Môi trường du lịch Huế trong thời gian qua đang trở nên xấu hơn trong mắt du khách, khi nạn “chặt chém”, nâng giá khiến nhiều người đến tham quan Cố đô tỏ ra khó chịu, bức xúc...
.
Giá xích lô “trên trời”
Theo tìm hiểu thì hiện nay, trên địa bàn TP. Huế có hơn 2.000 xích lô hoạt động, trong đó lực lượng tham gia Nghiệp đoàn xích lô - xe thồ chỉ khoảng hơn 350 chiếc, một số ít xích lô do các đơn vị du lịch khai thác.
Khi đến với Huế, du khách tỏ ra hào hứng khi tiếp xúc với xe xích lô, đi thong dong trên các tuyến phố đầy cây xanh để ngắm nhìn cảnh đẹp đất kinh kỳ. Tuy nhiên, hình ảnh thú vị này đang bị một số người lái xe xích lô “trục lợi”.
Một người hoạt động trong ngành du lịch Huế kể lại, thời gian vừa qua có nhiều vụ việc liên quan đến “chặt chém” giá cả du khách khi đi xích lô. Cụ thể, có 2 du khách nước ngoài khi đang đi bộ từ khu phố Tây đường Phạm Ngũ Lão trở về khách sạn Indochina (đường Hùng Vương, TP. Huế) thì được một xe xích lô đến mời...
Lái xe này nói cả ngày không có khách, bảo về đến nơi thích “cho” bao nhiêu cũng được. Hai du khách lên xe và khi đến sân khách sạn, lái xe xích lô đòi 800.000 đồng. Biết mình bị lừa, nhưng vì khu vực dừng xe không có bảo vệ, lo sợ có chuyện không hay nên hai vị khách đành phải trả tiền để đi nhanh.
Gần đây nhất là vào cuối tháng 5; hai vợ chồng du khách Helena Phan Nguyen và Tony Nguyễn (Việt kiều có quốc tịch Mỹ) đang đi bộ trên đường Nguyễn Thái Học (TP. Huế) để về khách sạn Eldora (đường Bến Nghé). Lúc này, một lái xe xích lô nam đến ngỏ lời chở đi tham quan về đêm.
Chiếc xích lô “chặt chém” mà 2 du khách Việt kiều chụp lại và báo cho cơ quan chức năng
Sau một chút lưỡng lự, cặp vợ chồng du khách đồng ý. Lái xe xích lô chở 2 người di chuyển tới đường Lê Duẩn, sau đó tới đường Lê Huân rồi vòng về cầu Tràng Tiền để về khách sạn.
Đến nơi, lái xe xích lô thông báo đã đi quảng đường từ 5-6km trong một giờ đồng hồ và yêu cầu 2 du khách thanh toán 1,5 triệu đồng. Do không thống nhất mức giá phải trả từ trước nên 2 du khách đành phải thanh toán đủ số tiền yêu cầu. Bức xúc với mức giá phải trả quá cao, đôi vợ chồng du khách này đã chụp lại hình ảnh lái xe và đi đến Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế để phản ánh vụ việc.
Gần một tuần sau, công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tìm ra lái xe xích lô “chặt chém” du khách là ông Tống Anh Thạnh (trú phường Phú Hậu, TP. Huế). Ông Thạnh khai nhận vào tối 31/5 có chở hai du khách và yêu cầu khách phải trả 1,5 triệu đồng. Theo đề nghị của hai du khách, lực lượng chức năng đã yêu cầu ông Thạnh trả lại số tiền 1 triệu đồng cho khách, 500.000 đồng còn lại được tính vào khoản tiền công cho ông này.
Ngoài ra, Thanh tra Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1 triệu đồng đối với ông Thạnh do lỗi “chèo kéo, ép buộc du khách mua hàng, dịch vụ” được quy định tại điểm a, Khoản 1 Điều 148/2013NĐ-CP.
“Vừa rồi khi tôi gọi xe đi từ khu di sản Huế về khách sạn khoảng 2 km thì được thông báo giá 200 ngàn đồng nhưng đến nơi thì lái xe đòi gấp đôi, tôi không hiểu tại sao lại thế và phải trả phí...”- anh M, một du khách bức xúc chia sẻ.
Chợ Đông Ba luôn xảy ra tình trạng móc túi, hét giá...
Móc túi, hét giá... tại chợ
Trong khi đó, tại chợ Đông Ba (đường Trần Hưng Đạo, phường Phú Hòa, TP. Huế)- ngôi chợ lớn nhất Huế vẫn tồn tại nạn hét giá, chặt chém và móc túi...
Anh Thân Nghĩa - một hướng dẫn viên du lịch tại Huế chia sẻ, mỗi khi dẫn khách đến chợ Đông Ba, tôi thường phải dặn trước với họ 2 vấn đề, thứ nhất là mua hàng thì giá phải trả xuống còn một nửa; thứ hai là bảo quản tài sản, túi xách để không bị móc túi.
“Người Huế thỉnh thoảng mới đi chợ Đông Ba cũng bị chém chứ đừng nói chi là khách du lịch ở địa phương khác đến, tôi đã bị mấy lần rồi...”, một người dân nói.
Thượng úy Trần Anh Tuấn - Phó trưởng Công an phường Phú Hòa cho biết, tình hình móc túi và trộm cắp ở chợ Đông Ba đã giảm hơn so với những năm trước đây. Trong năm 2017 vừa qua, công an phường đã phát hiện và chuyển 3 vụ mc túi diễn ra trong chợ lên công an TP. Huế thụ lý và đã khởi tố hình sự.
“Với những đối tượng có tiền án, tiền sự trên địa bàn, chúng tôi luôn theo dõi quản lý nên hạn chế việc tái phạm. Còn các vụ trộm cắp ở chợ Đông Ba thời gian qua là do các đối tượng ở địa phương khác gây ra”- Thượng úy Tuấn nói.
Bảng thông tin các đối tượng chuyên móc túi
được Công an phường Phú Hòa dán tại trụ sở - đối diện chợ Đông Ba
Theo Công an phường Phú Hòa, cũng có thể các du khách bị móc túi nhưng do họ không trình báo nên cơ quan công an cũng không có thông tin để điều tra, xử lý. “Chúng tôi mong muốn du khách đến chợ Đông Ba mà bị trộm cắp tài sản thì cần trình báo để cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, nhằm xây dựng hình ảnh môi trường du lịch Huế an toàn- thân thiện...”- Thượng úy Tuấn nhấn mạnh.
Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin rằng trong năm 2017 vừa qua, cơ quan này đã kiểm tra và xử lý 410 vụ liên quan đến niêm yết giá tại chợ Đông Ba và một số chợ lớn trên địa bàn TP. Huế; xử phạt hơn 221 triệu đồng.
Theo ông Lê Hữu Minh - Quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, lực lượng chuyên trách của ngành rất khó để xử lý những vụ việc như chặt chém, móc túi ở chợ Đông Ba hay xích lô lừa, mà chỉ vào cuộc khi có thông tin từ du khách để nắm vấn đề và phối hợp để các cơ quan chuyên môn của mỗi lĩnh vực xử lý.
“Việc xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện không chỉ riêng của ngành du lịch mà cần nhất là những chính quyền địa phương cấp cơ sở. Khi họ vào cuộc thì những tệ nạn như chèo kéo, chặt chém, lừa đảo... mới được xử lý và giải quyết. Chúng tôi cũng luôn tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ tiểu thương và xích lô - xe thồ phục vụ du lịch. Qua đó, tuyên truyền để những người này phục vụ tốt hơn cho khách du lịch...”- ông Minh trình bày.
Văn Dinh