Sở TN&MT TP Hải Phòng vừa tổ chức Hội thảo đánh giá tác động và lập Quy hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Ông Trần Văn Phương, Giám đốc Sở TN&MT TP Hải Phòng chủ trì Hội thảo. Dự Hội thảo về phía Nhật Bản: Tiến sỹ Koji Kumamaru, Phó vụ trưởng Vụ Thích ứng với biến đổi khí hậu, Cục Môi trường Toàn cầu, Bộ Môi trường Nhật Bản; Tiến sỹ Kiyoshi Takahashi - Trưởng phòng Giảm thiểu tác động xuyên biên giới, Viện nghiên cứu Môi trường Quốc gia Nhật Bản; Tham gia Hội thảo có đại diện lãnh đạo sở, ngành, địa phương và các đơn vị.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu trình bày và thảo luận những nội dung: các hành động thích với BĐKH ở Việt Nam hiện nay, trong tương lai và những kỳ vọng cho đô thị ở Việt Nam; thực trạng, kết quả đạt được và những thách thức trong việc thực thi các chính sách về thích ứng với BĐKH tại thành phố Hải Phòng; tiến trình đánh giá tác động của BĐKH ở TP Hải Phòng; lồng ghép thích ứng BĐKH vào quy hoạch phát triển của các địa phương.Hội thảo nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực ứng phó của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế - xã hội, học sinh, sinh viên, cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố, hướng tới mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD công bố ngày 5/7/2007, Hải Phòng là 1 trong 10 thành phố trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất bởi BĐKH trong vòng 70 năm tới. Thời gian qua, BĐKH trên địa bàn TP Hải Phòng đang ngày càng rõ nét. Những biến đổi đó tác động trực tiếp vào đời sống của nhân dân và sự phát triển của thành phố. Việc thích ứng và giảm nhẹ những thiệt hại do BĐKH gây ra đã và đang trở thành những nhiệm vụ chiến lược của Việt Nam nói chung và TP Hải Phòng nói riêng trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Xác định thích ứng với BĐKH là nhiệm vụ quan trọng, năm 2014 UBND TP Hải Phòng ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH và nước biển dâng của thành phố Hải Phòng đến năm 2025.
Thời gian qua, TP Hải Phòng cũng hợp tác với Nhóm Nghiên cứu mô hình tích hợp Châu Á-Thái Bình Dương Nhật Bản (gồm Trường Đại học Ritsumeikan, Viện Nghiên cứu Môi trường quốc gia Nhật Bản, Viện Chiến lược môi trường toàn cầu và Viện Nghiên cứu và thông tin Mizuho Nhật Bản) xây dựng “Kịch bản các bon thấp cho thành phố Hải Phòng” cho lĩnh vực sử dụng năng lượng. Theo tính toán của Nhóm nghiên cứu thì thành phố Hải Phòng có thể giảm được 4,6 triệu tấn CO2 quy đổi, tương đương với 14% tổng lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 trong kịch bản phát thải có tính đến các biện pháp giảm thiểu (2030CM) so với kịch bản phát thải thông thường (2030BaU). Mục tiêu giảm phát thải này của thành phố là phù hợp với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia được thể hiện trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (giảm từ 10-20%) và trong Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định về BĐKH của Việt Nam (8-25%).
Việc Hải Phòng được lựa chọn tham gia Dự án “Nghiên cứu hỗ trợ cho công tác quy hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam” sẽ giúp cho thành phố thực hiện tốt hơn các hoạt động thích ứng với BĐKH, đặc biệt là đối với việc lồng ghép thích ứng với BĐKH vào trong công tác lập các quy hoạch phát triển chung của thành phố cũng như các quy hoạch chuyên ngành khác. Từ đó có thể giảm thiểu được tối đa các tác động của BĐKH đến thành phố Hải Phòng.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Văn Phương, Giám đốc Sở TN&MT TP Hải Phòng đánh giá, Hội thảo là kết quả của sự phối hợp giữa UBND TPHải Phòng và Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT Việt Nam với Bộ Môi trường Nhật Bản. Đơn vị trực tiếp được Bộ Môi trường Nhật Bản ủy quyền phối hợp là Trường Đại học Kyoto và Công ty Tư vấn PACIFIC. Hội thảo là một phần của Dự án “Nghiên cứu hỗ trợ cho công tác quy hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam” và Hải Phòng được chọn là một trong 3 tỉnh thành phố tham gia dự án cùng với Huế và Đà Nẵng.
Đăng Hùng