Bộ TN&MT vừa phát động “Tháng Hành động vì môi trường năm 2018” trên phạm vi cả nước nhằm tập trung các nguồn lực để thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường với quy mô lớn để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường tại các điểm nóng, tăng cường xây dựng các công trình, thực hiện các chương trình quy mô lớn về bảo vệ môi trường...
Người dân tham gia dọn vệ sinh bãi biển hưởng ứng “Tháng hành động vì môi trường 2018”. Ảnh: MH
Kết nối vì môi trường
Những năm qua,“Tháng Hành động vì môi trường” đã thu hút cũng như tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, cộng đồng, doanh nghiệp, qua đó, đã có sự thay đổi tích cực trong việc tổ chức các hoạt động cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường tại các địa phương; nhiều điểm nóng về môi trường được xác định và xử lý bước đầu; lực lượng quần chúng nhân dân tham gia vào công tác bảo vệ môi trường tăng đáng kể.
Nhìn lại sự kiện “Tháng Hành động vì môi trường” năm 2017 đã nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cũng như sự tham gia tích cực của các Bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, cộng đồng, doanh nghiệp và thu được nhiều kết quả tích cực về công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng thể hiện rõ trong việc vận động, khuyến khích người dân tham gia trực tiếp vào các hoạt động bảo vệ môi trường.
Tổng hợp kết quả thu được trong và sau Lễ phát động “Tháng Hành động vì môi trường” cho thấy, ý thức, sự quan tâm của quần chúng nhân dân về bảo vệ môi trường ngày càng được nâng cao.
Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, kết thúc “Tháng Hành động vì môi trường” năm 2017, Bộ TN&MT đã nhận được gần 3,5 triệu người dân Việt Nam tham gia trực tiếp vào các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ biển và hải đảo thông qua 43 báo cáo kết quả thực hiện “Tháng Hành động vì môi trường” năm 2017 của các Bộ, ban, ngành, địa phương, Tổ chức Chính trị - Xã hội, Tập đoàn, Tổng công ty, trong đó, có báo cáo của: 29 địa phương, 6 Tổng công ty, tập đoàn, 7 Bộ, ngành, 1 Tổ chức chính trị - xã hội.
Cơ hội thay đổi nhận thức môi trường
Bảo vệ môi trường nói chung, chống ô nhiễm nhựa và túi nilon nói riêng luôn được xác định là chủ trương, chính sách lớn, nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Ngày 11/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 582 phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020.
Mới đây, ngày 7/5/2018,Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 491 Phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, có mục tiêu về quản lý chất thải nhựa và túi nilon. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, Việt Nam đã đạt được một số kết quả quan trọng, song chúng ta cũng đang đối mặt với nhiều thách thức về kiểm soát ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa và túi nilon.
Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới với Chủ đề: “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”, Tháng Hành động vì môi trường 2018 là cơ hội để Việt Nam khẳng định quyết tâm, hành động, thay đổi nhận thức để ngăn chặn, đẩy lùi ô nhiễm chất thải nhựa và túi nilon; hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững; thay thế từng bước việc sử dụng túi nilon khó phân hủy bằng sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường trong đời sống sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững.
Cụ thể, cơ quan quản lý Nhà nước các cấp cần quán triệt, thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người; xây dựng các biện pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu phát sinh, giảm sử dụng, tái sử dụng chất thải nhựa trong sinh hoạt hàng ngày đến từng cộng đồng và người dân.
Tạo ra các phong trào có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như Chiến dịch "Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần", “Không sử dụng túi nilon khó phân hủy trong cuộc sống hàng ngày”; tổ chức các đợt raquân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải; thực hiện các hoạt động thu gom và tái chế chất thải nhựa, túi nilon tại các Chợ, Siêu thị, Trung tâm thương mại, các khu dân cư và vùng ven biển… nhằm khuyến khích người tiêu dùng cắt giảm tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa và túi nilon.
Tăng cường vai trò, sự chủ động, tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, cộng đồng dân cư trong hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc thải bỏ chất thải nhựa và túi nilon ra môi trường.
Khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường để thay thế túi nilon khó phân hủy trong cuộc sống hàng ngày; đồng thời, triển khai các giải pháp quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm hạn chế, tiến tới không sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt hàng ngày.
Chúng ta kỳ vọng rằng, với những định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước; sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự chung tay hành động của mỗi người dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự hỗ trợ tích cực từ cáctổ chức quốc tế; Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành tựu về bảo vệ môi trường nói chung và giải quyết ô nhiễm chất thải nhựa, túi nilon nói riêng; góp phần giữ gìn hành tinh xanh của nhân loại và sự phát triển bền vững của đất nước.
Địa Hải