như: Chiến dịch “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”; ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao, hồ, hệ thống thoát nước. Tổ chức các lớp học giáo dục môi trường, thực hiện các hoạt động thu gom và tái chế chất thải nhựa, túi ni lông tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu dân cư…

Theo ông Đặng Trung Thành, hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 5.6, Sở TN&MT tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về môi trường, thi vẽ tranh, tái chế chất thải, sáng tạo xanh, biên soạn các sổ tay, tờ rơi, tập huấn, tuyên truyền trực quan về những nguy hại của chất thải ni lông. Xây dựng các mô hình phân loại rác tại nguồn ở một số địa phương. Phối hợp với các hội, đoàn thể tuyên truyền bảo vệ môi trường, đặc biệt là phối hợp Hội LHPN tỉnh triển khai mô hình phụ nữ không sử dụng túi ni lông tại Phù Cát; khuyến khích việc thu gom tái chế chất thải nhựa. Chú trọng kiểm tra, hướng dẫn việc xử lý chất thải tại các cơ sở tái chế nhựa, tạo điều kiện để các cơ sở hoạt động đúng quy định.

NGUYỄN HÂN

Nguồn: Báo Bình Định