Nằm trong khuôn khổ Diễn đàn tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ nhất năm 2018 diễn ra tại Đà Nẵng, các tri thức trẻ đã có phiên thảo luận giới thiệu các dự án về chủ đề “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH”.
Toàn cảnh phiên thảo luận
BĐKH đang đặt ra nhiều thách thức
Theo báo cáo đề dẫn tại buổi thảo luận, BĐKH là gia tăng đột ngột về nhiệt độ của trái đất và 97% các nhà khoa học đã thống nhất rằng hiện tượng này không phải do các biến thể của quỹ đạo trái đất gây ra mà do các hoạt động của con người gây ra. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH, chúng ta cùng với hơn 170 quốc gia đã ký kết Thoả thuận Paris, cam kết toàn cầu đầu tiên về khí hậu, với mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ trái đất ở ngưỡng 2 độ C.
Vào tháng 10/2018, Hội đồng Liên Chính phủ về BĐKH (IPCC) đã đưa ra một báo cáo về mức độ nghiêm trọng của BĐKH lên trái đất, chỉ ra sự khác biệt giữa ngưỡng tăng nhiệt 1.5 độ C và 2 độ C mà con người ở nhiều nơi, trong đó có nhiều tỉnh ở Việt Nam đang phải hứng chịu như mực nước biển dâng cao, nhiệt độ nóng hơn, lượng mưa cực lớn và hạn hán, tăng tính axít trong nước biển và tỷ lệ tuyệt chủng của nhiều giống loài. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cũng chỉ ra rằng chúng ta chỉ còn 12 năm để hành động và thay đổi.
Vấn đề giảm thiểu ô nhiễm carbon, giảm thiểu việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo như năng lượng gió và mặt trời; song song với những chiến lược bảo tồn, việc thay thế việc sử dụng nhựa, nilon trong sinh hoạt và sản xuất đang là những thách thức lớn hôm nay đòi hỏi các chính phủ, các doanh nghiệp, và các cá nhân cùng phải tham gia góp sức.
Toàn cầu cùng hành động
Ứng phó với BĐKH không chỉ 1 nước, 1 cơ quan, đơn vị có thể tiến hành đơn lẻ. Chính phủ các nước cần đưa ra chiến lược tổng thể từ Trung ương đến địa phương như: lên kế hoạch tập trung phát triển năng lượng tái tạo; chiến lược cụ thể cho từng ngành công nghiệp dịch vụ, các khu vực sản xuất, vùng miền thích hợp và chiến lược phát triển công nghệ để đảm bảo hiệu suất sản xuất với chi phí môi trường thấp nhất.
Không khí làm việc của các nhóm
Dựa trên môi trường kinh doanh và chính sách thúc đẩy của nhà nước, doanh nghiệp cần gánh phần trách nhiệm xã hội trong việc tổ chức sản xuất giảm thiểu khí thải carbon và ô nhiễm môi trường. Các doanh nghiệp cũng sẽ nhận ra những cơ hội phát triển cho riêng mình, những thị trường mới, mang ứng dụng công nghệ vào sản xuất và nghiên cứu phương thức tăng trưởng đầu ra bằng tự động hoá, đào tạo công nhân, tìm nguồn đầu vào thay thế. Chi phí sản xuất theo kiểu cũ sẽ dần cao hơn chi phí sản xuất sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường.
Hành động của các cá nhân trong xã hội cũng là thành phần quan trọng góp phần giảm thiểu hoặc làm xấu đi những biến đối trong khí hậu. Lựa chọn tiêu dùng hàng ngày của người tiêu dùng tạo ra tín hiệu cho các nhà cung cấp và sản xuât. Vì thế thay đổi suy nghĩ và thói quen tiêu dùng của cá nhân sẽ góp phần thay đối lựa chọn của doanh nghiệp. Đối với ngành năng lượng, tuy các hộ gia đình không thể lựa chọn nguồn năng lượng dùng để phát điện của nhà mình là gì, ý kiến của cộng đồng và nhận thức xã hội với cơ chế thị trường điện cũng sẽ giúp nhà nước thực hiện chính sách tốt hơn. Trong tương lai không xa, chính các hộ gia đình cũng có thế trở thành 1 đơn vị phát điện sử dụng năng lượng mặt trời quy mô nhỏ.
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Điều này mang đến những thách thức lớn cho chính phủ trong việc lựa chọn chính sách cân bằng giữa phát triển kinh tế, gia tăng sản xuất, tăng công ăn việc làm với những chính sách thay đổi nêu trên. Các doanh nghiệp cũng đứng trước thách thức về so sánh chi phí đầu vào của các nguồn khác nhau, đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong sản xuất và cả việc thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng. Các cá nhân ở các khu vực khác nhau và phân khúc thị trường khác nhau cũng sẽ hiểu biết và lựa chọn khác nhau khiến cho việc đồng nhất trong hành vi tiêu dùng thân thiện với môi trường khó khăn hơn.
Chính vì thế, nhóm thảo luận lần này hướng tới mục tiêu tập hợp các nhà khoa học trẻ, tiên phong trong nghiên cứu về phòng chống BĐKH và bảo vệ môi trường tập trung thảo luận về các vấn đề: Thực tiễn của Việt Nam: các vấn đề về BĐKH mà Việt Nam nói chung, các vùng, khu vực nói riêng đang và sẽ sớm gánh chịu tác hại, để ưu tiên các giải pháp giảm thiếu tác động của biến đổi khí hậu?; Công nghệ ứng dụng: từ những vấn đề thực tiễn trong nước kết hợp với kinh nghiệm, khoa học tiên tiến trong và ngoài nước, những công nghệ mới cụ thể và sẽ được áp dụng như thế nào tại Việt Nam?.
Nhóm nghiên cứu Ứng dụng công nghệ 4.0 (Google Trend) và
các yếu tố thời tiết để dự báo sớm dịch sốt xuất huyết tại TP. HCM
ứng phó với tác động của BĐKH đang trình bày đề tài
Khi hiểu được nhu cầu và bối cảnh thực tế, các trí thức trẻ phối hợp nghiên cứu liên ngành, có những đề xuất, khuyến nghị cho Chính phủ Thông qua thảo luận tại diễn đàn lần này.
Ứng dụng 4.0 trong bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH
Trong gần 70 đề tài nghiên cứu BĐKH về chủ đề bảo vệ môi trường và chống BĐKH trải rộng trên hầu hết các lĩnh vực như: tài nguyên nước, bảo vệ rừng, sử dụng năng lượng, nông nghiệp, sức khỏe... Trong đó, có rất nhiều đề tài được đánh giá cao về tính thực tế và cấp thiết đối với thực tiễn tại Việt Nam.
Dưới tác động của BĐKH, dịch sốt xuất huyết đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp tại Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng. Hiện nay, công tác giám sát dịch sốt xuất huyết chủ yếu dựa vào số ca mắc/chết được báo cáo từ các bệnh viện và các cơ sở y tế. Những dữ liệu báo cáo này thường có một độ trễ nhất định nên không thuận lợi cho việc chủ động phòng chống và kiểm soát dịch bệnh. Xuất phát từ hạn chế này, nhóm nghiên cứu của TS. Trần Ngọc Căng đã nghiên cứu thành công Ứng dụng công nghệ 4.0 (Google Trend) và các yếu tố thời tiết để dự báo sớm dịch sốt xuất huyết tại TP. HCM ứng phó với tác động của BĐKH. Nhóm đã xây dựng thành công mô hình dự báo sớm dịch từ 1-12 tuần và có độ chính xác 87%, độ nhạy 0,92 và độ đặc hiệu là 0,87. Trong tương lai, mô hình này sẽ được nhóm phát triển thành hệ thống dự báo sớm dịch sốt xuất huyết dựa trên nền tảng web, dữ liệu thời gian thực và thân thiện với người dùng.
Đề tài “Ứng dụng học máy và robot trong công tác bảo vệ môi tường và chống BĐKH” của Nguyễn Văn Tỵ đã đề xuất giải pháp áp dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là lĩnh vực robotics vào việc giám sát rừng, địa chất và thời tiết. Robot sẽ thay thế con người tiếp cận những nơi khó khăn và nguy hiểm để khảo sát và đo đạc. Các thông tin được robot thu thập sẽ ứng dụng học máy sâu và xử lý hình ảnh để tự động phân tích một cách nhanh chóng và chính xác. Ứng dụng này có thể áp dụng cho việc giám sát sạt lở, xói mòn và cháy rừng.
Các thành viên chụp ảnh lưu niệm tại phiên thảo luận Ứng dụng công nghệ 4.0 trong bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH
Về lĩnh vực năng lượng, Ứng dụng IoT trong quản lý và phát triển mỏ dầu khí: Bài toán kinh tế và bảo vệ môi trường của TS. Nguyễn Văn Hùng là nghiên cứu về ý tưởng kết nối cập nhật thường xuyên các thông số khai thác mỗi giếng đơn trong mỏ dầu khí. Việc thực hiện ý tưởng này giúp nhà điều hành có được khu chuyển hóa dữ liệu để quản lý mỏ khai thác dầu khí tối ưu hơn, đồng thời kiểm soát các sự cố, tránh được rủi ro có thể gặp phải. Đây chính là giải pháp tích cực trong việc phát triển bền vững năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và BĐKH.
Tại TP. Huế, đề tài “Lồng ghép phương án quy hoạch sử dụng đất với các giải pháp ứng phó BĐKH đã được nghiên cứu thí điểm”. Nghiên cứu đã đề xuất 3 giải pháp quy hoạch mang tính chống chịu với mưa, lũ, hạn hán và bão cho TP. Huế, đó là: quy hoạch mang tính bảo vệ, quy hoạch mang tính sẵn sàng và quy hoạch mang tính dự phòng. Nghiên cứu này vừa góp phần đảm bảo quy hoạch sử dụng đất hợp lý vừa ứng phó với BĐKH ngày càng phức tạp.
Bên cạnh các nghiên cứu này còn có các nghiên cứu có thể áp dụng cho thực tiễn ở Việt Nam như: Ứng dụng dược liệu Ice plant giải quyết đất nhiễm mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long; Sử dụng GIS và Drone trong quản lý rừng và sản xuất nông nghiệp; Ứng dụng 4.0 trong việc thu thập, giám sát, phân tích và điều khiển sự biến đổi của môi trường tác động lên chăn nuôi ở Việt Nam; Công nghệ nano, vật liệu cảm biến, thiết bị xử lý môi trường nước ô nhiễm...
Các nghiên cứu về ứng dụng 4.0 trong bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH của các tri thức trẻ không chỉ thể hiện năng lực của tuổi trẻ Việt Nam mà các nghiên cứu này sẽ là những giải pháp mà Việt Nam cần đến có thể ngay bây giờ hoặc trong tương lai để bảo vệ môi trường và chống BĐKH.
Yến Nhi