Bảo tồn rùa biển tại Vườn Quốc gia Núi Chúa

Cập nhật: 17/09/2008
Vườn Quốc gia (VQG) Núi Chúa (Ninh Thuận) vốn trước đây là khu bảo tồn thiên nhiên có diện tích tự nhiên 22.513ha. Năm 2003 với quyết định nâng cấp lên thành VQG, phạm vi bảo tồn được mở rộng thêm với 7.352ha của hợp phần biển. 

Đặc biệt tại hai thôn Thái An và Vĩnh Hy (Vĩnh Hải, Ninh Hải) có nhiều bãi cát lớn, rùa biển thường bò lên đẻ trứng khá nhiều.

 

Để bảo vệ rùa biển vào mùa sinh sản, năm 2004 dự án bảo vệ rùa biển được triển khai bởi Quỹ Bảo vệ thiên nhiên Quốc tế (WWF) Nhật Bản và WWF Chương trình Đông Dương. Ông Thiên Sanh Quận, Phó Giám đốc VQG Núi Chúa cho biết: Việc thực hiện bảo tồn tập trung vào các bãi Móng Tay, bãi Ngang và bãi Thịt có chiều dài bờ biển 3,1km. Chúng tôi duy trì hai trạm bảo vệ rùa với sự tham gia của cộng đồng địa phương, đội tình nguyện viên gồm 8 người. Công tác bảo vệ được thực hiện trên cơ sở dựa vào cộng đồng. Tuy nhiên do nguồn kinh phí trong ba năm từ 2005 - 2007 quá thấp, nên khả năng duy trì hoạt động bảo tồn rùa biển không hề dễ dàng. Điều đáng lo ngại là hiện nay tình trạng rùa bò lên bãi rất ít so với những năm trước. Nếu năm 2005 có 38 lượt rùa biển bò lên bãi đẻ trứng, năm 2006 là 58 lượt thì từ đầu năm 2008 đến nay mới chỉ có 8 lượt. Mặc dù chưa hết năm nhưng theo các cán bộ kỹ thuật của vườn thì rùa bò lên bãi để tìm nơi đẻ trứng tập trung chủ yếu từ tháng 6 - 10 hàng năm, nhưng đến thời điểm này lượng rùa biển tìm lên bãi đẻ trứng ít là điều bất thường. Thông thường mỗi lần một con rùa đẻ trứng từ 70 - 130 quả, tỷ lệ trứng nở đạt trên 80%. Tuy nhiên theo các nhà khoa học, sau khi rùa con về với biển cả, tỷ lệ rùa tồn tại và trưởng thành rất thấp, cứ 1.000 con rùa con thì chỉ có 1 con trưởng thành, số còn lại làm mồi cho các loài thủy sinh khác.

 

Theo ông Quận, VQG Núi Chúa không có biên chế và kinh phí bảo tồn phần diện tích trên biển, trong khi nguồn hỗ trợ của WWF rất hạn chế nên hoạt động bảo tồn chỉ biết dựa vào cộng đồng địa phương. Trạm bảo tồn đặt xa khu dân cư, đi lại khó khăn, phương tiện thông tin liên lạc, hỗ trợ cho đội tình nguyện viên thấp. Bên cạnh đó khu vực rùa lên đẻ trứng có nhiều rau câu và rong sụn cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động sinh sản của rùa do ngư dân thường vào đây khai thác.         

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường