Chưa bao giờ ba địa phương Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh lại có được sự phát triển nhanh chóng như những năm gần đây. Đi liền với những thành tựu to lớn về kinh tế, tốc độ phát triển kinh tế nhanh cũng đã và đang làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội cần quan tâm.
Đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó nổi bật nhất là sự xâm hại môi trường biển ở Hải Phòng và Quảng Ninh, tác động trực tiếp tới quá trình bảo tồn Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, khu dự trữ sinh quyển Cát Bà, các vườn quốc gia và các khu bảo tồn biển khác như: Cô Tô, Ba Mùn, Bái Tử Long, Bạch Long Vỹ…
Thấy rõ những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường biển vịnh Bắc bộ do quá trình phát triển kinh tế gây ra, ngay từ năm 2007, Bộ Thủy sản (cũ), Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), Cơ quan quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) và UBND thành phố Hải Phòng, UBND tỉnh Quảng Ninh đã hợp tác triển khai xây dựng Dự án nâng cao năng lực quản lý vùng bờ ở vịnh Bắc bộ. Mục đích của dự án là tiến tới quản lý tốt hơn việc khai thác thủy sản để bảo vệ các khu bảo tồn, ứng phó khẩn cấp quan trắc môi trường, an ninh vùng biển trước thực tế môi trường chung đang bị xâm hại nghiệm trọng.
Định hướng đúng, kết quả thiết thực
Giai đoạn 1 của Dự án nâng cao năng lực quản lý vùng bờ ở vịnh Bắc bộ với sự tham gia của Bộ Thủy sản (cũ), IUCN, NOAA đã được triển khai thực hiện thí điểm trong hai năm (2003 - 2005) tại vùng bờ vịnh Hạ Long, với mục tiêu xây dựng năng lực quản lý tổng hợp vùng bờ.
Qua thời gian đã đi vào hoạt động, cho thấy: tầm quan trọng trong việc bảo vệ cảnh quan môi sinh của toàn bộ vùng bờ biển tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt là vùng bờ của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đã được quan tâm và nâng cao lên rất nhiều. Phần lớn người dân, nhất là đội ngũ ngư dân, dân cư sống tại những vùng đất ven bờ của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đã có thêm nhiều hiểu biết. Quan trọng hơn, Dự án đã giúp cho họ nâng cao được ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường, môi sinh, cảnh quan, tránh làm hư hại các hang động, bãi biển, săn bắn, khai thác các loài động thực vật, xâm hại các hệ sinh thái biển, khai thác thủy sản bằng các biện pháp hủy diệt, xả rác thải, nước thải chưa qua xử lý làm ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường vịnh Hạ Long. Theo đánh giá của các chuyên gia phụ trách dự án, bước đầu, Dự án nâng cao năng lực quản lý tổng hợp vùng bờ ở vịnh Bắc bộ đã được tiến hành nghiên cứu thí điểm tại vùng bờ vịnh Hạ Long cho kết quả rất tốt. Trên cơ sở thành công của giai đoạn 1 và để từng bước mở rộng, chương trình của dự án ra toàn bộ vùng bờ vịnh Bắc bộ, trong giai đoạn II (2006 - 2009), Dự án được mở rộng ra toàn bộ khu vực vùng bờ của tỉnh Quảng Ninh và Tp. Hải Phòng.
Mở rộng tầm ảnh hưởng của dự án
Theo Viện Kinh tế Thủy sản Việt Nam, từ vùng bờ Tây Bắc vịnh Bắc bộ kéo dài đến biên giới Việt - Trung đều nằm trong vùng biển Hải Phòng và Quảng Ninh với gần 2.000 đảo lớn nhỏ khác nhau. Hệ thống các đảo ở khu vực này với các kích thước, kiểu dáng phong phú khác nhau đã tạo cho vùng biển này không gian có cảnh quan độc đáo, có giá trị toàn cầu, đặc biệt thuận lợi cho phát triển du lịch, nghiên cứu. Theo các nhà khoa học, hiếm có vùng biển nào đa dạng sinh học và phong phú các loại hệ sinh thái như nơi đây. Ngoài tiềm năng thủy sản, các khu bảo tồn thiên nhiên nơi đây còn có giá trị ở tầm quốc gia, quốc tế như: Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, khu dự trữ sinh quyển Cát Bà, các vườn quốc gia và khu bảo tồn biển khác: Cô Tô, Ba Mùn, Bái Tử Long, Bạch Long Vỹ...). Đây vừa là tiền đề vừa là lợi thế phát triển các ngành kinh tế dựa vào tài nguyên thiên nhiên, trước hết là ngành thủy sản, du lịch và các ngành dịch vụ khác. Chính vì lẽ đó mà các vấn đề bảo đảm phát triển bền vững cho vùng biển này cùng các hoạt động kinh tế khác trong bối cạnh hoạt động quốc tế càng trở nên nóng bỏng và cấp thiết. Hiện nay, vùng biển này đang tập trung sôi động các hoạt động của con người. Đặc biệt một bộ phận quan trọng của tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đều có động lực hướng biển, có tầm ảnh hưởng toàn khu vực vịnh Bắc bộ. Ví dụ như việc sử dụng cạnh tranh các nguồn tài nguyên, chia sẻ vùng bờ này đang phát triển quá trình đô thị hóa giải trí… làm phá vỡ môi trường. Chưa có thời kỳ nào môi trường vùng biển này lại có chiều hướng biến đổi nhanh như những năm gần đây, đe dọa cạn kiệt nguồn tài nguyên bờ cùng những tác động bất lợi trở lại đến cuộc sống con người như: xói lở bờ biển, lũ lụt, suy thoái hệ sinh thái, ô nhiễm, giảm sút đa dạng sinh học và giá trị bảo tồn tự nhiên.
Trong đó, nổi bật nhất là tình trạng xả chất thải ồ ạt từ các khu công nghiệp, khu dân cư và thực trạng gia tăng các phương tiện đánh bắt thủy, hải sản đến chóng mặt. Để đạt được lợi ích trước mắt, con người không loại trừ một biện pháp đánh bắt mang tính chất hủy diệt nào. Theo thống kê, hàng năm, cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh, TP.Hải Phòng bắt được hàng trăm vụ sử dụng mìn, hóa chất, kích điện… để khai thác thủy, hải sản gây ra ô nhiễm nghiêm trọng. Theo GS.TS Nguyễn Chu Hồi (Viện Kinh tế Thủy sản), sự thật trên đã và đang trở thành thách thức của con người đối với biển. Bởi vậy, vùng bờ khu vực vịnh Bắc bộ rất cần phải được quản lý theo cách tiếp cận tổng hợp, liên ngành và hệ thống. Cụ thể, để giải quyết thách thức này, tỉnh Quảng Ninh và TP. Hải Phòng phải giải quyết vấn đề lớn nhất hiện nay là làm sao đưa lĩnh vực phát triển kinh tế kết hợp hài hòa với công tác bảo vệ môi trường.
Liên kết quản lý vùng bờ Quảng Ninh - Hải Phòng
Xác định vùng bờ Hải Phòng - Quảng Ninh có vị trí quan trọng trong tổng thể không gian, cảnh quan, môi trường, môi sinh của vùng bờ vịnh Bắc bộ, cho nên mục tiêu chính mà giai đoạn lI của Dự án nâng cao năng lực quản lý tổng hợp vùng bờ ở vịnh Bắc bộ 2006 - 2009 sẽ được tập trung chủ yếu vào công tác hỗ trợ và xây dựng cơ sở cho việc phát triển chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ của tỉnh Quảng Ninh và Tp. Hải phòng, trong đó đặc biệt chú trọng đến các khu bảo tồn như: khu Di sản Thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà, vườn quốc gia Bái Tử Long, các khu bảo tồn biển Cô Tô, Bạch Long Vỹ, đảo Trần...
Bên cạnh đó, giai đoạn II của dự án cũng sẽ chú trọng hỗ trợ quá trình thể chế hóa khuôn khổ quản lý cho chính quyền các cấp nằm trong khu vực liên quan, áp dụng mô hình thí điểm quản lý tổng hợp vùng bờ liên địa phương và sử dụng cho lĩnh vực quản lý thủy, hải sản, các khu bảo tồn, ứng phó khẩn cấp, quan trắc môi trường, quy hoạch sử dụng đất, hỗ trợ nỗ lực quốc gia về các chính sách.
Trong khuôn khổ của dự án giai đoạn II, TP. Hải Phòng và Quảng Ninh sẽ là hai địa phương được hưởng lợi trực tiếp và có trách nhiệm cao trong việc triển khai, giám sát hoạt động cho chương trình này. Nhằm thống nhất hoạt động và triển khai công việc có nhiều kết quả tốt, lãnh đạo UBND TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác quản lý chặt chẽ tổng hợp vùng bờ Quảng Ninh - Hải Phòng với mục đích tăng cường phối hợp giữa các ban, ngành liên quan, nỗ lực quản lý vùng bờ ở từng địa phương, tiến tới hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, đồng thời cùng nhau chia sẻ thông tin, hợp tác kỹ thuật, khuyến khích các bên liên quan, các đơn vị trên địa bàn và nhân dân tham gia rộng rãi các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường trong vùng. Qua đó thiết lập diễn đàn hợp tác, liên kết trong và ngoài vùng để đạt mục đích chung.
Theo đó, tất cả mọi hoạt động đều phải tuân thủ theo một quy chế chung bảo đảm 6 mục tiêu: bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên sinh vật (trong đó duy trì khôi phục nguồn tài nguyên sinh vật biển, cân bằng về mặt sinh thái), bảo vệ cân bằng sinh cảnh sống quan trọng (trong đó giữ gìn, bảo tồn các khu vực thiên nhiên có tầm quan trọng, gìn giữ đa dạng tài nguyên sinh vật); bảo vệ và khôi phục chất lượng nguồn nước với mục đích duy trì chất lượng nước cần thiết nuôi dưỡng tài nguyên sinh vật và bảo vệ sức khỏe con người; sử dụng tài nguyên đất hợp lý và đúng mục đích nhằm khôi phục nguồn tài nguyên của rừng đầu nguồn, giảm thiểu các loại phế thải đưa ra biển; quản lý có sự tham gia của cộng đồng, phối hợp với địa phương, doanh nghiệp làm sạch môi trường khu vực; điều phối và hợp tác giữa các cơ quan trong và ngoài vùng bờ Hải Phòng và Quảng Ninh với mục tiêu cùng giải quyết những vấn đề nóng bỏng, thách thức đến sự phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Có thể nói, giai đoạn II của Dự án nâng cao năng lực quản lý tổng hợp vùng bờ ở vịnh Bắc bộ được tập trung chủ yếu cho công tác hỗ trợ và xây dựng cơ sở cho việc phát triển chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ của tỉnh Quảng Ninh và TP. Hải Phòng sẽ là một căn cứ khoa học mang ý nghĩa thực tiễn cao trong việc từng bước xây dựng kế hoạch bảo vệ có hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên thế giới, khu dự trữ sinh quyển... cũng như toàn bộ cảnh quan môi trường cho cả vùng bờ vịnh Bắc bộ Việt Nam trong những năm tiếp theo, nhất là trước xu thế đô thị hóa ngày càng diễn ra nhanh chóng đối với khu vực kinh tế năng động này.