Với mục tiêu trở thành tỉnh dịch vụ - công nghiệp hiện đại vào năm 2020, là địa phương đi đầu trong cả nước về đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, thời gian qua, Quảng Ninh đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó có giải pháp về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, năm 2018, Quảng Ninh chọn chủ đề công tác là "Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên” nhằm tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức, hành động, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững.
Địa phương tích cực vào cuộc
Một trong những thành tựu về môi trường của tỉnh đó là huy động được sức dân. Đặc biệt là phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”. Phong trào này đã được các địa phương trên địa bàn tỉnh duy trì nhiều năm qua và nó đã dần hình thành nên một thói quen tốt, tính tự giác của người dân địa phương. Ông Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, cho biết: Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tạo sức lan tỏa, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nét riêng của phong trào này không chỉ là nâng cao nhận thức, mà thông qua đó xây dựng cho mỗi cá nhân thói quen không thể thiếu là sống thân thiện và có trách nhiệm với môi trường.
Đã thành thông lệ, cứ vào mỗi sáng chủ nhật người dân ở nhiều khu phố của TP Hạ Long lại cùng nhau thu gom rác thải, làm sạch các tuyến đường dân sinh. Trước đây, việc dọn vệ sinh chỉ diễn ra trong khuôn viên nhà mình nhưng giờ đây người dân đã thay đổi nhận thức, không chỉ sạch cho ngôi nhà của mình, mà còn sạch môi trường xung quanh...
Lực lượng đoàn viên, thanh niên TP Hạ Long thu gom rác thải tại Khu du lịch Bãi Cháy. Ảnh: Tạ Quân
Đồng chí Hoàng Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long, cho biết: Là thành phố thủ phủ của tỉnh, nơi thu hút nhiều nhà đầu tư, du khách đến tham quan, chính vì thế, vấn đề môi trường luôn được Hạ Long ưu tiên hàng đầu và xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, lâu dài. Trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, thành phố luôn gắn kết với các yêu cầu bảo vệ môi trường để đảm bảo hài hòa, phát triển bền vững, xây dựng Hạ Long trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư và du khách. Công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là kiểm soát, xử lý, giảm thiểu phát sinh các nguồn gây ô nhiễm được thành phố thực hiện một cách quyết liệt, chặt chẽ. Hiện nay, mạng lưới thu gom rác thải sinh hoạt đô thị của thành phố được mở rộng đến hầu khắp các khu vực trên địa bàn. Thành phố xóa bỏ gần 100 điểm tập kết rác trên các trục đường chính gây mất vệ sinh, cảnh quan; lắp đặt hàng trăm thùng thu gom rác tại các tuyến đường trục chính của địa phương.
Cùng với đó, thành phố huy động nhiều nguồn lực cho công tác chỉnh trang đô thị, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường. Nhiều công viên, vườn hoa được cải tạo, xây mới, các tuyến đường được trồng cây xanh đồng bộ. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường cũng được triển khai quyết liệt, được cụ thể hóa bằng nhiều phong trào thiết thực, hiệu quả.
Với quan điểm bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long là một trong những nhiệm vụ xuyên suốt, thành phố đã chủ động duy trì thực hiện trong nhiều năm qua. Cụ thể như: Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với Vịnh Hạ Long; kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; phối hợp với các đơn vị hoàn thành việc lắp thiết bị phân ly dầu nước trên tàu du lịch, hệ thống xử lý chất thải tại các điểm tham quan, thay thế phao xốp bằng các vật liệu thân thiện với môi trường...
Để thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm 2018 về “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên”, TX Quảng Yên đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực. Qua đó bước đầu đã tạo được những chuyển biến tích cực. Từ đầu năm đến nay, thị xã đã tổ chức phát động cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn tiến hành thu gom, xử lý ước đạt 4.550 tấn rác thải sinh hoạt; huy động được gần 16.000 lượt người tham gia, nạo vét được trên 165km kênh các loại, khối lượng đất nạo vét ước đạt 50.000m3. Thị xã thực hiện di dời các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, vận động 4 chủ cơ sở sản xuất vôi bằng lò nung thủ công đồng ý chấm dứt hoạt động và tự tháo dỡ lò trong thời gian tới.
Đặc biệt, gắn việc thực hiện chủ đề công tác năm 2018 với Chỉ thị số 18 của tỉnh về tăng cường công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đến nay TX Quảng Yên đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền để ngư dân nắm rõ các quy định của trung ương, địa phương về cấm đánh bắt thủy sản theo hình thức tận diệt. Đồng thời, tiến hành xử lý nghiêm các trường hợp cố tình khai thác thủy sản trái phép. Cùng với các giải pháp trên, thị xã cũng quan tâm chuyển đổi nghề cho ngư dân. Đồng thời, chủ động làm việc với các ngân hàng tạo điều kiện tối đa cho ngư dân có nhu cầu vay vốn chuyển đổi nghề nghiệp.
Để Quảng Ninh thêm xanh
Thực tế cho thấy, song hành cùng với phát triển kinh tế, Quảng Ninh cũng đang phải đối mặt với mâu thuẫn và thách thức, đặc biệt là mâu thuẫn trong khai thác than, phát triển công nghiệp nặng với phát triển du lịch; công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh với giải quyết vấn đề môi trường sống… Chính vì vậy, bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình phát triển. Tỉnh chỉ đạo các đơn vị sản xuất đặc biệt quan tâm đến đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường từ các dự án trong giai đoạn đầu tư, xây dựng, vận hành. Có thể kể đến là các đơn vị sản xuất xi măng, nhiệt điện đã triển khai thực hiện lắp đặt công tơ điện tử đo điện năng tiêu thụ độc lập của hệ thống lọc bụi tĩnh điện ở vị trí các cơ quan quản lý và người dân dễ dàng kiểm tra giám sát; một số đơn vị đã và đang đầu tư lắp đặt hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường tự động, đầu tư công nghệ nâng cao hiệu quả xử lý khí thải, chuyển đổi sử dụng từ dầu FO sang dầu DO trong quá trình khởi động lại lò, bảo dưỡng thay thế hệ thống lọc bụi tĩnh điện, lọc bụi túi với tổng số tiền đã được phê duyệt cho năm 2018 và 2019 khoảng 3.335 tỷ đồng.
Nhiều cây xanh được trồng trên các tuyến phố của TP Hạ Long.
Không chỉ vậy, công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp (KCN) cũng rất được chú trọng. Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5/5 KCN (Cái Lân, Hải Yên, Đông Mai, Việt Hưng, Cảng biển Hải Hà - giai đoạn 1) hoạt động đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hiện đã có 3/5 KCN đã lắp đặt trạm quan trắc tự động nước thải công nghiệp: Việt Hưng, Cảng biển Hải Hà, đã hoàn thành việc lắp đặt trạm quan trắc tự động nước thải KCN và truyền dữ liệu trực tiếp, liên tục về Sở TN&MT; KCN Hải Yên lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và đang thực hiện các yêu cầu kỹ thuật để kết nối dữ liệu trực tiếp, liên tục về Sở TN&MT, dự kiến thời gian hoàn thành xong trước 31/8/2018. KCN Cái Lân, chủ đầu tư hạ tầng KCN đã hợp đồng mua thiết bị, chuẩn bị lắp đặt hệ thống quan trắc tự động dự kiến thời gian hoàn thành cùng với việc thực hiện Đề án đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng và đổi mới quản lý vận hành KCN Cái Lân; KCN Đông Mai, chủ đầu tư hạ tầng KCN sẽ được đầu tư đồng thời trong quá trình xây dựng Trạm xử lý nước thải giai đoạn I, dự kiến thời gian hoàn thành trong quý II/2019. Hiện tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải ở đô thị đạt 90%... Bên cạnh đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã trồng cây cải tạo phục hồi môi trường được 75ha bãi thải trên tổng số 100ha, bằng 75% kế hoạch năm 2018; xây dựng hệ thống đê, đập chắn đất đá trôi lấp; xây dựng các tuyến băng tải than, cầu vượt, giảm thiểu bụi, tiếng ồn; hoàn thành, đưa vào sử dụng 35/35 trạm xử lý nước thải mỏ.
Các tình nguyện viên trồng rừng ngập mặn tại khu vực hang Đầu Gỗ, Vịnh Hạ Long. Ảnh: Ngô Yến (CTV)
"Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên" là mục tiêu mà cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân Quảng Ninh quyết tâm thực hiện vì một Quảng Ninh xanh hơn, phát triển bền vững.