Quản lý chất thải nhựa trên biển: Cần chính sách toàn diện

Cập nhật: 08/11/2018
Tại Hội thảo về chính sách, công nghệ xử lý rác thải nhựa do Bộ TN&MT tổ chức, các nhà khoa học, chuyên gia đã để xuất một khung chính sách để giảm thiểu, quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam.

Chưa có cơ chế giảm nhẹ rác thải nhựa

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, có tới 94% lượng nhựa đi vào môi trường biển, tập kết ở đáy đại dương với mật độ ước tính 70 kg/km2 đáy biển, tương ứng khoảng 25,3 triệu tấn; chỉ 1% chất thải nhựa trên biển được tìm thấy nổi trên bề mặt, hoặc gần bề mặt biển. Lượng rác ước tính trên các bãi biển toàn cầu lớn hơn 5 lần lượng rác nổi với mật độ rất cao 2.000kg/km2 tương ứng 1,4 triệu tấn. Theo dự báo của các nhà khoa học, khối lượng rác nhựa đến năm 2050 ở các đại dương, sẽ nặng hơn khối lượng của cá. Và Việt Nam được xếp thứ 17/109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới.

Trong khi đó, chúng ta lại chưa có một khuôn khổ chung hay một cơ chế, kế hoạch cụ thể cho những hoạt động, hành động giảm nhẹ rác thải nhựa ra biển và đại dương; chưa có quy định rõ ràng về việc quản lý rác thải biển đặc biệt là quản lý rác nhựa biển; thiếu thông tin để đánh giá tác động của rác nhựa biển đối với các môi trường, kinh tế, sức khoẻ và an toàn của con người, và các giá trị xã hội vùng ven biển.

đề xuất khung chính sách giảm thiểu rác thải nhựa

Các nhà khoa học, chuyên gia đã đề xuất một khung chính sách để giảm thiểu, quản lý rác thải nhựa Việt Nam. Ảnh: MH

Mặc dù, Việt Nam đã có các văn bản luật pháp liên quan đến quản lý chất thải nhựa đã có của như Luật Bảo vệ môi trường 2014 (BVMT), Chiến lược BVMT quốc gia đến 2020, tầm nhìn 2030; Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến 2025, tầm nhìn 2050; Luật thuế BVMT 2010; Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu, các tiêu chuẩn, QCKTQG về môi trường liên quan đến chất thải rắn… nhưng chưa có những chính sách cụ thể để  quản lý, giảm thiểu chất thải nhựa trên biển.

Đề xuất khung chính sách

Tại hội thảo về chính sách, công nghệ xử lý rác thải nhựa, các nhà khoa học, quản lý đều cho rằng, để đạt được mục tiêu giảm thiểu chất thải nhựa trên biển Việt Nam cần phải có những chính sách ưu tiên rõ ràng, cụ thể cho từng khu vực. Ông Vũ Thanh Ca - Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo đã đề xuất những chính sách cần ưu tiên cho các khu vực ven biển, trên biển và đất liền.

Theo ông Ca, để giảm thiểu rác thải nhựa từ đất liền cần phải gắn trách nhiệm cho nhà sản xuất và phân phối bao bì nhựa bằng cách buộc họ đóng thuế môi trường cho bao bì nhựa, thu gom lại bao bì nói chung và nhựa nói riêng, không cung cấp bao bì dùng một lần cho người sử dụng ở tất cả các phân khúc. Áp thuế đặc biệt cho việc kinh doanh có sử dụng bao bì dung 1 lần đối với người cung cấp hàng hóa; người mua hàng, công ty thu gom chất thải. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả của việc thu gom chất thải rắn, hỗ trợ nghiên cứu các giải pháp công nghệ phù hợp để giảm tối đa khả năng phát thải chất thải nhựa vào môi trường.

Đối với vùng ven biển, cần triển khai lồng ghép các mục tiêu và chỉ tiêu phát triển trong chiến lược “phát triển kinh tế biển xanh” với “kiểm soát ô nhiễm chất thải nhựa vùng ven biển”; phát triển các chính sách kiểm soát chất thải nhựa đối với các công ty du lịch và các hoạt động dịch vụ du lịch đang hoạt động tại các vùng ven biển như xây dựng các quy chế quản lý hoạt động du lịch liên quan đến thu gom rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng đối với các công ty lữ hành, xây dựng các giải pháp kết hợp giáo dục và cưỡng chế với các cơ sở cung cấp dịch vụ phục vụ du lịch ven biển trong yêu cầu động thu gom, giảm thiểu sử dụng bao bì sử dụng 1 lần.

Bên cạnh đó, khuyến khích địa phương ven biển đưa chương trình giáo dục về chất thải rắn là nhựa vào cộng đồng tại trường học, khu dân cư, làng du lịch… hỗ trợ kinh tế đối với hành động phân loại rác thải tại nguồn, đặc biệt đối với bao bì là nhựa, hành vi “nói không với việc sử dụng bao bì 1 lần” đối với tất cả các cơ sở dịch vụ và cộng đồng địa phương vùng ven biển…

Để kiểm soát rác thải nhựa trên biển, các bên cần xây dựng quy chế kiểm soát sử dụng và thải các vật liệu từ nhựa đối với các hoạt động quân sự, kinh tế, du lịch và nghiên cứu khoa học trên biển trên toàn bộ lãnh hải của Việt Nam; lồng ghép việc kiểm soát phát thải nhựa trên biển vào các hoạt động kiểm soát ngư thuyền cũng như các tổ chức ngư nghiệp; nghiên cứu phát triển, xây dựng và ban hành các hướng dẫn quản lý vật liệu nhựa hỏng, hết hạn sử dụng (lưới, phao, bao bì nhựa…) trên các phương tiện vận tải thủy phù hợp với điều kiện Việt Nam và thói quen của ngư dân trên biển; phối hợp với các tổ chức hàng hải trong khu vực để học tập kinh nghiệm cũng như xây dựng các giải pháp chung nhằm kiểm soát hoạt động thải bỏ vật liệu nhựa ra biển trên lãnh hải của Việt Nam và các vùng biển lận cận.

Ngoài ra, nhiều ý kiến mong muốn trước mắt, Bộ TN&MT đánh giá thực trạng các công nghệ đang được áp dụng để thu gom, phân loại, vận chuyển, lưu giữ, tái chế, tái sử dụng, tiêu hủy nhựa thải và đề xuất các dự án thí điểm trước hết đối với mục tiêu quản lý chất thải nhựa vùng ven biển.

Để quản  rác thải nhựa, Bộ TN&MT đã  giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam làm đầu mối thống nhất quản lý về vấn đề rác thải nhựa đại dương; Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo đề xuất thực hiện Dự án: “Điều tra, đánh giá hiện trạng rác thải nhựa ở Việt Nam; đề xuất giải pháp kiểm soát, quản lý”.

Thảo Linh

Nguồn: : TN&MT