Huế: Nâng cao kiến thức về bảo vệ và ứng phó với biến đổi khí hậu

Cập nhật: 20/08/2018
Từ ngày 17/8 đến 19/8, tại TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã diễn ra khóa học mùa hè lần thứ hai về “Bảo vệ khí hậu, biến đổi khí hậu và những hệ quả ở miền Trung Việt Nam”.

Khóa học giúp cho thế hệ trẻ của miền Trung có chiến lược ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu

Khóa học do Viện nghiên cứu khoa học miền Trung phối hợp với Viện Độc lập các vấn đề về môi trường Berlin, CHLB Đức tổ chức.

Tham gia khóa học có 32 học viên là những nhà nghiên cứu, nhà khoa học trẻ, sinh viên đến từ các trường đại học, trung tâm, viện nghiên cứu về môi trường từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi.

Các học viên được các chuyên gia đến từ Đức, Mỹ, Thái Lan... cung cấp những kiến thức, thông tin về: Biến đổi khí hậu và các lợi ích chung, biến đổi khí hậu và đại dương, biến đổi khí hậu và nông nghiệp, biến đổi khí hậu và năng lượng tái tạo.

Các bạn trẻ đã thảo luận, chia sẻ quan điểm về biến đổi khí hậu và các hệ quả ở miền Trung Việt Nam, sử dụng thông tin khí hậu nông nghiệp trong phát triển sinh kế nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, các giải pháp để giảm thiểu biến đổi khí hậu, đánh giá tính tổn thương của hệ sinh thái dưới tác động của biến đổi khí hậu...

Ngoài phần thảo luận, các bạn trẻ còn được đi tham quan thực tế về các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Cụ thể, như tham quan các công trình hạ tầng xanh ở TP. Huế, vườn cây ngập mặn mới ở rừng Rú Chá, sạt lở ở biển Phú Thuận, tham quan các vườn rau hữu cơ, các mô hình nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp đô thị, hệ thống nước nóng lạnh bằng năng lượng mặt trời, một số tuyến đường ở Huế có trang bị đèn LED hoặc đèn năng lượng mặt trời...

Các bạn trẻ tham quan các mô hình ứng phó với biển đổi khí hậu tại Huế

Bà Hoàng Thị Bình Minh- Viện nghiên cứu khoa học miền Trung cho biết: “Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu là việc cần làm ngay. Khóa học sẽ được tổ chức hàng năm với mục tiêu kết nối các nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực môi trường để cùng tìm ra những hành động tích cực nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường, đồng thời đưa những kết quả khoa học nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn...”.

Ngôn ngữ của khóa học là tiếng Anh hoàn toàn và các bạn trẻ có cơ hội trao dồi thêm vốn ngoại ngữ để phục vụ cho các dự án biến đổi khí hậu với đối tác nước ngoài.

“Mình rất vui vì được tham gia khóa học này, giúp mình biết thêm được nhiều kiến thức để góp phần bảo vệ môi trường hơn...”- bạn Phan Thị Thanh Nhàn, Đại học Hà Tĩnh chia sẻ.

Khóa học nhằm tạo ra cầu nối về hợp tác quốc tế trong nghiên cứu biến đổi khí hậu với các viện, trường đại học, các cơ quan và cá nhân để thúc đẩy tiến trình thích ứng với biến đổi khí hậu ở miền Trung. Đồng thời, cung cấp kiến thức mới nhất về biến đổi khí hậu cho các bạn trẻ, từ đó giúp cho thế hệ trẻ của miền Trung có chiến lược ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu.

Văn Dinh

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn