Hải Dương là tỉnh có lợi thế về phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh với nhiều di tích lịch sử văn hóa. Lượng khách du lịch đến Hải Dương ngày một tăng đồng nghĩa với việc môi trường bị tác động, đặt ra thách thức không nhỏ. Thực tiễn đó đặt ra cho Hải Dương cần đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển du lịch bền vững.
Du khách đốt lửa trại và xả rác gây mất mỹ quan tại khu vực núi Tam Ban, xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh
Sức ép từ sự phát triển du lịch
Hải Dương với trên 2.000 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, trong đó có 148 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 4 khu di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt. Trong những năm qua, cùng với việc làm tốt công tác bảo tồn di tích, danh lam thắng cảnh, Hải Dương đã từng bước quan tâm, đầu tư, cải tạo phát triển hạ tầng du lịch, góp phần phục vụ tốt nhu cầu tham quan, du lịch của du khách trong và ngoài nước. Theo ước tính 6 tháng đầu năm 2018 đã có hơn 1,8 triệu lượt du khách đến Hải Dương, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 710.000 lượt khách lưu trú, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2017, tổng thu từ du lịch ước đạt 910 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Sự tăng trưởng cao về lượng khách dẫn tới áp lực không nhỏ lên môi trường ở các khu di tích, danh thắng. Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc mỗi năm đón khoảng trên một triệu du khách tới tham quan, trong đó tập trung phần lớn vào hai mùa lễ hội mùa Xuân và mùa Thu. Việc lượng khách tới tham quan ngày một tăng kéo theo tình trạng xả rác bừa bãi gây mất mỹ quan. BQL khu di tích đã triển khai các biện pháp như tăng số lượng thùng đựng rác, tăng cường nhân viên dọn vệ sinh môi trường, ký hợp đồng với công ty môi trường thị xã Chí Linh nhưng vẫn khó có thể đảm bảo vệ sinh môi trường vào những ngày chính hội. Những năm gần đây, nhiều đoàn du khách, trong đó chủ yếu là các bạn trẻ đã chọn rừng phong thuộc núi Tam Ban, xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh để tổ chức dã ngoại, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rừng núi Thanh Mai. Một số đoàn còn cắm trại qua đêm, tổ chức ăn uống và xả rác bừa bãi gây ảnh hưởng xấu đến môi trường tự nhiên và cảnh quan khu vực nơi đây. Đảo cò Chi Lăng Nam được coi là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho Hải Dương. Với sự bảo vệ của chính quyền và người dân xã Chi Lăng Nam, số lượng và các loài cò, vạc về trú ngụ ngày một đông hơn. Ước tính đến thời điểm hiện tại có khoảng 15.000 cá thể trú ngụ thường xuyên và sinh sản tại hai đảo, trong đó có nhiều loài quý hiếm như bồ nông, mòng két, le le,... Tuy nhiên số lượng đàn cò ngày một đông nhưng lượng cây cối trên đảo không đủ đáp ứng dẫn tới cây cối không thể sinh trưởng kịp. Hơn nữa, hiện tượng xói mòn đất khiến diện tích ở hai đảo ngày càng bị thu hẹp hơn. Nhiều du khách khi tham quan đảo Cò tổ chức ăn uống và xả rác ngay trên mặt hồ gây ô nhiễm. Những sự việc trên tác động không nhỏ đến môi trường sống của loài cò, đe dọa nguy hiểm đến sự sinh tồn của đảo Cò trong tương lai.
Thanh niên tình nguyện thu gom rác thải tại khu vực đường vào di tích đền Kiếp Bạc
Phát triển bền vững du lịch Hải Dương
Nhận thức tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bên cạnh việc triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, sản phẩm nhằm tạo bước đột phá về phát triển du lịch thì Sở VHTTDL Hải Dương đã phối hợp triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đề cao việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của lãnh đạo địa phương, BQL các di tích, các doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Hằng năm, Sở VHTTDL Hải Dương tổ chức các hội nghị tuyên truyền về bảo vệ môi trường du lịch, tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ thuyết minh viên du lịch gắn liền với các nội dung bảo vệ môi trường du lịch, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức các đợt tuyên truyền, kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân tài trợ trang thiết bị vệ sinh môi trường cho các điểm du lịch, khu di tích, đồng thời triển khai các quy định về phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường tới từng địa phương, BQL các khu di tích.
Cùng với đó, các địa phương, BQL các di tích, khu di tích trên địa bàn tỉnh cũng xây dựng và triển khai các phương án để bảo vệ môi trường, mang lại vẻ đẹp cảnh quan, tạo ấn tượng tốt với du khách khi đến tham quan. Như tại đảo Cò Chi Lăng Nam, lãnh đạo địa phương đã tổ chức tạo thêm môi trường sống cho đàn cò như: trồng thêm tre ở các vùng lân cận, quây bèo chắn sóng để giảm thiểu tình trạng sạt lở, đồng thời yêu cầu các hộ dân xung quanh ký cam kết không xâm lấn, không xả thải trực tiếp xuống lòng hồ. BQL di tích cũng thành lập tổ thu gom rác, xây dựng quy chế yêu cầu người lái thuyền thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở du khách không xả rác xuống hồ hoặc gây ồn khiến cò hoảng sợ. BQL khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc cũng đề cao giải pháp tuyên truyền cho du khách bằng hệ thống loa phát thanh, các biển bảng cố định, đồng thời bố trí cán bộ theo dõi, kịp thời nhắc nhở những du khách có hành vi xả rác bừa bãi, yêu cầu bỏ rác đúng nơi quy định. Hiện khu di tích có khoảng 200 thùng đựng rác được bố trí hợp lý và hàng năm đều được bổ sung. BQL cũng tăng cường nhân lực và dụng cụ hỗ trợ cho công tác vệ sinh môi trường. Đặc biệt trong những ngày lễ hội, nhân lực phục vụ việc dọn vệ sinh môi trường được tăng gấp đôi và phối hợp với thanh niên tình nguyện của Tỉnh Đoàn tổ chức thu gom rác thải. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và vệ sinh môi trường trong vài năm gần đây đã không chỉ mang lại vẻ đẹp cho khu di tích mà còn nhận được sự hài lòng từ du khách. Tham quan Côn Sơn - Kiếp Bạc, chị Nguyễn Thùy Minh, du khách từ Hà Nội cho biết: “Tôi thấy việc giữ gìn vệ sinh môi trường ở đây được thực hiện rất tốt, hiếm thấy có rác thải trên đường đi. Bản thân tôi thường xuyên nhắc nhở các con phải bỏ rác đúng nơi quy định để rèn luyện cho các cháu thói quen tốt, có ý thức bảo vệ môi trường ngay từ nhỏ”.
Với những giải pháp cụ thể, môi trường du lịch Hải Dương nhiều năm gần đây đã có sự thay đổi tích cực, mang lại vẻ đẹp cho các điểm, khu du lịch, tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách khi đến với Hải Dương. Trong thời gian tới, ngành VHTTDL Hải Dương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường phối hợp với các ngành, các cấp và huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư để đảm bảo môi trường cho phát triển du lịch bền vững; các địa phương, BQL khu di tích chủ động đảm bảo các điểm thu gom, xử lý rác thải, nhà vệ sinh công cộng phục vụ nhu cầu của du khách; thực hiện nghiêm túc đánh giá tác động môi trường của các dự án phát triển du lịch và kiên quyết xử phạt nghiêm với các hộ kinh doanh, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.