Tối ngày 8/6, tại TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang, UBND tỉnh An Giang long trọng tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Núi Sam, tỉnh An Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Tham dự Lễ công bố có Bà Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ VHTTDL; đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh An Giang; đại diện lãnh đạo Sở Du lịch, Sở VHTTDL các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.
Thừa ủy quyền của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên đã công bố Quyết định 2098/QĐ-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Núi Sam, tỉnh An Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Khu du lịch núi Sam là một trong 5 địa điểm tiềm năng được quy hoạch đầu tư phát triển trở thành Khu du lịch quốc gia ở khu vực ĐBSCL. Những năm qua, hoạt động du lịch tại Khu du lịch Núi Sam không ngừng phát triển, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hàng năm, nơi đây thu hút trên 5 triệu lượt khách đến quan, du lịch và hành hương. Nhờ làm tốt công tác kêu gọi đầu tư, những năm gần đây, nhiều dự án đầu tư trọng điểm tại Núi Sam đã được triển khai như Công viên Văn hóa Núi Sam, Khu du lịch Văn hóa Tâm linh Bà Chúa Xứ - Cáp treo Núi Sam, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng sinh thái, các nhà hàng, quán ăn… Hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước, dịch vụ viễn thông, môi trường… nơi đây được quan tâm đầu tư, nâng cấp, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phục vụ cho phát triển du lịch.
Phát biểu tại buổi lễ, Bà Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho rằng, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Núi Sam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là sự kiện có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng, là động lực để phát triển du lịch tỉnh của An Giang nói riêng, ĐBSCL nói chung. Đặc biệt, tạo tiền đề để tỉnh An Giang đẩy mạnh việc quy hoạch, đầu tư, khai thác thế mạnh về du lịch văn hóa - tâm linh, kết hợp đầu tư khai thác phát triển các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí, khám phá, thể thao và nghỉ dưỡng, để trở thành điểm đến du lịch chất lượng, hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh cao...
Do đó, nhiệm vụ đặt ra cho tỉnh An Giang là phải vừa phát triển du lịch, nhưng cũng phải bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị của hệ thống di tích, thắng cảnh, tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, đồng thời kết hợp hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế và an sinh xã hội.
Tỉnh An Giang cần chủ động phối hợp các Bộ, ngành liên quan sớm xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, trong đó ưu tiên thực hiện các dự án phát triển Khu du lịch quốc gia Núi Sam. Đồng thời, đề xuất mô hình quản lý, nhằm đáp ứng vai trò, nhiệm vụ của Khu du lịch quốc gia theo Luật Du lịch. Có quy chế quản lý Khu du lịch quốc gia trong lĩnh vực đầu tư phát triển, cũng như các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, hoạt động của khách du lịch và cộng đồng dân cư phù hợp với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh biên giới.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2227/QĐ-TTg ngày 18 tháng 11 năm 2016, ĐBSCL có 5 khu du lịch quốc gia gồm: Thới Sơn nằm trong cụm cù lao Long Lân Quy Phụng (Tiền Giang, Bến Tre), Phú Quốc (Kiên Giang), Năm Căn - Mũi Cà Mau (Cà Mau), Tràm Chim - Láng Sen (Long An, Đồng Tháp), Núi Sam (An Giang); 7 điểm du lịch quốc gia, gồm: Khu phức hợp giải trí Xứ sở Hạnh phúc (Long An), Cù lao Ông Hổ (An Giang), Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sỹ Cao Văn Lầu (Bạc Liêu), Bến Ninh Kiều (Cần Thơ), Hà Tiên (Kiên Giang), Văn Thánh Miếu (Vĩnh Long), Ao Bà Om (Trà Vinh).
Trần Linh