function goto_link(ID) {window.location = '/monreNet/Default.aspx?tabid=250&ItemID='+ID;}
Tất cả các công trình xây dựng trên đảo, ven bờ đều bạt núi, lấp biển; đó là chưa kể mỗi ngày danh thắng vịnh Nha Trang phải hứng chịu khoảng 10 tấn rác thải cộng với hàng ngàn m³ nước thải tấn công.
Một nghiên cứu mới đây của Viện Hải dương học Nha Trang cảnh báo: "Rất có thể 30 năm nữa, vịnh Nha Trang sẽ không còn san hô sống!".
San lấp vô tội vạ!
Vịnh Nha Trang có tổng diện tích tự nhiên xấp xỉ 250km². Thời điểm này, chính quyền địa phương cũng như các cơ quan quản lý tài nguyên môi trường và cả Ban Quản lý Khu bảo tồn biển (KBTB) vịnh Nha Trang đều chưa kiểm tra, thống kê chính xác có bao nhiêu diện tích mặt nước đã biến mất trong vòng 5 năm trở lại đây, do các chủ đầu tư đua nhau bạt núi, lấp biển để mở rộng diện tích xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp... Mỗi dự án có quy mô từ vài chục đến vài trăm, thậm chí hơn 500ha, kể cả mặt đất và mặt nước.
Để thực hiện việc mở rộng 1ha mặt đất, chủ đầu tư đã đổ xuống mặt biển hàng vạn mét khối đất đá, thậm chí phải khoan cọc nhồi bêtông hóa đáy biển, xây bờ kè, cầu cảng...
Ban quản lý KBTB vịnh Nha Trang cho biết, khoảng hơn 20ha rừng ngập mặn, cỏ biển, san hô... xung quanh đảo Hòn Tre đã và đang bị các nhà đầu tư chôn vùi không thương tiếc. Một nghiên cứu mới đây của Viện Hải dương học Nha Trang đã cảnh báo: "Khối trầm tích xuất hiện trong vịnh Nha Trang theo chiều hướng gia tăng, độ che phủ san hô sống giảm từ 52,4% (năm 1994) xuống chỉ còn 21,2% (năm 2005); với đà này, rất có thể 30 năm nữa vịnh Nha Trang sẽ không còn san hô sống".
Vấn đề nghiêm trọng là ở chỗ, phần lớn chủ đầu tư các dự án du lịch đều "quên" lập dự án đánh giá tác động môi trường trước khi khởi công xây dựng! Ban Quản lý KBTB vịnh Nha Trang chưa được chính quyền địa phương cho phép thực thi chức năng, nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, ngăn chặn việc san lấp mặt vịnh.
Rác thải, nước thải... tấn công!
Diện tích khu vực nội ô TP.Nha Trang xấp xỉ 35,764km², dân số dao động trong khoảng 275.000 người, cộng thêm khoảng 5.000 cư dân sinh sống trên các đảo; đó là chưa kể mỗi năm đón khoảng 1,2 triệu lượt khách du lịch lưu trú và nhiều triệu lượt khách vãng lai. Theo thống kê của Ban Quản lý KBTB vịnh Nha Trang, mỗi ngày có khoảng 10 tấn rác thải du lịch, cộng với rác thải sinh hoạt của dân cư trên 6 khóm đảo đổ xuống biển; ngoài ra, còn không biết cơ man nào thức ăn thừa của hàng ngàn lồng, bè nuôi hải sản và chất thải từ vô số nhà vệ sinh không có hầm chứa trên mặt nước. Vùng lõi Hòn Mun là khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt, tuy nhiên mùa du lịch cao điểm, mỗi ngày có khoảng 40 tàu thuyền du lịch cùng với 500-600 khách qua lại, lặn ngắm san hô và tắm biển.
Công ty Cấp thoát nước Khánh Hòa cho biết, toàn TP.Nha Trang chỉ có 55,54km cống nước ngầm thoát mưa. Chiều dài hệ thống cống thoát nước mưa chỉ bằng 1/3 tổng chiều dài đường phố, vậy nên Nha Trang áp sát biển mà hễ mưa là ngập. Theo thiết kế, tất cả các tuyến cống chính ở khu vực trung tâm đều chạy theo hướng bắc-nam, xả xuống sông Cái và sông Quán Trường. Riêng khu dân cư phía bắc sông Cái và phía nam sân bay Nha Trang, chủ yếu lắp đặt cống theo hướng đông-tây, xả thẳng ra biển hoặc ruộng đồng.
Dự án cải tạo điều kiện vệ sinh môi trường TP.Nha trang đang triển khai thi công, dự kiến đến năm 2014 mới hoàn thành, điều đó nghĩa là trong vòng gần 1 thập niên tới, vịnh Nha Trang vẫn trên đà... ô nhiễm nặng!.