Việt Nam có thêm một khu dự trữ sinh quyển thế giới

Cập nhật: 15/10/2008
Sáng 13/10 tại thành phố Nam Định, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) đã tổ chức trao bằng công nhận Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đối với vùng đất ngập nước ven biển của ba tỉnh châu thổ sông Hồng, gồm Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình.

Đây là một trong sáu Khu Dự trữ sinh quyển của Việt Nam được UNESCO công nhận và là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của khu vực Đông Nam Á áp dụng mô hình đồng quản lý, với phương pháp tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý một vùng đất ngập nước rộng lớn.

Khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng có tổng diện tích hơn 105.000ha phía bắc, bao gồm cả Vườn quốc gia - Ramsar Xuân Thủy (Nam Định), khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (Thái Bình) và khu vực Bãi ngang Kim Sơn (Ninh Bình), trong đó khu Ramsar Xuân Thủy là phần quan trọng nhất.

 

Vườn quốc gia Xuân Thủy là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt là nơi cư trú của các loài chim nước theo công ước Ramsar) đầu tiên và duy nhất của Việt Nam.

 

Theo công bố tại đây có khoảng 200 loài chim, trong đó có nhiều loài quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ thế giới như: cò mỏ thìa, mòng bể, cò trắng bắc. Ngoài ra, những cánh rừng ngập mặn rộng hàng nghìn hécta, khu đầm lầy và bãi bồi ven biển của Vườn quốc gia Xuân Thủy như một vườn ươm cho sự sống của biển, với 500 loài động thực vật thủy sinh và cỏ biển.

Nguồn: TTXVN