Toàn bộ hệ thống kiến trúc gồm: giàn gỗ cột, kèo, đòn tay, trụ lỏng… đã được xây dựng cách đây trên cả trăm năm và cả loại gạch ghè dùng xây văn chỉ Vĩnh Xương - loại gạch cổ rất quý, đã bị tháo dỡ để bán với cái giá 23 triệu đồng.
Vụ việc này đã thực sự gây bức xúc cho giới nghiên cứu văn hoá, nhất là người dân TP.Nha Trang, những người từng gắn bó cuộc đời mình với di tích.
Những ngày qua, dư luận ở TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà đang bức xúc về vụ phá miếu thờ đạo học hay còn gọi là văn chỉ Vĩnh Xương ở phường Phương Sơn. Đây là một di tích có giá trị, được xây dựng theo chỉ dụ của triều vua Tự Đức năm thứ 3 (năm 1849), tượng trưng cho niềm tự hào về truyền thống hiếu học của người dân vùng đất Nha Trang xưa.
Mặc dù tỉnh Khánh Hoà vừa có chủ trương phục dựng lại di tích sau sự cố đáng tiếc vừa qua, nhưng đây có thể xem là một bài học đắt giá về việc quản lý di tích, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc theo Luật Di sản văn hoá.
Không ai còn có thể nhận ra miếu thờ Đạo học, hay còn gọi là miếu thờ Khổng Tử có quy mô và giá trị văn hoá lịch sử còn lại của vùng đất Nha Trang xưa. Tất cả đều bị phá bỏ như một phế tích.
Vì sao Văn chỉ Vĩnh Xương bị phá dỡ? Lý do mà chính quyền địa phương đưa ra là để xây dựng Trạm y tế. Một kiểu nguỵ biện thiếu thuyết phục, nếu không nói là cố tình vi phạm Luật Di sản văn hoá, vì ai cũng biết đây là di tích lịch sử văn hoá có giá trị, ngay cả những người dân bình thường.
Theo ông Nguyễn Văn Thích, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý di tích danh lam thắng cảnh tỉnh Khánh Hoà: "Chính quyền địa phương đã cố tình lờ đi, không kê khai di tích trong đợt kiểm kê di tích văn hoá mà ngành Văn hoá thông tin trước đây triển khai vào năm 2002".
Những hình ảnh tư liệu mà ông Thích giữ lại được trên máy vi tính cho thấy, di tích này xứng đáng được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Sự quản lý lỏng lẻo, vô ý thức, thiếu trách nhiệm đã gây nên hậu quả đáng tiếc này.
Sau vụ phá di tích, bán di vật văn chỉ Vĩnh Xương vỡ lở, Sở VH-TT-DL Khánh Hòa cùng UBND TP.Nha Trang đã họp liên ngành và thống nhất kiến nghị UBND tỉnh xem xét, chi ngân sách nhà nước mua lại toàn bộ di vật để phục dựng văn chỉ Vĩnh Xương vừa bị đập phá chỉ hơn một tháng với mức giá 220 triệu đồng - mức giá cao gấp gần mười lần số tiền đã bán trước đó. Đó là chưa kể chi phí phục dựng văn chỉ Vĩnh Xương.
Dẫu vậy, cái giá ấy vẫn không đắt bằng những gì mà con người, chính quyền địa phương đã hành xử với một di tích của một nền giáo dục cổ đáng được trân trọng, giữ gìn.