Quảng Bình: Người dân cùng nhau thu gom rác bảo vệ tài nguyên, môi trường biển

Cập nhật: 05/10/2018
Thực hiện theo mô hình “Khu dân cư bảo vệ tài nguyên, môi trường biển”, người dân tại nhiều địa phương ở Quảng Bình đã tập trung thành từng nhóm thu gom, phân loại rác, tổng vệ sinh dọn sạch rác ở khu dân cư và đặc biệt là dọc các bờ biển.

Mô hình “Khu dân cư bảo vệ tài nguyên, môi trường biển” tại các xã ven biển do Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình phát động từ năm 2017. Mục đích của mô hình này là giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen về việc vứt rác nơi bờ biển.
 

Người dân tổ chức thu gom rác tại bờ biển


Tháng 6/2017, thôn Bắc Phú, xã Quang Phú được chọn làm điểm thực hiện mô hình “Khu dân cư bảo vệ tài nguyên môi trường biển”. Sau một năm triển khai, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường biển ở Bắc Phú được thực hiện bằng những hành động cụ thể như: Thường xuyên tổng vệ sinh ở khu dân cư vào ngày chủ nhật; Thực hiện hiệu quả mô hình “Khu dân cư ngày Chủ nhật xanh- sạch- đẹp”; Giữ gìn cảnh quan thôn xóm; Tổ chức ra quân tổng dọn vệ sinh bờ biển; vận động 98% hộ dân sử dụng nước sạch; Thực hiện đề án thu gom rác thải đạt 94%.
 

Việc thu gom rác thải dọc bờ biển đã được triển khai tại nhiều địa phương ở Quảng Bình

Người dân tại thôn Bắc Phú, xã Quang Phú tổ chức thành nhóm, cùng nhau làm vệ sinh, thu gom, phân loại rác thải dọc bờ biển Quang Phú vào chiều chủ nhật hàng tuần.
 

Trao đổi với chúng tôi, chị Lê Thị Minh Ngọc, cho biết: “Tôi thường xuyên tham gia các chương trình hoạt động của ngày thứ 7 tình nguyện, chủ nhật xanh, vệ sinh, bảo vệ môi trường biển, giữ gìn đường làng ngõ xóm xanh sạch đẹp. Tôi thấy đây là việc làm rất ý nghĩa, đặc biệt là thế hệ trẻ nâng cao ý thức, tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, bảo vệ môi trường biển”.
 

Với mô hình này ý thức giữ gìn vệ sinh chung của người dân càng được nâng cao.

Mô hình thu gom rác này, cũng đã được tổ dân phố 7, phường Hải Thành triển khai mô hình tại bờ biển Nhật Lệ. Không chỉ thu gom, phân loại rác người dân Tổ dân phố 7 cũng thường xuyên đến các nhà hàng, khách sạn đóng trên địa bàn để vận động thực hiện công tác vệ sinh môi trường sau mỗi ngày buôn bán, kinh doanh. Vận động các chủ nhà hàng, khách sạn bên bờ biển phải có vật dụng chứa rác thải; chất thải bảo đảm không gây ô nhiễm trước khi đưa đến nơi xử lý. Không vứt rác bừa bãi ra đường, xuống biển, bảo đảm vệ sinh khu vực công cộng....
 

Còn tại thôn Nam Đức, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch người dân ký cam kết không đánh bắt những loại cá quý có nguy cơ tuyệt chủng. Không săn bắt các động vật quý hiếm, không đánh bắt thuỷ sản bằng những hình thức sử dụng các chất nổ, xung kích điện khiến động vật bị tuyệt chủng. Cùng tuyên truyền vận động mọi người giữ gìn vệ sinh, thu gom rác thải xung quanh bờ biển, không vứt rác bừa bãi. Không sử dụng tài nguyên bừa bãi, bảo vệ rừng phòng hộ và trồng thêm cây chắn cát.
 

Quảng Bình là tỉnh có nhiều bãi biển thu hút du lịch vì vậy việc thu gom rác cần được thực hiện nhiều hơn

Ông Nguyễn Khánh- Chủ tịch UBMT TQVN phường Hải Thành, TP. Đồng Hới, cho biết: “Những ngày đầu lúc mới triển khai thực hiện, số hộ dân tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường biển còn ít, chưa thường xuyên. Để từng bước nâng cao ý thức của người dân về giữ gìn vệ sinh chung, nhất là môi trường biển, thông qua các buổi họp dân, Ban công tác mặt trận Tổ dân phố 7 đã lồng ghép tuyên truyền các nội dung của Bản cam kết thực hiện mô hình”.
 

Mô hình “Khu dân cư bảo vệ tài nguyên, môi trường biển” được thực hiện không chỉ giữ gìn môi trường sống xanh sạch đẹp mà còn nâng cao ý thức của người dân về việc giữ gìn vệ sinh chung trong cộng đồng, tính tự giác bảo vệ môi trường.

Hồng Thiệu

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn