Tuyên Quang là mảnh đất giàu tiềm năng, thế mạnh về du lịch. Các sản phẩm du lịch nổi trội của tỉnh là du lịch lịch sử, văn hóa du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch lễ hội, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng. Những năm qua, tỉnh ta đã chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Du khách Chu Đình Cúc, quận Cầu Giấy - Hà Nội, đến du lịch tại thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) phấn khởi chia sẻ, được bạn bè giới thiệu, anh đã quyết định cùng gia đình đến với du lịch homestay ở đây. Được tham quan phong cảnh, tìm hiểu cuộc sống, nét sinh hoạt của người dân nơi đây, đặc biệt là được trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm, đánh đàn Tính, nghe hát Then, anh cảm thấy rất thú vị. Các thành viên trong gia đình anh còn được bà con nơi đây cho mặc thử trang phục truyền thống của dân tộc Tày, ăn các món ăn đặc trưng… Đây thực sự là một kỷ niệm đáng nhớ, giúp gia đình anh hiểu thêm về cuộc sống của người dân vùng cao.
Việc xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng, trong đó điểm nhấn là loại hình du lịch homestay đã được tỉnh ta tập trung quy hoạch, xây dựng. Mặc dù còn mới mẻ, nhưng tỉnh ta đã khai thác, tạo thành dịch vụ du lịch “ăn khách”, thu hút đông đảo du khách trong, ngoài tỉnh và cả khách nước ngoài, từ đó mang lại nguồn thu cho địa phương, nhất là cho người dân bản địa. Hiện toàn tỉnh có điểm du lịch cộng đồng Tân Lập (xã Tân Trào, huyện Sơn Dương); 4 điểm du lịch cộng đồng tại huyện Lâm Bình, là thôn Nà Tông, thôn Nà Đông (xã Thượng Lâm), thôn Nà Muông (xã Khuôn Hà) và thôn Nặm Đíp (xã Lăng Can). Các làng văn hóa du lịch đều có điểm chung là có đông đồng bào dân tộc sinh sống với những mái nhà sàn truyền thống, phong tục, tập quán được bảo tồn. Tại đây, du khách được tham gia, tìm hiểu, học hỏi, trải nghiệm một số hoạt động của người dân bản địa.
Theo anh Hoàng Văn Thức, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lâm Bình, huyện đã tổ chức cho các hộ đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng tại tỉnh Hà Giang; chú trọng tuyên truyền các hộ dân giữ nguyên hiện trạng, cảnh quan, kiến trúc, trang phục truyền thống, tạo không gian văn hóa đậm đà bản sắc. Cùng với việc khôi phục nghề trồng bông, dệt vải, các hộ dân còn hướng dẫn khách du lịch tham gia trải nghiệm dệt thổ cẩm. Ngoài ra, mỗi thôn, bản thành lập từ 1 - 2 đội, câu lạc bộ văn nghệ tổ chức tập luyện, biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, các trò chơi dân gian truyền thống... Qua đó, các đội, câu lạc bộ văn nghệ đã góp phần giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc đến với du khách thập phương.
Lễ hội vốn là một thế mạnh của du lịch tỉnh ta và được nhìn nhận như một “bảo tàng sống” về đời sống dân cư văn hóa bản địa. Hiện toàn tỉnh có 43 lễ hội, trong đó có 24 lễ hội dân gian, 2 lễ hội lịch sử cách mạng, 13 lễ hội tôn giáo và 4 lễ hội văn hóa du lịch. Trong số này có nhiều lễ hội văn hóa truyền thống mang bản sắc riêng. Một số lễ hội cấp làng, xã nhưng có sức lan tỏa lớn, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Từ năm 2013, Nghi lễ Then và Lễ hội Lồng tông của người Tày được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và trở thành điểm nhấn trong việc thu hút khách du lịch tại các địa phương.
Đồng chí Nguyễn Thu Hà, Trưởng phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, chủ trương phát triển văn hóa gắn với du lịch được tỉnh ta chú trọng. Tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2020 của UBND tỉnh; Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống làng văn hóa Giếng Tanh gắn với phát triển du lịch bền vững; Bảo tồn, phục dựng và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 huyện Lâm Bình... Qua đó, đã chú trọng công tác sưu tầm, khôi phục và bảo tồn, giữ gìn văn hóa vật thể, phi vật thể, những phong tục tập quán đặc sắc của đồng bào các dân tộc như tiếng nói, làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, trang phục truyền thống, lễ hội, trò chơi dân gian, nhà sàn... Đồng thời, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới xin, ma chay, lễ hội.
Để bản sắc văn hóa các dân tộc được phát triển và trường tồn, ngoài những nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền thì chính người dân cần tự nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Qua đó, thu hút khách du lịch đến tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm nét đẹp văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Dương Châu