Truyền thông xã hội biến đổi du lịch

Cập nhật: 26/06/2018
Du lịch lấy cảm hứng từ mạng xã hội đã trở nên phổ biến, bởi vì nó tiết kiệm thời gian và giảm nhiều rủi ro cho du khách khi tìm kiếm thông tin và lên kế hoạch.

Hình ảnh một Đà Lạt ngập rác đã được truyền thông phản ánh, giúp thành phố có phương án xử lý

Thời đại công nghệ khiến cho những dự định đi du lịch trở nên dễ dàng và thuận lợi. Không như nhiều năm trước, thông tin điểm đến, cơ sở dịch vụ, giá cả người đi du lịch phải rất vất vả hoặc chỉ hình dung trước bằng những lời giới thiệu đơn giản qua điện thoại. Ngày nay, ai muốn đi du lịch chỉ cần vào mạng xã hội để xác định, đánh giá và lựa chọn điểm du lịch, ở đây cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin từ hình ảnh, video, bình luận, blog... cho sự lựa chọn điểm đến của mình.

Trong khi một số công ty vẫn đang loay hoay thay đổi cách thức giao tiếp, một số khác tiến bộ hơn đã bắt đầu tận dụng mạng xã hội để tìm kiếm khách hàng. Dựa trên công cụ tìm kiếm được cung cấp sẵn từ mạng xã hội, cùng với chiến lược cụ thể, các công ty có thể dễ dàng xây dựng mối liên kết với nhóm người có nhu cầu du lịch. Cùng thảo luận ý tưởng, lên kế hoạch cho chuyến du lịch với khách hàng là một cách tiếp cận nhanh nhất đến thành quả tiếp thị công việc, sản phẩm.

Theo từng năm, nhu cầu tương tác qua mạng xã hội của khách du lịch ngày càng tăng. Ngày nay, nhóm khách hàng trẻ luôn đòi hỏi những yêu cầu, thắc mắc của họ phải được các hãng hàng không, công ty du lịch, nơi lưu trú… trả lời và giải quyết nhanh chóng, thông qua mạng xã hội. Điều này sẽ làm thay đổi hoàn toàn chiến lược chăm sóc khách hàng của toàn bộ ngành du lịch.

Như mới đây, du khách Lynne Ryan (quốc tịch Úc) đã chia sẻ lên mạng xã hội Facebook về trải nghiệm tham quan, ngủ đêm trên vịnh Hạ Long mà khách gọi là chuyến đi “kinh dị”. Ngay khi thông tin được lan truyền, gần như ngay lập tức từ chính quyền địa phương đến cấp bộ vào cuộc. Lời xin lỗi được gửi đến bà Lynne Ryan, đồng thời mong bà sớm quay lại Việt Nam. “Cách xử lý vấn đề nhanh, hợp cả tình và lý của cơ quan chức năng Việt Nam như vậy sẽ khiến những du khách còn e dè thêm phần tự tin để đến Việt Nam”, một du khách bình luận trên Facebook.

Theo nhiều chuyên gia trong ngành dịch vụ, mạng xã hội sẽ là tương lai của ngành du lịch. “Hiện nay, chỉ một thông tin rất nhỏ cũng có thể lan tỏa cực nhanh, từ đó khiến lãnh đạo của đơn vị kinh doanh dịch vụ nào đó, hoặc lãnh đạo ngành du lịch phải chú ý và giải quyết ngay. Nhiều tỉnh thành cũng áp dụng phương pháp quản lý du lịch qua Facebook như Đà Nẵng, Khánh Hòa và họ làm khá hiệu quả, du khách có nhiều đánh giá tích cực”, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Nha Trang – Khánh Hòa nói.

Rõ ràng, không thể từ chối lợi ích của công nghệ đối với ngành du lịch, tuy nhiên để hiệu quả thực sự thì bản thân những người làm du lịch, dịch vụ phải tự thân thay đổi. Ngoài ra, cũng cần những quy định chặt chẽ hơn để cái mang ra quảng bá không quá xa rời thực tế, rồi nhận lại những phản hồi không tích cực từ du khách qua mạng xã hội. 

LÊ XUÂN

Nguồn: baovanhoa.vn