Tỉnh Đồng Tháp đang quyết tâm đưa ngành “công nghiệp không khói” trở thành một trong một trong những mũi nhọn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Với sự vào cuộc quyết liệt, du lịch Đồng Tháp dần khởi sắc, hình ảnh du lịch Đồng Tháp “thuần khiết như hồn sen” ngày càng hướng đến giá trị xanh bền vững, tạo ấn tượng với du khách.
Trải nghiệm khám phá “đất sen hồng”
Trước đây, du lịch Đồng Tháp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có.
Với tư duy đột phá và những bước đi đúng hướng, du lịch Đồng Tháp đang dần khởi sắc.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Đồng Tháp đón trên 1,8 triệu lượt du khách đến tham quan, trong đó có 40.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch ước đạt 380 tỷ đồng, tăng gần 30% so cùng kỳ năm 2017.
Với tư duy “du lịch không chỉ là chuyến đi nghỉ dưỡng mà còn là dịp để du khách có sự trải nghiệm một nền văn hóa mới,” tỉnh Đồng Tháp xây dựng sản phẩm du lịch riêng biệt của từng khu, điểm du lịch như Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông), Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh), Khu Di tích Xẻo Quýt (huyện Cao Lãnh)...
Được biết đến là Khu Ramsar thứ 2000 của thế giới, thứ 4 của Việt Nam, Vườn Quốc gia Tràm Chim có đầy đủ các đặc điểm của vùng ngập mặn Đồng Tháp Mười.
Vườn Quốc gia Tràm Chim thu hút khách du lịch với hệ động thực vật phong phú, đa dạng, được phát triển theo chủ đề “Công viên chim tự nhiên của Đồng Tháp Mười - vương quốc của các loài chim.”
Ngoài ra, nơi đây còn mang đến cho du khách những trải nghiệm đặc biệt như thu hoạch lúa trời, dỡ chà bắt chuột...
Mùa nước nổi ở miền Tây (từ tháng 8-11 âm lịch), tận dụng lợi thế của tỉnh đầu nguồn, Vườn Quốc gia Tràm Chim đã chủ động liên kết, hợp tác với gần 30 hộ dân ở địa phương thực hiện tour, tuyến trải nghiệm.
Theo đó, ngoài bơi xuồng đưa khách đi tham quan, người dân còn chuẩn bị một số ngư cụ quen thuộc, gắn liền với người miền Tây như lưới, lờ, lợp... và đảm nhận vai trò hướng dẫn cách đánh bắt.
Khách du lịch đến Tràm Chim sẽ được tự tay thả lưới, giăng câu, đặt lờ… để bắt cua, ốc, lươn, cá các loại.
Ông Võ Tiến Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết vườn Quốc gia Tràm Chim có tổng diện tích trên 7200ha, được chia thành các khu, điểm khác nhau gồm các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (khu A1), phân khu phục hồi sinh thái (các khu A2, A3, A4 và A5) và phân khu hành chính-dịch vụ (khu C).
Tùy từng thời điểm, Vườn Quốc gia Tràm Chim sẽ khai thác tour tham quan theo đặc trưng như thưởng lãm cánh đồng hoa hoàng đầu ấn, nhĩ cán tím, tham quan bãi chim mùa sinh sản, trải nghiệm mùa nước nổi...
Trong mùa nước nổi, đơn vị sẽ quy hoạch khoảng 30ha để làm trải nghiệm giăng câu, đặt lờ, đặt lợp; ngoài khu vực quy hoạch sẽ cấm hoàn toàn để đảm bảo giữ vững hệ sinh thái. Các ngư cụ đánh bắt được phê duyệt theo hướng không khai thác tận diệt.
Mùa nước nổi cũng là mùa săn bắt chuột đồng. Bởi vào thời điểm này, nước dâng cao, chuột thường tìm nơi gò cao để trú ngụ.
Vì thế, nơi những nhánh cây khô chất thành đống (người dân gọi là chất chà) thường có nhiều chuột.
Nắm bắt đặc điểm này, nhân viên Vườn Quốc gia Tràm Chim thu gom nhánh cây và rải thêm ít lúa làm mồi để dẫn dụ chuột giúp những du khách “bạo gan” thử thách bắt chuột tay không.
Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng là điểm du lịch hút du khách theo chủ đề “Làng ẩm thực đồng quê.” Nơi đây có một khu chợ quê với đầy đủ các loại bánh dân gian truyền thống để thực khách tự tay chế biến các món như bánh xèo, bánh bò… và thưởng thức.
Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp nhìn nhận, trước đây, hoạt động du lịch tại các khu, điểm du lịch còn rời rạc, chưa có sự liên thông, thiếu tính kết nối.
Năm 2015, đề án phát triển du lịch của tỉnh được ban hành đã góp phần định vị lại sản phẩm du lịch cụ thể cho từng khu, điểm tránh sự trùng lặp.
Cụ thể, Khu Di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc phát triển là tuyến điểm trọng điểm giáo dục lịch sử, truyền thống quan trọng của tỉnh. Khu Di tích Xẻo Quýt - “Bảo tồn lịch sử - gìn giữ hồn quê,” Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng - “Làng ẩm thực đồng quê,” Vườn Quốc gia Tràm Chim - “Công viên chim tự nhiên của Đồng Tháp Mười, vương quốc của các loài chim”...
Ngoài ra, các tài nguyên du lịch khác như hệ thống cồn, di tích, thắng cảnh, làng nghề… thuộc các huyện Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò, Hồng Ngự, Tân Hồng, Thanh Bình và thị xã Hồng Ngự, phát triển theo hướng mở, định hình chuyên đề hoặc tham gia vào chuỗi vệ tinh, điểm, tuyến du lịch phù hợp với quy mô, giá trị tài nguyên, khả năng khai thác và nhu cầu thị trường du lịch.
Xã hội hóa du lịch
Năm 2016, do giá lúa không ổn định, ông Nguyễn Bé Tư ở xã Phú Thọ, huyện Tam Nông đã mạnh dạn chuyển đổi 4ha trồng lúa sang trồng sen kết hợp với du lịch homestay. Đến tháng 4/2017, mô hình du lịch homestay đầu tiên của huyện Tam Nông ra đời.
Ông Bé Tư cho biết, nắm bắt xu hướng, khách du lịch thích trải nghiệm, hòa mình với cuộc sống nông thôn dân dã, ông đã tổ chức cho khách bơi xuồng hái sen, đi câu cá đồng, tát mương bắt cá...
Ông Tư lý giải, từ xa xưa, người dân Nam Bộ có truyền thống quây quần, sum họp trong các sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, hoạt động trải nghiệm tại nơi đây sẽ hướng đến tập thể, tạo ra không khí vui tươi.
Chị Nguyễn Thị Thùy Dung, ở Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh lưu trú tại homestay của ông Bé Tư chia sẻ, từ sản phẩm là cá tươi, lá sen non, cuộn rơm ngoài đồng, chị tự tay làm nên món và thưởng thức ngay tại đồng ruộng, rất thú vị…
Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, mô hình cộng đồng người dân làm du lịch ngày càng thu hút du khách, tạo điểm đến quan trọng trong hành trình khám phá du lịch tại Đồng Tháp.
Địa phương đang triển khai các chính sách hỗ trợ đầu tư về phát triển du lịch, hỗ trợ lãi suất đối với cá nhân, đơn vị phát triển du lịch cộng đồng để khuyến khích nhân dân, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển du lịch tại Đồng Tháp.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan chia sẻ, sống nhờ vào sản xuất… đã in sâu vào nếp nghĩ của bà con miền Tây nói chung và Đồng Tháp nói riêng. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế rằng, thế giới đang phát triển không chỉ dựa trên sản xuất mà cần phải đi kèm dịch vụ.
Do đó, “biến” những nét cố hữu bình dị, giản đơn của người địa phương để trở thành “đặc sản” trong du lịch là điều cần phát huy.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan nhấn mạnh đến việc phải gắn du lịch với trách nhiệm xã hội, môi trường, cộng đồng và du khách, đoàn kết cùng nhau phát triển thì mới vững bền.
Thay đổi tư duy làm du lịch, để du khách trở thành “chủ,” được hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt đồng quê của người dân địa phương, tự khám phá cái hay, đẹp về phong tục, văn hóa, ẩm thực...
Đó là nét độc đáo của hình thức du lịch trải nghiệm, du lịch xanh trên “đất sen hồng” mà Đồng Tháp đang hướng đến để níu chân du khách gần xa.