GEF 6: Tìm giải pháp cân bằng giữa sản xuất với môi trường sinh thái

Cập nhật: 27/06/2018
Vấn đề cải thiện sinh kế của người dân, cân bằng giữa nhu cầu lương thực và khai thác, sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, đảm bảo môi trường sinh thái... được các đại biểu quan tâm tại Kỳ họp thứ sáu Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu (GEF 6) đang diễn ra tại Đà Nẵng.

 

Khai thác bền vững là mong ước và cũng là trăn trở của nhiều người dân sống dựa vào tài nguyên rừng, biển, đất... Dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái sẵn có và nguồn lực con người tại địa phương, giải pháp khai thác các nguồn lực tự nhiên một cách bền vững cũng sẽ là sinh kế bền vững và bảo đảm chất lượng môi trường sống.

Theo tìm hiểu, hiện một số dự án do GEF và các đối tác của GEF tài trợ được thực hiện tại Việt Nam và các nước đang phát triển đã và đang góp phần hướng đến khai thác, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp bền vững, bảo đảm môi trường sinh thái...

Trong đó, Ban Điều hành Quỹ môi trường toàn cầu tại Việt Nam (GEF- SGP) đã xây dựng Đề án “Bảo tồn văn hóa đồng bào Cơ tu gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng” tại xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng).

Đề án tiến hành tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc) trong hai năm 2017- 2018, với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng góp phần bảo vệ đa dạng sinh học vùng đệm của khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa và Vườn Quốc gia Bạch Mã kết hợp bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc Cơ Tu, hướng tới phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.

Tại GEF 6 đang diễn ra, cây chè dây do đồng bào dân tộc Cơ tu ở 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí khai thác đã được mang đến giới thiệu.

Người dân thôn Tà Lang phản ánh rằng trước đây cây chè dây mọc nhiều trên các cánh rừng, nhưng do bị chặt, khai thác nhiều nên thời gian gần đây ít có cây mọc gần nhà, phải đi vào rừng sâu mới chặt được chè dây đem về. Loại chè này dùng làm dược liệu và thực phẩm chức năng với công dụng hàng đầu là giúp cắt cơn đau do loét dạ dày, hành tá tràng nhanh; làm liền vết loét dạ dày, hành tá tràng; làm sạch vi khuẩn HP...

“Xã mới vừa ra mắt nhãn hiệu hàng hóa chè dây Hòa Bắc nhờ chương trình UNDP/GEF SGP tài trợ. Hiện nay, chè dây Hòa Bắc đang được nhiều khách mua về uống để chữa bệnh, tăng cường sức khỏe. Người dân mong tiếp tục được quan tâm quảng bá sản phẩm chè dây Hòa Bắc và được hướng dẫn kỹ thuật trồng cây chè dây ở trong vườn nhà, rừng trồng để khai thác và sản xuất lâu dài, bền vững...”, bà Lê Thị Thu Hà- Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc vui vẻ nói.
 

Vấn đề cải thiện sinh kế, cân bằng giữa nhu cầu lương thực và khai thác,
sản xuất, đảm bảo môi trường sinh thái... được các đại biểu GEF 6 rất quan tâm


Tham gia GEF 6, ông Ralph Sims- thành viên Hội đồng tư vấn khoa học và kỹ thuật thuộc GEF lưu ý, các nước đang phát triển cần coi trọng việc cân bằng giữa nhu cầu lương thực ngày càng tăng và bảo đảm môi trường bền vững. Vì vậy, cần phải có phương pháp sử dụng đất hiệu quả, để mở rộng quy mô sản xuất, thúc đẩy phát triển bền vững.

Trong khi đó, ông Christopher Paterson- Trưởng dự án “Ngăn ngừa suy thoái môi trường Biển Đông và Vịnh Thái Lan” thuộc Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) nhận định rằng, chất lượng môi trường góp phần quan trọng vào an ninh của loài người và sự phát triển bền vững.

“Hiện có hơn 300 triệu người đang sống ở khu vực ven Biển Đông và là những người chịu nguy cơ cao nhất từ sự suy thoái môi trường biển và bờ biển mà nguyên nhân chính của sự suy thoái chính là việc khai thác cá quá mức. Tại Việt Nam, dự án tập trung thúc đẩy việc quản lý tốt môi trường, cải cách luật pháp và thể chế quốc gia để quản lý bền vững hệ sinh thái, lựa chọn phương án quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ...”, ông Paterson nói.

Trao đổi với PV, GS.TS Phạm Văn Điển- Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT thì cho rằng, cải thiện sinh kế cho người dân và cộng đồng gắn với bảo vệ và phát triển rừng không chỉ là mục tiêu, yêu cầu mà còn là giải pháp quan trọng trong chính sách, đường lối phát triển lâm nghiệp ở nước ta.

“Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng cao, nơi có gần 10% dân số là người nghèo và người dân tộc thiểu số sinh sống bên trong hoặc gần các khu rừng tự nhiên. Đó cũng là gợi mở để đề xuất chính sách về rừng sinh kế, rừng bảo tồn có khai thác, lâm nghiệp cộng đồng, lâm nghiệp môi trường và hợp tác công tư trong nông nghiệp...”, GS Điển chia sẻ.

Là một trong những cuộc họp toàn cầu quan trọng nhất về môi trường trong năm 2018, Kỳ họp lần thứ  sáu Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu đã và đang cho thấy tầm ảnh hưởng và tính hiệu quả của GEF, qua đó góp phần vào phát triển bền vững trên toàn thế giới, đồng thời bảo vệ các mục tiêu chung của toàn cầu...

Văn Dinh

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn