Quảng Nam: Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Tuồng cổ xứ Quảng

Cập nhật: 13/11/2018
Tuồng xứ Quảng (Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi), xuất hiện và phát triển từ đầu thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII. Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp quốc gia năm 2015 với những giá trị sở hữu rất độc đáo.

Vừa qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Nam đã tổ chức Hội thảo "Bảo tồn và Phát huy giá trị Nghệ thuật Tuồng cổ Quảng Nam”. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều các chuyên gia nghiên cứu văn hóa, các nghệ nhân, nghệ sĩ từ nhiều nhà hát tuồng của Miền Trung cũng như đại diện ngành văn hóa các huyện đồng bằng.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam luôn chú trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống có nguy cơ mai một, trong đó ưu tiên bộ môn nghệ thuật Tuồng cổ bằng hình thức xã hội hoá, địa phương, nên đã duy trì được hoạt động của các Câu lạc bộ tuồng, một số địa phương trong tỉnh đã tham gia liên hoan nghệ thuật tuồng toàn quốc và giành được nhiều giải thưởng cao.

Cảnh diễn trong một vở tuồng cổ (ảnh minh họa)

Một vở Tuồng được diễn trước công chúng là sự kết hợp của nhiều yếu tố nghệ thuật như: kịch bản, âm nhạc, múa, nghệ thuật hóa trang, phục trang. Kịch bản Tuồng có thể chia làm 4 loại: Tuồng cổ, Tuồng hàn lâm - Tuồng  cung đình, Tuồng dân gian và Tuồng hài. Cấu trúc kịch bản Tuồng được chia thành nhiều hồi, mỗi hồi có nhiều lớp.  

Nghệ thuật hóa trang chính là điểm nổi bật, gây ấn tượng của Tuồng với 3 màu chủ đạo: trắng, đen, đỏ. Qua thủ pháp “tạo khối” được sử dụng để thể hiện hình tượng nhân vật dựa trên màu vẽ khuôn mặt, các đường nét có thể nhận biết đó là nhân vật trung hay gian, thiện hay ác.  

Đề tài, nội dung tư tưởng của Tuồng mang đặc trưng thẩm mỹ bi hùng, với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc.

Cùng với những đặc điểm chung của nghệ thuật Tuồng Việt Nam, Tuồng xứ Quảng còn có những đặc trưng riêng với những tên tuổi nổi danh như: Nguyễn Hiển Dĩnh, Tống Phước Phổ, Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc nghiên cứu những giá trị của nghệ thuật Tuồng cổ Quảng Nam vẫn chưa thực sự được quan tâm đầu tư đúng mức. Ngoài ra, các loại hình văn hoá, giải trí hiện đại ngày nay đã xâm nhập vào đời sống tinh thần của người dân, nên hát tuồng ngày càng bị quên lãng, không thu hút được khán giả, đặc biệt là lớp trẻ.   

Tại Hội thảo lần này, đại diện tỉnh Quảng Nam đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về tuồng cổ, cùng các nhà quản lý trên các lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật. Trên cơ sở đó, Quảng Nam sẽ có những giải pháp cụ thể để tiếp tục bảo tồn, nhằm phát huy giá trị nghệ thuật Tuồng cổ xứ Quảng   một cách hiệu quả hơn, khuyến khích, tạo "đất sống" cho Tuồng xứ Quảng.

Ngọc Khánh

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn