Diễn đàn sức khỏe hành tinh châu Đại Dương đã khai mạc tại Nadi, thành phố lớn thứ ba của Fiji ngày 5/11.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Y tế nước chủ nhà Fiji, bà Rosy Akbar đã kêu gọi chấm dứt sự tự mãn trước những kết quả đạt được trong cuộc chiến chống thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu.
Bà Akbar nhấn mạnh: “Biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và tình trạng tàn phá rừng đã ảnh hưởng đến cách thức, thời điểm và địa điểm các dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát. Biến đổi khí hậu, hạn hán, bão mạnh đã làm cho việc phát triển lương thực trở nên khó khăn hơn, trong khi sự mất cân bằng dinh dưỡng làm cho con người trở nên dễ bị suy dinh dưỡng và mắc bệnh.”
Great Barrier – rạn san hô lớn nhất thế giới ở Australia. (Nguồn: TTXVN phát)
Bà Akbar nêu rõ ô nhiễm không khí có thể đưa đến các bệnh tim mạch, hô hấp và các bệnh khác. Lốc xoáy và bão mạnh gây nguy hiểm cho tính mạng của con người. Người dân cũng phải đối phó với các hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe tâm thần. Chưa bao giờ tác động của con người lên tự nhiên trên Trái Đất lại lớn như vậy.
Phó Tổng Thư ký Diễn đàn các hòn đảo Thái Bình dương (PIFS), bà Cristelle Pratt cũng lưu ý tác động nghiêm trọng của nhiệt độ nước biển và tình trạng acid hóa nước biển đang tăng đối với “sức khỏe” của Thái Bình Dương, sau đó sẽ tác động tới an ninh lương thực trong các cộng đồng.
Bà Pratt cho biết: “Hiện các dải san hô ngầm là một trong những hệ tự nhiên đang bị suy thoái nhanh nhất trên hành tinh và mối liên hệ của chúng với an ninh lương thực của người dân Thái Bình Dương là rất rõ rệt và gây lo ngại trong tương lai”.