Với lượng khác du lịch tăng đột biến, Côn Đảo đang đứng trước nguy cơ quá tải về khách du lịch và kéo theo đó là những hệ lụy về môi trường.
Theo Ban quản lý KDL quốc gia Côn Đảo, 6 tháng đầu năm 2018, huyện Côn Đảo đón và phục vụ 153.717 lượt khách du lịch, tăng 41,01% so với cùng kỳ, trong đó có 16.572 lượt khách quốc tế; doanh thu du lịch đạt 730,8 tỷ đồng, tăng 36,77% so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên, theo thông tin trên báo Bà Rịa Vũng Tàu, mặc dù lượng khách du lịch đến với Côn Đảo tăng cao, nhưng chủ yếu là khách di lịch nội địa. Còn lượng du khách quốc tế là đối tượng mà du lịch Côn Đảo hướng đến lại đang có xu hướng giảm mạnh.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2018 chỉ có 2.218 lượt, doanh thu chỉ đạt 14 tỉ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ.
Lượng khách đến Côn Đảo tăng cao là do phương tiện giao thông nối với đất liền dồi dào hơn: Tàu cao tốc Superdong Kiên Giang tuyến Sóc Trăng - Côn Đảo tần suất 4 chuyến/ngày; tàu Côn Đảo 9, 10 cải thiện cung cách phục vụ và Hãng hàng không Vasco tăng 14 chuyến/ngày (gồm cả tuyến Côn Đảo - Cần Thơ) khi khách đông hoặc thời tiết xấu, tàu thủy không được xuất bến. Bên cạnh đó, công tác quảng bá hình ảnh, môi trường, hoạt động kinh doanh du lịch được giám sát chặt chẽ, ANTT bảo đảm giúp du khách yên tâm du lịch tại Côn Đảo.
Với lượng khác du lịch tăng đột biến, Côn Đảo đang đứng trước nguy cơ quá tải về khách du lịch. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 57 cơ sở lưu trú với 955 phòng, sức chứa 2.432 khách/đêm nhưng những ngày cuối tuần, lễ, tết thường xuyên thiếu phòng.
Ngoài ra, cùng với việc lượng khách du lịch tăng mạnh, còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái tự nhiên của đảo. Đặc biệt, Vườn quốc gia Côn Đảo với hệ động, thực vật phong phú, cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ô nhiễm môi trường cùng những tác động tiêu cực do con người gây ra.
Trao đổi với báo Nhân dân, Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo Nguyễn Khắc Pho cho biết: “Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến Côn Đảo ngày càng tăng, với mỗi ngày có trung bình từ 10 chuyến bay và ba tới bốn chuyến tàu khách từ miền tây Sóc Trăng tới. Bên cạnh những đóng góp về mặt kinh tế, góp phần thúc đẩy ngành du lịch - thương mại trên đảo phát triển thì cũng đã và đang gây rất nhiều áp lực đối với việc bảo tồn, giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên của đảo. Đặc biệt, khi Vườn quốc gia Côn Đảo đã được công nhận là khu Ramsar của thế giới và là Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam”.
Trước những áp lực rất lớn về sự quá tải của lượng khách du lịch đến Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo các sở, ngành địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch, giải pháp nhằm hỗ trợ huyện Côn Đảo xử lý những hệ lụy do sự phát triển quá “nóng” về lượng du khách ra đảo ngày càng tăng hiện nay.
Trao đổi với Người Lao động, Ông Trịnh Hàng - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh BR-VT, nói rằng theo quy hoạch, năm 2030 Côn Đảo sẽ đón 300.000 lượt khách, trong đó 40% lượng khách quốc tế. Tuy nhiên, dự kiến đầu năm 2019, chậm nhất là 2020 lượng du khách đã vượt quy hoạch được phê duyệt. Điều này đang khiến chính quyền địa phương lo lắng, bởi hạ tầng để phục vụ chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là vấn đề về điện, nước, xử lý rác và nước thải.
Ông Hàng thông tin Sở Du lịch tỉnh BR-VT không ủng hộ việc UBND TP. Cần Thơ vừa đề nghị mở tuyến tàu cao tốc từ TP. Cần Thơ đi Côn Đảo. Ông Hàng cho rằng dù không thể hạn chế lượng khách ra đảo nhưng Sở Du lịch tỉnh BR-VT đã có ý kiến về việc hạn chế mở thêm các tuyến tàu và sẽ thường xuyên có ý kiến về vấn đề này. Lý do ông Hàng đưa ra là bây giờ nên tập trung nâng chất cho tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo.
“Chúng tôi đã và đang ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, cân nhắc nhiều giải pháp khác nhau, đo lường đưa ra phương án tối ưu, làm sao để vừa phát triển được du lịch vừa bảo vệ được hệ sinh thái tại đảo đúng như chủ trương của UBND tỉnh đề ra” - ông Trịnh Hàng chia sẻ.
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của nhiều địa phương, nhưng cùng với phát triển du lịch thì nhiều địa phương cũng đang phải trả giá đắt do ô nhiễm môi trường.