Rác thải làm ảnh hưởng môi trường cho du lịch

Cập nhật: 14/10/2008
Theo đánh giá của Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, các chất thải chưa qua xử lý được thải ra lưu vực sông và biển ngày càng nhiều, kéo theo việc gây ô nhiễm môi trường biển, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ngành du lịch...

Ước tính đến năm 2020, lượng chất thải tăng nhanh ở vùng ven bờ với nitơ tổng số từ 26 - 52 tấn/ngày, tổng lượng amonia từ 15 - 30 tấn/ngày... Đây là chưa nói đến chuyện ảnh hưởng ô nhiễm từ chất thải ra từ các doanh nghiệp kiểu như Vedan hiện đang khiến khách du lịch tại Vũng Tàu cũng ngần ngại khi chọn ăn đặc sản ngay tại biển...

 

Ô nhiễm không khí cũng đang là vấn đề đáng cảnh báo đối với những nhà làm du lịch. Bởi đây là nguy cơ làm giảm nhanh lượng khách nước ngoài “khó tính” đến từ châu Âu, Mỹ, Nhật. Dự án “Điều tra, thống kê, đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường tới sức khỏe cộng đồng” của Cục Bảo vệ môi trường được tiến hành tại 2 tỉnh Phú Thọ và Nam Định cho kết quả ước tính thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí tác động đến sức khỏe trung bình trên đầu người mỗi năm là 295.000 đồng (giá năm 2007), khoảng 5,5% GDP trên đầu người. Nếu giả thiết, tổn thất về kinh tế do ô nhiễm không khí tác động đến sức khỏe đối với người dân Hà Nội và TP.HCM tương tự như người dân ở Phú Thọ và Nam Định thì Hà Nội (chưa tính phần mở rộng) ước tính mỗi ngày thiệt hại 2,58 tỷ đồng và TP.HCM (chưa tính lao động nhập cư) mỗi ngày thiệt hại 4,93 tỷ đồng. Thực tế, môi trường không khí ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng bị ô nhiễm hơn hẳn so với các tỉnh Phú Thọ và Nam Định, nên thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí thực tế ở Hà Nội và TP.HCM có thể còn lớn hơn con số nói trên. Tất nhiên, sẽ không có du khách nào dám dừng chân ở lâu những nơi được cho là có bầu không khí ô nhiễm kiểu như vậy.

 

Ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng đã và đang là một trong những yếu tố có ảnh hưởng đến hoạt động du lịch của Việt Nam. Điều đáng lo ngại là môi trường du lịch tại nhiều khu vực đã bị ô nhiễm do tác động của nhiều ngành kinh tế, trong đó còn có tác động từ chính các hoạt động du lịch, như xây dựng bừa bãi, không có kế hoạch, gia tăng rác và các loại phế thải, phá hủy san hô làm vật liệu xây dựng...

 

Đã có một số địa phương như Đà Nẵng, Đà Lạt, Bình Thuận, Cần Thơ, TP.HCM... phát động những đợt ra quân làm sạch môi trường du lịch. Tuy nhiên, để du lịch phát triển bền vững, việc bảo vệ môi trường du lịch không chỉ đơn thuần là công việc của chính quyền địa phương, công ty du lịch mà còn là ý thức của du khách, lẫn người dân sở tại. Có đến bãi biển Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc... mới thấy hết vấn nạn ô nhiễm môi trường do rác thải từ các hộ buôn bán hàng rong, khách du lịch và người dân thiếu ý thức xả bừa bãi trên bãi biển và do nước thải của các khu dân cư ven biển, các xí nghiệp sản xuất không qua xử lý đổ thẳng ra biển... Tất cả điều đó đang góp phần làm cho môi trường du lịch Việt Nam mất điểm trong mắt du khách. Du lịch được ví giống như cái máy in tiền cho nền kinh tế. Nếu chúng ta chỉ biết sử dụng nó mà không biết bảo trì hay sửa chữa, thì một ngày nào đó nó sẽ không còn hoạt động được nữa. Khi đó chúng ta vừa không có tiền từ chiếc máy này, đồng thời sẽ không có một chiếc máy khác có thể thay thế...

Nguồn: Báo Bình Dương