Tổ chức Bảo vệ Môi trường biển Ocean Conservancy vừa công bố, có tới 90% lượng rác thải trôi nổi trên biển là rác thải nhựa gồm: Vỏ bánh kẹo, chai lọ nhựa, túi nilon, thìa, dĩa, ống hút… Theo kịch bản xấu nhất mà Ocean Conservancy và Công ty Tư vấn McKinsey dự báo, tới năm 2025, cứ có 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa trên đại dương. Lượng nhựa được tiêu thụ hàng năm tại châu Á được dự kiến sẽ tăng tới 80% trong 10 năm tới, vượt ngưỡng 200 triệu tấn vào năm 2025. Việt Nam với 28 tỉnh thành ven biển, sẽ chịu ảnh hưởng vô cùng lớn từ tác động này.
Hiện có từ 70% – 80% lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ đất liền, của các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp ven biển, xả thẳng ra sông, ra biển, không qua xử lý. Các sự cố về tràn dầu, xả thải, nhấn chìm vật, chất cũng là những nguyên nhân làm cho môi trường biển bị ô nhiễm và suy giảm đa dạng sinh học nghiêm trọng. Nghiên cứu từ Ocean Conservancy chỉ ra rằng, có tới hơn phần nửa số rác thải này đến từ 5 quốc gia châu Á, đứng đầu là Trung Quốc với 2,4 triệu tấn, chiếm khoảng 30%. Theo sau Trung Quốc lần lượt là Indonesia, Philippines, Việt Nam và Sri Lanka. Điều đáng sợ là khi đã lọt ra biển, rác thải nhựa có thể cần tới hơn 400 năm để phân hủy. Khi đó, rác thải nhựa không chỉ gây thiệt hại về môi trường, mà còn gây tổn thất lớn cho cả kinh tế lẫn sức khỏe người dân. Về phương diện kinh tế, một bản báo cáo của khối APEC đã cho thấy, rác thải biển đang gây thiệt hại gần 1,3 tỷ USD mỗi năm cho các quốc gia trong khối.
Đánh giá về thực trạng trên, ông Vũ Sĩ Tuấn – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: “Đúng là đi cùng phát triển kinh tế biển, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: Ô nhiễm môi trường vùng bờ, phát triển nhanh, thiếu kiểm soát những khu công nghiệp, khu chế xuất, du lịch nghỉ dưỡng ven biển”.
Năm nay, nhân sự kiện: Lễ kỷ niệm Ngày Đại dương Thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam lần thứ 10; Bộ TN&MT, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ phát động “Cùng chung tay giữ màu xanh của biển”. Đây là một sự kiện chính trị, xã hội được tổ chức thường niên có ý nghĩa to lớn, như một lời kêu gọi, nhắc nhở mỗi công dân Việt Nam cần phải có ý thức hơn nữa với vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên biển. Bên cạnh đó, Tổ chức cũng kêu gọi thu gom rác thải, vệ sinh bãi biển, trồng rừng ngập mặn, tăng cường công tác kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải ven biển và trên các hải đảo; gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo vệ môi trường, góp phần bảo vệ chủ quyền, củng cố an ninh quốc phòng.
Trần Kiều