UBND tỉnh Quảng Nam vừa phê duyệt Quyết định số 3370/QĐ-UBND về thực hiện “Đề án hành lang bảo tồn đa dạng sinh học kết nối Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Sao La, Voi và Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh”.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (Quảng Nam)
Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học kết nối Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Sao La, Voi, Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh nằm trên địa bàn 13 xã: A Vương, A Tiêng, A Nông, A Xan, Bhalee, Ch'ơm, Gari, Lăng, Tr'Hy huyện Tây Giang; Chơ Chun, Cà Dy, La Êê, La Dêê huyện Nam Giang.
Mục tiêu của đề án là nhằm kết nối sinh cảnh, tăng cường chất lượng các hệ sinh thái trong hành lang bảo tồn đa dạng sinh học; góp phần duy trì độ che phủ rừng (69%) tại khu vực hành lang bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần duy trì, bảo vệ sinh cảnh cho một số loài mục tiêu trong khu vực hành lang bảo tồn đa dạng sinh học, gồm: Sao La (Pseudoryx nghetinhensis); Vọoc Chà Vá chân nâu (Pygathrix nemaeus); Vọoc Chà Vá chân xám (Pygathrix cinerea); phát huy trách nhiệm cộng đồng, đặc biệt là các chủ rừng trong bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển rừng. Lồng ghép quản lý hành lang bảo tồn đa dạng sinh học vào các chính sách hiện có.
Qua đó, đề xuất cơ chế chính sách mới về hành lang bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời cải thiện sinh kế cộng đồng để tăng thu nhập người dân thông qua các hoạt động lồng ghép triển khai các chính sách bảo vệ và phát triển rừng, xóa đói giảm nghèo, dân tộc, nông nghiệp nông thôn.
Để triển khai thực hiện dự án, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (đầu mối là Tổng cục Môi trường) về quản lý, huy động nguồn lực cho hành lang bảo tồn đa dạng sinh học; xây dựng cơ chế chính sách mới, lồng ghép với các chính sách hiện có để đầu tư, khuyến khích các thành phần tham gia quản lý hành lang bảo tồn đa dạng sinh học.
Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao các Sở, ban, ngành chỉ đạo các đơn vị có liên quan, Ban quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên phối hợp chặt chẽ với chính quyền 2 huyện Tây Giang và Nam Giang trong công tác quản lý các chủ rừng, các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng trong hành lang bảo tồn đa dạng sinh học; giám sát các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng trong hành lang bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn; Phối hợp với các cơ quan đơn vị tuyên truyền, phố biến, tập huấn các hoạt động quản lý hành lang bảo tồn đa dạng sinh học.
Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi (Quảng Nam)
Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh voi có diện tích gần 19 ngàn ha nằm trên 2 xã Quế Lâm và Phước Ninh, huyện Nông Sơn (Quảng Nam) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nhiều loài động thực vật trên thế giới cũng như Việt Nam đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng, rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp, ảnh hưởng đến nơi sống của các loài động vật, tình trạng săn bắn buôn bán ngà voi ngày càng có chiều hướng gia tăng và khó kiểm soát.
Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la nằm phía Tây Bắc của tỉnh Quảng, tổng diện tích tự nhiên khu bảo tồn là 15.400,96 ha gồm 22 tiểu khu. Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la có tính chiến lược dài hạn của Quảng Nam nhằm bảo vệ, bảo tồn và phát triển loài Sao la cùng với các hệ sinh thái và sinh cảnh vùng cư trú thích hợp của loài này, đồng thời bảo vệ các nguồn gen quý còn tồn tại trong Khu bảo tồn.
Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh là địa điểm sinh sống của nhiều loại động vật bậc cao, với 38 loài hiện nay đang nằm trong Sách đỏ của Việt Nam. Không những vậy, hệ động thực vật trên rừng cũng rất đang dạng và phong phú với đầy đủ các chủng loại như chim, bò sát, lưỡng cư, thú… Đây cũng là một trong những nơi hiếm có phát hiện thấy sự sinh sống của những loài thú lớn như voọc vá chân nâu, voi, mang Trường Sơn.
Việc triển khai thực hiện Đề án hành lang bảo tồn đa dạng sinh học kết nối Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la, Voi và Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong kết nối sinh cảnh, tăng cường chất lượng các hệ sinh thái trong hành lang bảo tồn đa dạng sinh học; góp phần duy trì độ che phủ rừng của Quảng Nam.
Ngọc Khánh