Ngày 27/7, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản van hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững. Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã đưa ra 5 khuyến nghị nhằm thúc đẩy công tác quản lý Di sản Thế giới tại Việt Nam một cách hiệu quả.Báo Du lịch xin lược ghi các khuyến nghị này.
1. Đặt di sản thế giới vào trọng tâm của khuôn khổ Kế hoạch Phát triển bền vững.
Một nguyên tắc quan trọng trong phát triển bền vững là cách tiếp cận dựa trên quan hệ đối tác. Rõ ràng việc quản lý di sản thế giới liên quan tới nhiều đối tác không chỉ giới hạn trong lĩnh vực văn hóa. Vì vậy, cần có biện pháp thúc đẩy sự tham gia của các cơ quan quản lý và đối tác ngoài ngành văn hóa, giúp họ nhìn nhận đúng vai trò ngày càng tăng của công tác bảo tồn di sản, xét trên cả phương diện kinh tế và chính trị, đồng thời, giúp cho những đối tác này có thể đóng góp một cách hiệu quả trong hai lĩnh vực vừa nêu.
Cũng liên quan đến chủ đề này, công tác ra quyết định về bảo tồn và phát huy giá trị di sản muốn đạt hiệu quả thì không nên xé lẻ tùy thuộc thời điểm hay địa điểm; bảo tồn di sản chỉ thực sự có hiệu quả nếu như mối quan tâm của các bên liên quan được đặt trên cùng một bàn đối thoại với mục tiêu bao trùm là phát triển bền vững. Phương châm của Việt Nam “bảo tồn để phát triển” và “phát triển để bảo tồn” cũng cần được điều chỉnh thành “bảo tồn để phát triển bền vững” và “phát triển bền vững để bảo tồn”.
Theo Chính sách của UNESCO về di sản thế giới và Phát triển bền vững năm 2015 – một chính sách quốc tế mà Việt Nam đã góp phần xây dựng, một nguyên tắc cơ bản không đổi là: các mục tiêu và hoạt động phát triển không được làm mai một hay suy giảm các giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di sản. Với quan điểm này, các mục tiêu phát triển trong chiến lược, quy hoạch và kế hoạch tại các khu di sản thế giới cần được xây dựng với các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể đo lường được về phương diện chất lượng và tính bền vững, chứ không chỉ đơn thuần gói gọn trong các mục tiêu và chỉ tiêu về số lượng khách du lịch và doanh thu. Nếu tiếp tục đơn thuần dựa trên các mục tiêu và chỉ tiêu về doanh số và doanh thu, nguy cơ ở đây là việc phát triển một loạt các cơ sở hạ tầng để tăng lượt khách mà coi nhẹ việc đánh giá tác động với Khu Di sản và tác động tới văn hóa địa phương hay sức chịu tải của Khu Di sản mà đảm bảo không phải hy sinh tính nguyên vẹn. Nếu các hoạt động phát triển tiếp tục được thúc đẩy trong khung kế hoạch ngắn hạn, thì trong dài hạn, chính điều này sẽ dẫn tới việc suy giảm nguồn khách có chất lượng và việc đảm bảo thực thi các quy định hành pháp sẽ càng trở nên khó khăn hơn khi đã có tiền lệ, đôi khi sẽ dẫn đến những trường hợp chệch hướng khó sửa chữa để có thể trở về hiện trạng ban đầu.
2. Nhất thể hóa và củng cố quyền lực quản lý nhà nước về di sản ở cả cấp trung ương và địa phương.
Ở cấp trung ương, UNESCO khuyến nghị rằng cần tăng cường quyền lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý di sản thế giới thông qua việc trước hết là loại bỏ sự chồng chéo trong các quy định pháp luật. Chẳng hạn như sự chồng chéo giữa Luật Di sản văn hóa và các Nghị định về quản lý di sản văn hóa và di sản thế giới với các Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công và Luật Du lịch. Những sự chồng chéo trong các quy định này tạo rào cản cho sự thống nhất quản lý của nhà nước, tạo kẽ hở cho quy trình thực thi và cản trở những hoạt động đầu tư, tu bổ dài hạn, có chất lượng.
Thứ hai là việc nhất thể hóa và tăng cường quyền lực quản lý nhà nước về di sản thế giới nên được trao cho một cơ quan duy nhất thuộc Chính phủ, trong trường hợp này là Bộ VHTTDL.
Thứ ba là cần khắc phục chế độ báo cáo hiện nay giữa các Ban quản lý Khu Di sản và các cơ quan quản lý trung ương vốn chưa nhất quán về nội dung, hạng mục, biểu mẫu và các chỉ số báo cáo. Việc chuẩn hóa chế độ báo cáo này giữa trung ương và địa phương có thể đưa ra dữ liệu so sánh giúp cho công tác quản lý nhà nước nắm bắt nhanh, nhất quán và hiệu quả hơn.
Ở cấp địa phương, cơ quan đại diện quyền lực quản lý nhà nước đối với các Khu Di sản thế giới cần nhất quán với các hồ sơ đề cử ban đầu đã chuyển cho UNESCO.
3. Tăng cường vai trò của các Hội đồng khoa học và cơ quan cố vấn chuyên môn.
Hội đồng Di sản quốc gia là một điển hình nổi bật của việc quy tụ các học giả hàng đầu có thể kịp thời tham mưu và tư vấn cho Chính phủ và Thủ tướng về chiến lược và các quyết định dựa trên cơ sở khoa học trong lĩnh vực di sản. Cần phát huy cơ chế tương tự, có năng lực cố vấn khoa học cho Khu Di sản, với ví dụ thành công như trường hợp của Hội đồng khoa học đối với Hoàng thành Thăng Long.
Đồng thời để tăng cường trao đổi học thuật và chia sẻ kinh nghiệm về quản lý di sản trong khu vực và quốc tế, Việt Nam nên sớm thiết lập Ủy ban ICOMOS Việt Nam. Việc này sẽ giúp cho Việt Nam có thể đóng góp tiếng nói của mình tại một cơ quan cố vấn chuyên môn về các vấn đề di sản văn hóa thế giới.
4. Rà soát và quản lý cơ chế hợp tác Công-Tư tại các Khu di sản.
Hiện nay, việc quản lý hợp tác Công-Tư xung quanh các Khu Di sản thế giới còn khá tùy thuộc vào từng tình huống với một số dự án đầu tư, chưa có cách tiếp cận mang tính chiến lược, chủ động với một tầm nhìn dài hạn. Các dự án phát triển đều đổ dồn vào trong hoặc quá gần khu vực vùng lõi cho thấy công tác hoạch định cần phải được rà soát với quan điểm và tầm nhìn chiến lược dài hạn.
Vấn đề sẽ ngày càng trở nên cấp thiết bởi sức hút và động lực của di sản đối với ngành Du lịch ngày một gia tăng. Một điều dễ nhận thấy là các đầu tư ngắn hạn thường tạo ra nhiều vấn đề, không chỉ là vấn đề về rủi ro trong công tác bảo tồn mà còn là sự mai một của truyền thống văn hóa địa phương, nhưng ngược lại, một dự án với tính bền vững lâu dài xét về góc độ kinh tế thì thường bị đặt nhiều dấu hỏi. Không phải tất cả các khu di sản đều có thể tiếp nhận số lượt khách du lịch như nhau, vậy nên, cần quan tâm tới những sáng kiến về di sản có chất lượng cao mà ít gây tác động tiêu cực vào di sản. Đây chính là lý do cần có một khuôn khổ bền vững đủ sức mạnh nhằm hướng dẫn triển khai các quyết định hay các hoạt động đầu tư. Hiện đã có một số thực tiễn tốt tại Việt Nam nhưng đó chỉ là những trường hợp ngoại lệ.
5. Rà soát lại cơ chế tài chính đối với việc tái phân bổ nguồn thu từ phát triển du lịch và phát triển kinh tế đối với các hoạt động bảo tồn.
Việt Nam đã có một bước tiến quan trọng về mặt chính sách là việc ưu tiên nguồn lực dành cho tái đầu tư vào các hoạt động bảo tồn, mới được quy định tại Nghị định số 109 năm 2017. Do vậy, việc triển khai thực hiện Nghị định này ở cấp địa phương có ý nghĩa hết sức quan trọng. Cần làm rõ các danh mục ngân sách chi cho bảo tồn và xây dựng cơ chế báo cáo thường xuyên giữa các cơ quan trung ương và địa phương.
Theo ông Michael Croft, đối với những khuyến nghị vừa nêu, UNESCO sẽ có những hành động cụ thể, có quy mô, để phối hợp với các cơ quan hữu quan từ trung ương đến địa phương, tận dụng uy tín của UNESCO trong việc thúc đẩy hợp tác đối tác để có thể giới thiệu những bài học thành công trong nước và quốc tế của khu vực tư nhân nhằm khẳng định rằng việc lồng ghép bảo tồn với phát triển không phải là một mô hình lý thuyết mà là một sáng kiến với một kho tàng kỹ năng và kinh nghiệm tương quan để Việt Nam có thể tham khảo và rút kinh nghiệm áp dụng.
Thảo Nguyên lược ghi