Bình Thuận: Nhiều giải pháp chống xói lở bờ biển

Cập nhật: 05/10/2018
UBND tỉnh Bình Thuận vừa có công văn số 4179 chỉ đạo các Sở ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển triển khai thực hiện các giải pháp chống xói lở bờ biển tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Tình trạng xói lở bờ biển tại Bình Thuận ngày càng diễn biến phức tạp

Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Sở NN&PTNT nghiên cứu, rà soát để có hướng dẫn xác định cao trình đỉnh kè cho các khu vực ven biển sao cho phù hợp với công năng sử dụng và không che khuất tầm nhìn ra biển, nhằm thống nhất quản lý về xây dựng các công trình kè chống xói lở bờ biển, đồng thời phục vụ quản lý quy hoạch xây dựng ven biển trên địa bàn toàn tỉnh; phối hợp với các Sở ngành liên quan triển khai lập Quy hoạch phát triển thủy lợi tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2040.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp Hiệp hội Du lịch tỉnh có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh chấp hành đúng quy định của pháp luật trong quá trình triển khai thi công công trình kè bảo vệ bờ biển, không được tự ý xây dựng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; thực hiện việc xây dựng kè theo Công văn hướng dẫn số 2031 ngày 25/6/2018 của Sở NN&PTNT, trong đó khuyến khích áp dụng hai mẫu thiết kế kè bờ điển hình ban hành kèm theo Hướng dẫn để đảm bảo tính đồng bộ.

Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp Sở NN&PTNT và các sở ngành liên quan làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Đông Dương - Bình Thuận để có giải pháp cụ thể nhằm xử lý việc xói lở bờ biển và đường giao thông phía Nam cầu cảng khu trung chuyển xăng dầu Hòa Phú. Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với UBND các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, TX.La Gi và TP.Phan Thiết thường xuyên tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp cố ý xây dựng kè trái phép, không đúng theo quy định hiện hành.

UBND tỉnh Bình Thuận cũng giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Sở NN&PTNT, Sở Xây dựng rà soát, nghiên cứu về các thủ tục đất đai liên quan đến việc xây dựng các công trình kè biển liền kề với khu vực các dự án du lịch nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp rút ngắn thời gian thực hiện, hoàn chỉnh thủ tục xây dựng.

Trước đó, Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường đã có bài viết phản ánh về tình trạng xói lở bờ biển trên địa bàn tỉnh Bình Thuận ngày càng diễn biến phức tạp. Cụ thể, từ đầu năm 2018 đến nay, tại huyện Tuy Phong, đã xảy ra tình trang sạt lở bờ biển rất nghiêm trọng tại thị trấn Liên Hương, với chiều dài hơn 1.000 m, biển xâm thực vào đất liền từ 30 - 80 m làm sập hoàn toàn 29 căn nhà, đe dọa hàng trăm căn nhà khác của các hộ dân đang sinh sống.

Còn tại TP.Phan Thiết, sạt lở xảy ra ở khu phố 2 và 3, phường Hàm Tiến; khu phố 5, phường Đức Long và xã Tiến Thành. Hiện nay, tại TP.Phan Thiết có 41 căn nhà bị đổ sập hoàn toàn và hơn 50 căn nhà khác có nguy cơ bị hư hỏng do triều cường, sóng biển tàn phá. Cũng tại TX.La Gi, trên tuyến bờ biển phường Phước Lộc, xã Tân Phước, bị sạt lở hơn 1.200m, biển xâm thực vào đầt liền từ 80 - 150m. Hiện tại, có 10 căn nhà bị sập hoàn toàn và 100 căn nhà có nguy cơ bị hư hỏng do triều cường gây ra…

Linh Nga

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn