Ngày 2/12, Hội nghị lần thứ 24 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 24) đã bắt đầu diễn ra tại thành phố Katowice, Ba Lan. Các đoàn đàm phán đại diện gần 200 quốc gia tham gia Hội nghị năm nay đặt mục tiêu sẽ thông qua hướng dẫn thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Chủ tịch COP 24 Michal Kurtyk kêu gọi các quốc gia nỗ lực thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận Paris
Khung hướng dẫn sẽ cung cấp cách thức triển khai thỏa thuận để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính một cách công bằng và minh bạch cho tất cả các quốc gia, cũng như đánh giá mức độ đạt được các mục tiêu giảm phát thải toàn cầu trong thời gian tới.
Ngày làm việc đầu tiên vào hôm qua (ngày 2/12) đã diễn ra các phiên họp toàn thể của các quan chức Chính phủ và các chuyên gia môi trường.
Tại buổi họp báo trong ngày đầu diễn ra hội nghị, bà Patricia Espinosa, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC) cho biết: Năm nay có thể là một trong 4 năm nóng nhất trong lịch sử được ghi nhận. Theo các nghiên cứu, nồng độ khí nhà kính trong khí quyển ở mức kỷ lục và lượng phát thải tiếp tục tăng. Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng hơn, đòi hỏi các quốc gia ta cần phải làm nhiều hơn nữa và COP24 là cơ hội thực hiện điều đó .
Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh Hội đồng Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu vừa đưa ra những bằng chứng khoa học mới nhất về gia tăng nồng độ khí nhà kính, tác hại của khí thải đến sức khỏe và các tác động nghiêm trọng khác. “Các báo cáo này thống nhất yêu cầu mang tính quyết định là phải đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris về hạn chế sự nóng lên toàn cầu dưới 2 độ C, theo đuổi nỗ lực hướng tới 1.5 độ C", bà Espinosa nhấn mạnh.
COP 24 là thời hạn đàm phán cuối cùng về khung hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận Paris. Nếu được thông qua, đây sẽ là cơ sở triển khai các hành động khí hậu thực tế đối với tất cả các mục tiêu và mục tiêu của Hiệp định Paris, bao gồm thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, hỗ trợ tài chính và hỗ trợ khác cho các nước đang phát triển.
Theo Chủ tịch COP 24 Michal Kurtyk kêu gọi tất cả các quốc gia cùng nhau xây dựng khung hướng dẫn này để Thỏa thuận Paris có thể phát huy đầy đủ chức năng. Ông Michal Kurtyk khẳng định, Hiệp định Paris có hiệu lực nhanh hơn bất kỳ thỏa thuận tương tự nào khác. Chúng tôi sẵn sàng làm việc với tất cả các quốc gia để đảm bảo sẽ có một bộ hướng dẫn thực hiện đầy đủ và nhận thức rằng, công việc này nhằm bảo vệ Trái Đất và toàn nhân loại.
Những bằng chứng rõ ràng về tác động tiêu cực của BĐKH đã làm tăng nhu cầu về giải pháp ứng phó cũng như nhận thức của toàn xã hội. Điều này tạo nên làn sóng ủnghộ mạnh mẽ đối với các hành động khí hậu.
Đối thoại Talanoa về đánh giá tiến độ hướng tới các mục tiêu của Hiệp định Paris của các quốc gia, bao gồm mục tiêu hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu sẽ lần đầu tiên được tổ chức tại COP 24. Một trong những mục tiêu của cuộc đối thoại là tìm ra các giải pháp thiết thực và chia sẻ kinh nghiệm làm thế nào các nước có thể tăng tham vọng trong các Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) ở giai đoạn tiếp theo.
Hội nghị COP 24 gồm các phiên đàm phán cấp cao và các phiên đàm phán cấp kỹ thuật, gồm: Ban bổ trợ thực hiện lần thứ 49 (SBI49), Ban bổ trợ về Khoa học Công nghệ lần thứ 49 (SBSTA49), Hội nghị các Bên tham gia Nghị định thư Kyoto (CMP13); Phiên họp Nhóm công tác đặc biệt triển khai Thỏa thuận Paris (CMP13), Minh bạch trong các hoạt động ứng phó và hỗ trợ ứng phó (APA). Các phiên họp kỹ thuật chính thức diễn ra từ ngày 2/12. Các phiên họp cấp cao diễn ra chủ yếu từ ngày 10/12.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị COP 24 do lãnh đạo Bộ TN& MT làm trưởng đoàn. Thành viên là đại diện các Bộ: TN&MT, NN&PTNT, KH&ĐT, KH&CN, Giao thông, Công Thương, Xây dựng, Ngoại giao, Y tế và Văn phòng Chính phủ, giới khoa học, doanh nghiệp, một số tổ chức xã hội dân sự và cơ quan truyền thông.
|