1. Thực trạng và Định hướng phát triển du lịch ở Việt Nam
Du lịch thế giới phát triển mạnh và trở thành ngành kinh tế quan trọng của nhiều nước.
Năm 2010 dự báo thế giới có trên 1 tỷ người đi du lịch. Du lịch đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống dân cư và trong xã hội và là một trong những ngành kinh tế phát triển nhất trên thế giới.
Nhu cầu của khách du lịch ngày càng cao và ngày càng quan tâm tới điều kiện về an toàn và sức khỏe, xu hướng du khách chỉ chọn những điểm đến, những cơ sở dịch vụ du lịch quan tâm đến bảo vệ môi trường. Chỉ những nơi môi trường xanh - sạch - đẹp với những sản phẩm an toàn mới có thể có sức cạnh tranh thu hút khách và từ đó các doanh nghiệp du lịch, cộng đồng dân cư địa phương mới có thể thu lợi từ du lịch. Hiện nay, do quá trình công nghiệp hóa, dân số ngày càng tăng, vấn đề đô thị hóa và nạn xây dựng tràn lan không theo quy hoạch, kế hoạch dẫn tới việc khai thác và sử dụng quá mức làm cạn kiệt tài nguyên, gia tăng các chất thải và khí thải, nước thải, tiếng ồn làm ô nhiễm và xuống cấp môi trường ảnh hưởng tới sức khoẻ của cả cộng đồng dân cư.
Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp bách không chỉ của ngành du lịch mà của các cấp, các ngành, toàn xã hội, của các quốc gia để phát triển du lịch bền vững, nâng cao đời sống xã hội của từng địa phương, từng ngành và của từng người dân sống trong xã hội.
Thực trạng du lịch Việt Nam:
Ở nước ta, nhờ thực hiện đường lối đổi mới về kinh tế, trong những năm gần đây, ngành du lịch Việt nam đã khởi sắc và ngày càng có tác động tích cực đến đời sống kinh tế xã hội của đất nước. Số doanh nghiệp du lịch tăng đặc biệt là hệ thống cơ sở lưu trú du lịch với sự góp mặt của nhiều thành phần kinh tế đã phát huy được hiệu quả tích cực góp phần vào sự phát triển chung của ngành du lịch.
Trong những năm qua, lượng khách du lịch (bao gồm của khách quốc tế và nội địa) tăng không ngừng từ 250.000 khách quốc tế năm 1990 lên 3,58 triệu lượt khách vào năm 2006. Thu nhập từ du lịch năm 1990 đạt 13 ngàn tỷ đồng, đến năm 2006, thu nhập từ du lịch đạt 51 nghìn tỷ đồng.
Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ngày càng phát triển và đa dạng các loại hình. Đến nay, cả nước có 8.556 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 170.551 buồng, tăng 25 lần so với năm 1990 với tốc độ tăng trưởng bình quân là 12,6%/năm (trong khi đó trên phạm vi toàn thế giới tốc độ tăng cơ sở lưu trú du lịch bình quân 3% ).
Cùng với sự phát triển về số lượng, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam đã có những chuyển biến mạnh về chất lượng. Đến nay, cả nước đã có tổng số 4.283 cơ sở lưu trú du lịch được xếp từ hạng đạt tiêu chuẩn kinh doanh LTDL đến hạng 5 sao, cụ thể: 25 khách sạn 5 sao với 7.167 buồng, 69 khách sạn 4 sao với 8.800 buồng, 144 khách sạn 3 sao với 10.307 buồng, 590 khách sạn 2 sao với 24.041 buồng, 632 khách sạn 1 sao với 16.976 buồng và 2.830 khách sạn đạt tiêu chuẩn tối thiểu với 42.697 buồng.
Toàn ngành du lịch hiện có 230.000 lao động trực tiếp trong đó lao động làm việc trong trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch là 120.000.
Định hướng phát triển của du lịch Việt Nam:
Nhận thức được tầm quan trọng của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà Nước đã xác định: “...phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở khai thác có hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hoá lịch sử, huy động tối đa nguồn lực trong nước và tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ quốc tế, góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Từng bước đưa nước ta trở thành một trung tâm du lịch có tầm cỡ của khu vực, phấn đấu sau năm 2010 du lịch Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có ngành du lịch phát triển trong khu vực…”
Về mục tiêu, phấn đấu năm 2010: Khách du lịch quốc tế vào Việt Nam du lịch từ 5,5 đến 6 triệu lượt người, khách du lịch nội địa từ 25 đến 26 triệu lượt người, thu nhập du lịch đạt 4 đến 4,5 tỷ USD, tạo công ăn việc làm cho khoảng 2 triệu người, tốc độ tăng trưởng GDP của ngành du lịch bình quân thời kỳ 2001 - 2010 đạt 11 - 11,5%/ năm.
2. Yêu cầu bảo vệ môi trường để phát triển du lịch bền vững
Khái niệm về phát triển du lịch bền vững:
Ngay từ thập kỷ 1980, nhận thức được nguy cơ suy thoái môi trường, mất cân bằng xã hội trong quá trình phát triển kinh tế, Hội nghị của ủy ban thế giới về phát triển và môi trường (WCED) đã đưa ra khái niệm về “phát triển bền vững”. Khái niệm này mới chỉ xem xét phát triển bền vững từ góc độ kinh tế nên tại Hội nghị thượng đỉnh về Trái đất tại Rio, chương trình nghị sự 21 đã bổ sung khái niệm phát triển bền vững. Theo đó, phát triển bền vững được hình thành trong sự hòa nhập, xen cài và thỏa hiệp của 3 hệ thống tương tác là hệ tự nhiên, hệ kinh tế và hệ văn hóa - xã hội.
Dựa trên những nguyên tắc phát triển bền vững, Hội đồng Lữ hành Du lịch thế giới (WTTC), Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Trái đất (Earth Council) xây dựng Chương trình Nghị sự 21 với 10 nguyên tắc hướng tới “phát triển du lịch bền vững”. Khái niệm phát triển du lịch bền vững trong du lịch được hiểu là “hoạt động khai thác có quản lý các giá trị tự nhiên và nhân văn nhằm thỏa mãn các nhu cầu đa dạng của khách du lịch, có quan tâm tới các lợi ích kinh tế trong dài hạn trong khi vẫn đảm bảo sự đóng góp cho bảo tồn các nguồn tài nguyên du lịch, duy trì được sự toàn vẹn về văn hóa để phát triển du lịch trong tương lai; cho công tác bảo vệ môi trường và góp phần nâng cao mức sống của cộng đồng dân cư địa phương”.
Quan điểm bảo vệ môi trường trong Luật Du lịch:
Trong Luật du lịch đã xác định môi trường bao gồm “môi trường tự nhiên và môi trường xã hội nhân văn nơi diễn ra các hoạt động du lịch” (Khoản 21 Điều 4). Đây có thể coi là căn cứ quan trọng để thúc đẩy các nỗ lực về bảo vệ môi trường một cách hiệu quả.
Điều 9 Luật Du lịch đặt ra yêu cầu đối với công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch, đó là “môi trường tự nhiên, môi trường xã hội nhân văn cần được bảo vệ tôn tạo và phát triển nhằm bảo đảm môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, lành mạnh và văn minh”.
Về trách nhiệm của cơ quan Nhà nước liên quan, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình “ban hành các quy định nhằm bảo vệ, tôn tạo và phát triển môi trường du lịch”. Theo quy định này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành những quy định để bảo vệ môi trường du lịch ở khía cạnh tự nhiên, ngăn ngừa và khắc phục các hiện tượng ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, sự cố môi trường trong lĩnh vực du lịch, bảo vệ cảnh quan nơi diễn ra hoạt động du lịch; Bộ Công an có những quy định nhằm đảm bảo an ninh, trật tự trong hoạt động du lịch; Bộ Văn hóa-Thông tin quy định về việc giữ gìn nếp sống văn minh trong ứng xử đối với khách du lịch, bảo vệ các thuần phong mỹ tục…Tuy nhiên, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành liên quan để bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch mới đạt được hiệu quả như mong muốn.
Đối với UBND các cấp, khoản 3 Điều 9 Luật DL quy định “UBND cần có biện pháp để bảo vệ, tôn tạo và phát triển môi trường du lịch phù hợp với thực tế của địa phương”. Theo đó, UBND từ cấp tỉnh, huyện, xã đều có trách nhiệm đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp cụ thể bảo vệ môi trường du lịch trên địa bàn của mình.
Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, khoản 4 Điều 9 quy định các tổ chức, cá nhân này “có trách nhiệm thu gom, xử lý các loại chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh; khắc phục tác động tiêu cực do hoạt động của mình gây ra đối với môi trường; có biện pháp phòng, chống tệ nạn xã hội trong cơ sở kinh doanh của mình”. Với quy định này, Luật Du lịch đã đề cao vai trò của các chủ thể kinh doanh trong bảo vệ môi trường du lịch. Các chủ thể này phải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong phạm vi cơ sở kinh doanh của mình (thu gom, xử lý các loại chất thải phát sinh), đồng thời chịu trách nhiệm về những hậu quả đối với môi trường mà hoạt động kinh doanh du lịch gây ra.
Khoản 5 Điều 9 Luật Du lịch quy định về trách nhiệm bảo vệ môi trường của khách du lịch, cộng đồng dân cư địa phương và các tổ chức, cá nhân khác:“bảo vệ và gìn giữ cảnh quan, môi trường, bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc; có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự nhằm nâng cao hình ảnh đất nước, con người và du lịch Việt Nam”. Điều này cũng có nghĩa là môi trường du lịch chịu tác động bởi hành vi của rất nhiều chủ thể, kể cả các chủ thể hoạt động trong lĩnh vực du lịch và các chủ thể không trực tiếp tham gia hoạt động du lịch. Vì vậy, môi trường du lịch chỉ có thể được bảo vệ một cách hữu hiệu khi tất cả các chủ thể liên quan đều thực hiện tốt trách nhiệm của mình.
Nhiệm vụ bảo vệ môi trường của ngành du lịch:
Theo chiến lược phát triển du lịch Việt Nam 2001 -2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định: “Phát triển du lịch bền vững, theo định hướng du lịch văn hóa-lịch sử và du lịch sinh thái, đảm bảo sự tăng trưởng liên tục, góp phần tích cực trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội, bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới”. Trong thời gian sắp tới, những hoạt động cần tiến hành để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong ngành du lịch gồm:
Một là, tăng cường phổ biến thông tin về nâng cao nhận thức, ý thức, kiến thức bảo vệ môi trường du lịch tại các điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch;
Hai là, giáo dục cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường du lịch từ đó hướng dẫn khách du lịch tham gia bảo vệ môi trường;
Ba là, áp dụng những biện pháp, kinh nghiệm hay của quốc tế trong bảo vệ môi trường du lịch;
Bốn là, tăng cường quản lý công tác bảo vệ môi trường thông qua kiểm tra, hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn. Đối với hệ thống khách sạn Việt Nam, Tổng cục Du lịch sẽ tiến hành xây dựng tiêu chuẩn và thực hiện cấp nhãn sinh thái, giúp hướng dẫn quản lý công tác bảo vệ môi trường trong cơ sở lưu trú du lịch, phù hợp với nhu cầu và xu hướng quốc tế;
Năm là, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Tổng cục Du lịch, UBND các cấp, các bộ ngành hữu quan để thực hiện kế hoạch và quản lý môi trường du lịch; nâng cao chất lượng môi trường nhằm phát triển du lịch bền vững;
Sáu là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm duy trì nề nếp trong công tác bảo vệ môi trường, kịp thời động viên, khen thưởng những đơn vị thực hiện tốt để khuyến khích, nhân rộng.
Như vậy, để phát triển du lịch bền vững cần phải có chiến lược và quy hoạch phù hợp với kế hoạch và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, phù hợp với xu hướng phát triển du lịch quốc tế, phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ tài nguyên môi trường (tự nhiên và nhân văn), có sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội của địa phương, của quốc gia và mỗi người dân sống trong xã hội.
Kết luận: Bảo vệ môi trường không chỉ là nhiệm vụ cấp bách của mỗi quốc gia, của các cấp, các ngành mà là trách nhiệm của mỗi người dân nhằm chống xuống cấp, nâng cao chất lượng môi trường, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân sống trong xã hội và phát triển bền vững ngành du lịch.