Bảo tồn thiên nhiên “lép vế” phát triển du lịch

Cập nhật: 26/06/2018
Nhiều năm trở lại đây, hàng loạt các dự án phát triển hạ tầng du lịch được triển khai và đi vào vận hành tại nhiều khu bảo tồn (KBT) thiên nhiên, rừng đặc dụng như: Sơn Trà, vịnh Nha Trang, Phong Nha - Kẻ Bàng… Điều này dấy lên mối lo ngại giữa phát triển kinh tế và bảo tồn thiên nhiên.

Cù Lao Chàm - một điểm sáng trong mối quan hệ giữa khai thác du lịch
và bảo tồn thiên nhiên theo hướng bền vững

Sức ép lớn đến thiên nhiên

Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), khu vực Trung Bộ có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển du lịch Việt Nam. Khu vực này tập trung nhiều di sản thiên nhiên với  bờ biển dài cùng bãi, vịnh biển đẹp được các tạp chí nổi tiếng thế giới bình chọn; những đầm, phá, đảo, rạn san hô… có nét đẹp đặc trưng và nguyên sơ. Những năm gần đây, du lịch miền Trung đã có sự chuyển biến mạnh mẽ với hàng loạt dự án vui chơi, nghỉ dưỡng mới, hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch cũng được nâng cấp. Lượng du khách cả trong và ngoài nước đến với miền Trung tăng lên nhanh chóng mang lại nguồn thu lớn cho địa phương. Nhưng việc phát triển quá nóng đã làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn giữa bảo tồn thiên nhiên với khai thác du lịch.

Cho đến nay, du lịch của vùng đứng trước nguy cơ phát triển kém bền vững. Nhiều bãi biển, khu du lịch, di sản thiên nhiên bị xâm hại mạnh bởi rác thải, nước thải, đa dạng sinh học, cảnh quan bị suy giảm… như vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), Khu Bảo tồn biển Lý Sơn (Quảng Ngãi), Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình)… Nguyên nhân của những tồn tại đó là các KBTchưa có chiến lược và kế hoạch phát triển du lịch sinh thái; thiếu đội ngũ điều hành, quản lý, nghiệp vụ, kỹ thuật được đào tạo chính quy về du lịch và du lịch sinh thái; cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chưa đồng bộ; nhận thức về giá trị sinh thái môi trường còn chưa cao.…

Ông Võ Sĩ Tuấn - Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang chia sẻ, môi trường biển hiện đang bị ô nhiễm, một phần vì khai thác du lịch quá mức. Điển hình như vịnh Nha Trang, nhiều rạn san hô đang nguy cấp vì ô nhiễm, gãy đổ nhiều nơi. “Khảo sát mới nhất của chúng tôi về vịnh Nha Trang cho thấy, có đến 45% san hô biến mất, so với 10 năm trước, cho thấy mức độ nghiêm trọng của việc khai thác tài nguyên biển như hiện nay. Nhiều địa phương lấn biển, xây công trình - kiên cố khiến môi trường biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng” - ông Võ Sĩ Tuấn cho biết.

Phải giải quyết tốt mối quan hệ bảo tồn và phát triển

Ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho hay, du khách đến Đà Nẵng vì vẻ đẹp thiên nhiên chứ không phải những tòa nhà chọc trời tráng lệ. Do vậy, chính quyền thành phố cần mạnh dạn điều chỉnh quy hoạch lại, thay vì phá bỏ thiên nhiên để xây những tòa nhà “bê tông hóa” hướng đến giữ gìn, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên như bán đảo Sơn Trà, sông Hàn, các bãi biển.

KBT biển Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam được cho là đang thực hiện tốt mối quan hệ giữa khai thác du lịch và bảo tồn thiên nhiên theo hướng bền vững. Theo TS. Chu Mạnh Trinh (Ban Quản lý KBT biển Cù Lao Chàm), trước sự phát triển quá lớn lượng khách đến với đảo Cù Lao Chàm, địa phương chọn hướng đi phát triển du lịch bền vững dựa vào cộng đồng vừa đảm bảo phát triển kinh tế vừa đảm bảo môi sinh và môi trường kinh doanh... Sáng kiến “Tổ cộng đồng bảo vệ và khai thác hợp lý cua đá Cù Lao Chàm” đã và đang góp phần vào phát triển du lịch bền vững tại địa phương. Ngày nay, khách du lịch đến với Cù Lao Chàm không chỉ để thưởng thức cảnh quan thiên nhiên, văn hóa mà còn đến để biết cách ứng xử của người dân với cua đá như thế nào. Ngoài ra, đơn vị đã thiết lập được nguồn tài chính bền vững thông qua xây dựng các cơ chế như: Thu phí tham quan, lặn biển; kêu gọi đầu tư, hợp tác nghiên cứu và đào tạo; hướng dẫn thực tập với các trường, viện trong và ngoài nước; hợp tác với tình nguyện viên trong và ngoài nước hoạt động tại KBT. Qua đó, đem lại nguồn lợi tài chính phục vụ bảo tồn và cộng đồng địa phương, thúc đẩy hoạt động giáo dục môi trường, làm cho du khách nhận thức được giá trị của thiên nhiên và tôn trọng khi tới các khu vực tham quan.

Trong chuyến thị sát tại Sơn Trà, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, trong Chiến lược phát triển du lịch Quốc gia, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ từ đầu luôn quán triệt phát triển phải bền vững. “Đương nhiên, trong quá trình phát triển chúng ta phải khai thác tài nguyên thiên nhiên, khai thác các lợi thế so sánh về tự nhiên và xã hội để phát triển nhưng phải bảo đảm bền vững. Và khi các yếu tố bền vững chưa được bảo đảm, tốt nhất là lùi lại để đến khi có đủ điều kiện sẽ làm” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Lan Anh - Quỳnh Anh

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn