Giữ hành tinh luôn mát lành

Cập nhật: 14/09/2018
Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo vệ tầng ô dôn 16/9 năm nay, Ban Thư ký Nghị định thư Montreal đã đưa ra thông điệp: “Giữ cho hành tinh luôn mát lành: Nỗ lực bảo vệ tầng Ô dôn và khí hậu của chúng ta", nhằm kêu gọi công dân toàn cầu cắt giảm hoạt động sản xuất và sử dụng các chất làm thủng tầng ô dôn và có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao.

Trách nhiệm bảo vệ tầng ô dôn và khí hậu không chỉ là việc riêng của mỗi quốc gia. Ảnh: MH

Nỗ lực phục hồi tầng ô dôn

Nghị định thư Montreal được đưa ra cách đây hơn 30 năm chỉ ra các chất CFC (chlorofluorocarbons) - được sử dụng chủ yếu trong bình xịt, hệ thống lạnh, sản xuất xốp - đã làm cho tầng ô dôn bị suy giảm nghiêm trọng, tạo cơ hội cho tia cực tím nguy hiểm xâm nhập xuống Trái đất. Thực hiện Nghị định thư Montreal, các quốc gia đã triển khai nhiều hành động cắt giảm phát thải các chất CFC nhằm “vá” lại lỗ thủng ở tầng ô dôn. Quá trình phục hồi đang diễn ra và mục tiêu đến giữa thế kỷ này, tầng ô dôn sẽ trở lại mức ở những năm 1980 và khoảng 2 triệu trường hợp ung thư da có thể được ngăn chặn mỗi năm.

Nghị định thư Montreal sẽ tiếp tục giảm sử dụng các chất hydrofluorocacbon (HFCs), góp phần vào cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu thông qua Bản Sửa đổi, bổ sung Kigali, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Đây là những chất có tiềm năng nóng lên toàn cầu cao gấp nhiều lần so với khí nhà kính CO2. Các quốc gia phê chuẩn Bản sửa đổi, bổ sung Kigali đã cam kết cắt giảm sản xuất và tiêu thụ HFCs hơn 80% trong vòng 30 năm tới và thay thế chúng bằng các phương án thay thế thân thiện với môi trường hơn.

Tuy vậy, trách nhiệm bảo vệ tầng ô dôn và khí hậu không chỉ là việc riêng của mỗi quốc gia. Các cá nhân có thể góp phần thực hiện một phần bằng cách sử dụng tủ lạnh, máy điều hòa và các thiết bị khác một cách trách nhiệm. Bằng cách sử dụng đúng cách, bảo dưỡng và xử lý các thiết bị này, bạn có thể giảm thiểu việc sử dụng năng lượng, tránh phát thải và tiết kiệm tiền.

Bà Tina Birmpili, Thư ký điều hành của Ban Thư ký Nghị định thư Montreal cho biết, chủ đề của Ngày Quốc tế Bảo vệ tầng ô dôn năm nay kêu gọi tất cả chúng ta tiếp tục công việc tuân thủ theo Nghị định thư Montreal. Việc thực hiện thành công Sửa đổi, bổ sung Kigali sẽ tránh phát thải khoảng 70 tỷ tấn CO2 tương đương trên phạm vi toàn cầu, góp phần giữ cho nhiệt độ Trái Đất không tăng thêm 0,5oC vào cuối thế kỷ này song song với việc tiếp tục bảo vệ tầng ô dôn.

Đây được coi là dấu mốc lịch sử quan trọng thứ hai về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu sau Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Việt Nam tiếp tục lộ trình loại trừ HFC

Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị phê duyệt thực hiện Sửa đổi, bổ sung Kigali, đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ loại trừ dần việc sản xuất, tiêu thụ (kể cả nhập khẩu) các chất HFC.

Theo Sửa đổi, bổ sung Kigali, Việt Nam cần thiết lập và thực hiện hệ thống cấp phép xuất, nhập khẩu các chất HFC (mới, đã qua sử dụng, tái chế bị kiểm soát), báo cáo số liệu tiêu thụ các chất HFC từ năm 2020 và xác định mức tiêu thụ các chất HFC cơ sở trung bình 3 năm từ 2020 - 2022. Theo đó, các doanh nghiệp liên quan sẽ buộc phải chuyển đổi công nghệ sản xuất, thay thế môi chất lạnh thân thiện với môi trường trong vòng 10 - 20 năm tới.

Kết quả khảo sát mới nhất của Cục Biến đổi khí hậu, hiện có 10 chất HFC đang được sử dụng phổ biến tại Việt Nam. Trong số đó, 3 chất trong danh sách loại trừ có lượng nhập khẩu lớn là HFC-134a khoảng 1.000 tấn; HFC-410a 344 tấn; HFC-404a 106 tấn (năm 2015). Các chất này chiếm tỷ lệ lớn trong sản xuất và lắp ráp thiết bị lạnh dân dụng, máy lạnh, điều hòa không khí trung tâm. Theo lộ trình thực hiện các chất HFC sẽ được đưa vào danh sách các hóa chất bị kiểm soát.

Cần lưu ý, Việt Nam sẽ không thể mua bán các chất HFC với các nước đã phê chuẩn Kigali từ ngày 1/1/2033, đồng nghĩa với việc ngành công nghiệp sử dụng HFC của Việt Nam sẽ bị cắt nguồn cung. Qua khảo sát, các nhà nhập khẩu môi chất lạnh lớn ở Việt Nam cho rằng, việc nhập khẩu loại môi chất lạnh mới phụ thuộc vào thị trường cung cấp và nhu cầu thực tế, vì vậy, họ sẵn sàng thực hiện theo quy định chung về việc loại trừ dần các chất HFC.

Việt Nam không sản xuất các chất HFC và việc nhập khẩu HFC để đáp ứng nhu cầu sử dụng ở Việt Nam do Cục Hóa chất, Bộ Công Thương chủ trì quản lý theo Luật Hóa chất. Tổng cục Hải quan và các cơ quan hải quan địa phương chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát, kiểm tra việc nhập khẩu các chất HFC và các hóa chất liên quan. Bởi vậy, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước là phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý, kiểm soát nhập - xuất khẩu các chất HFC theo đúng lộ trình loại trừ dần của Sửa đổi, bổ sung Kigali; cũng như tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát việc sử dụng tại các doanh nghiệp có liên quan.

Theo lộ trình đến năm 2045, Việt Nam phải loại trừ được 80% tổng lượng các chất HFC, chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất thiết bị lạnh và điều hòa không khí, phòng cháy chữa cháy.

Ngày 14/9 tới, Bộ TN&MT sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế Bảo vệ tầng ô dôn tại Việt Nam với Chủ đề “Vững tâm, tiếp tục bảo vệ tầng ô dôn và khí hậu của chúng ta”, cùng với Tọa đàm về tác động kinh tế - xã hội khi Việt Nam phê chuẩn Bản sửa đổi, bổ sung Kigali về kiểm soát và loại trừ các chất HFC trong khuôn khổ thực hiện Nghị định thư Montreal.

Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm cũng diễn ra Lễ trao thưởng cho các doanh nghiệp tích cực tham gia vào hoạt động chuyển đổi công nghệ, góp phần bảo vệ tầng ô dôn và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu từ dự án “Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam” và dự án “Trình diễn chuyển giao công nghệ giảm phát thải KNK và các chất làm suy giảm tầng ô dôn trong lĩnh vực làm lạnh công nghiệp.

Khánh Ly

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn