(TITC) – Di sản văn hóa Việt Nam được coi là nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch. Ở nhiều địa phương, bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị của di sản đã góp phần đưa di sản trở thành sản phẩm văn hóa – du lịch hấp dẫn và thu hút đông đảo du khách tham quan, khám phá.
Khu phố cổ Hội An là điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế
Năm 1999, Khu phố cổ Hội An vinh dự được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Kể từ đó, nhiều dự án đầu tư tu bổ các di tích, nâng cấp cơ sở hạ tầng và cảnh quan đô thị, chính sách liên kết giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch được UBND tỉnh Quảng Nam triển khai thực hiện. Tỉnh cũng đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ khoa học về di sản văn hóa... Điều này đã góp phần thay đổi cơ bản bộ mặt đô thị của Khu phố cổ Hội An khi những dãy nhà từng đứng trước nguy cơ bị xuống cấp nay trở thành điểm du lịch thu hút du khách, các làng nghề truyền thống được khôi phục và bảo tồn đem lại lợi ích kinh tế cho người dân.
Đến nay, Di sản văn hóa Hội An đã trở thành thương hiệu hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Hình ảnh về một đô thị cổ Hội An hiền hòa, cổ kính với những dãy nhà sơn vàng nằm bên bờ sông Hoài thơ mộng, những di tích lịch sử đáng quý và sự mến khách nồng hậu của người dân đã đọng lại trong tâm trí của bất kỳ du khách nào khi ghé thăm Hội An. Nếu như năm 1999, Hội An mới chỉ đón gần 160.000 lượt khách tham quan và có 17 cơ sở lưu trú thì đến năm 2017, con số này đã lên đến hơn 3,2 triệu lượt (trong đó gần 1,8 triệu lượt khách quốc tế) và hơn 540 cơ sở lưu trú (với nhiều loại hình như biệt thự, khách sạn, nhà nghỉ, homestay).
Theo thống kê, tỷ trọng cơ cấu kinh tế của nhóm ngành Dịch vụ - Du lịch – Thương mại năm 2017 chiếm 70,1%, thu nhập bình quân đầu người đạt 40,9 triệu đồng/người/năm đã góp phần giúp người dân, đồng thời cũng là chủ di tích có điều kiện bảo tồn, tu bổ di tích. Hội An được đánh giá là địa phương thành công trong việc bảo tồn di sản và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân bằng định hướng phát triển du lịch.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Câu chuyện thành công từ Hội An đã phần nào khẳng định mối liên kết chặt chẽ giữa bảo tồn giá trị di sản với phát triển du lịch. Công tác tu bổ, bảo tồn di tích được Chính phủ hỗ trợ trực tiếp tại các địa phương trên cả nước với 3 hạng mục gồm Chống xuống cấp, Tu bổ di tích và Tôn tạo di tích. Giai đoạn 2016 – 2018, cả nước có 238 di tích được tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí lên đến 124,4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, nhận thức của người dân trong hoạt động bảo vệ di tích cũng được chuyển biến và nâng cao rõ rệt. Qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cộng đồng đã hiểu rõ hơn và tham gia tích cực trong công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy di tích.
Nhờ sự chung tay của chính quyền và cả cộng đồng, các di tích sau khi tu bổ, cải tạo đã trở thành sản phẩm văn hóa – du lịch hấp dẫn, các địa phương có di tích cũng trở thành địa chỉ du lịch thu hút đông đảo du khách tới tham quan, khám phá. Có thể kể đến các địa điểm như Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Đền Hùng, Khu di tích Yên Tử, Dinh Thống Nhất, Đền Ngọc Sơn, Văn Miếu – Quốc Tử Giám…
Tại Hội nghị “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững” được tổ chức vào cuối tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ sự ấn tượng về lượng khách tăng mạnh tại các khu di sản ở Việt Nam trong những năm gần đây. “Trong năm 2017, chỉ tính riêng các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam đã đón trên 16 triệu lượt khách (trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế), doanh thu từ vé tham quan đạt trên 2.500 tỷ đồng. Đặc biệt, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành những điểm nhấn thu hút du khách, tạo nên thương hiệu riêng của các địa phương có di sản”, Thủ tướng nêu rõ.
Con số trên cho thấy sự đóng góp to lớn của các di sản trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, từ đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân cư nơi có di sản. Di sản được coi là nguồn lực hấp dẫn của du lịch, phát triển du lịch bền vững gắn với di sản còn góp phần bảo vệ và phát huy có hiệu quả giá trị của hệ thống di sản Việt Nam.
Khánh Trang